Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến 18h hôm nay (18/10), mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã khiến 122 người chết và mất tích. Cụ thể, có 84 người chết và 38 người mất tích.
Thống kê cũng cho thấy gần 53 nghìn căn nhà bị ngập (Quảng Trị: 41.878 nhà; Quảng Bình: 11.055), 24.734 nhà bị hư hỏng, sập đổ; 924 ha lúa, 106.616 ha hoa màu bị ngập úng; Hơn 461 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Quảng Trị: 56 người chết và mất tích
Mưa lũ khiến địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ngập trên diện rộng, đã có 37 người chết và 19 người mất tích.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã khiến tỉnh Quảng Trị ngập lụt trên diện rộng ở 80/124 xã, phường, thị trấn. Tỉnh này có 53.759 hộ với 175.344 người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt; trong đó đã triển khai sơ tán 11.084 hộ với 34.737 người đến các khu vực an toàn.
Đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Trị có 37 người chết, 19 người mất tích và 15 người bị thương do mưa lũ.
Mưa lũ khiến các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ và trên báo động 3. Riêng tại sông Hiếu mực nước lũ đo được đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983.
Hiện dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn đạt phổ biến từ 60 - 85%, các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước. Riêng hồ chứa thủy lợi, thủy điện Quảng Trị đã xả nước qua tràn với lưu lượng trên 1.1000 m3/s.
Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho hay, nhiều xã trên địa bàn bị ngập 100%, sâu từ 1-3m. Huyện này có gần 18.000 ngôi nhà bị ngập lụt, tập trung ở các xã Triệu Long, Triệu Thuận, Triệu Độ, Triệu Đại; đã tiến hành di dời khẩn cấp trên 1.000 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu đến nơi cao ráo, an toàn.
Thiệt hại về người liên tiếp gia tăng
Sáng 18/10, Ban chỉ đạo TƯ về PCTT đã họp khẩn ứng phó với tình hình mưa lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ 15-17/10 khu vực miền Trung, Tây Nguyên có mưa rất to. Đặc biệt tại Quảng Trị, một số trạm mưa lớn như: Hướng Linh (Quảng Trị) 763,6mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 582mm, A Lưới (TT. Huế) 392mm, Lâm Thủy (Quảng Bình) 356,4mm, Khe Tre (TT. Huế) 347.8mm, Kỳ Thương (Hà Tĩnh) 341.4mm, Đồng Tâm (Quảng Bình) 298mm.
Tính đến 5h ngày 18/10/2020, còn 52.933 hộ bị ngập và có nguy cơ sạt lở đất đang phải sơ tán, trong tổng số 8.337 hộ đã sơ tán (Quảng Bình: 125 hộ; Quảng Trị: 8.212 hộ ).
Thống kê thiệt hại bởi mưa lũ, con số chính thức đã lên tới 64 người chết và 5 người mất tích. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cập nhật vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 đã khiến 2 người chết và 15 người mất tích.
Mặt khác,theo thông tin ban đầu tại Hướng Hóa, Quảng Trị đã xảy ra 2 sự cố sạt lở (1 hộ gia đinh 6 người bị sập và đoàn kinh tế 337, Quân Khu 4 bị sạt lở có 21 người mất tích) địa phương hiện đang xác minh thông tin. Hiện Quảng Trị đã cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch tỉnh tiếp cận khu vực bị sạt lở.
Tại cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Nguyễn Văn Tiến cho biết: Văn phòng Thường trực BCĐ TW về PCTT thường xuyên giữ liên lạc trực tuyến với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; cập nhật các thông tin cảnh báo về tình hình mưa lũ, cảnh báo cho cộng đồng lên facebook, website…
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông tổ chức nhắn tin khẩn cấp đến 5,5 triệu thuê bao trong vùng ảnh hưởng mưa, lũ; 50.000 tin nhắn trên Zalo; 95.595 tài khoản facebook đã tiếp cận được thông tin; 1.248 lượt chia sẻ, 12.262 người tương tác trên facebook .
“Lượng cập nhật, tương tác với tổng đài PCTT, facebook liên tục gia tăng. Ngay trong đêm qua, trực ban liên tiếp nhận được những tin nhắn hết sức đau thương, lũ dâng cao nhiều nhà dân ngồi trong bóng tối kêu gọi cấp cứu qua tin nhắn”, ông Tiến cho hay.
Đáng chú ý, ông Tiến nhấn mạnh, mặc dù thông tin cảnh báo mưa lũ tới rất sớm nhưng nhiều người dân vẫn có ý thức chủ quan, không chấp hành quy định di dời, sơ tán của chính quyền địa phương.
Những khu vực nào ngập sâu, nguy cơ sạt lở?
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã nâng cấp cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4 (chỉ sau cấp 5 là cấp thảm họa). "Ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất diện rộng tiếp tục diễn ra, ngoài các khu vực đã và đang bị ảnh hưởng thì khu vực bắc Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh là khu vực trong tâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét từ nay đến ngày 20/10. Nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ, các hồ chứa xung yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Ngoài ra, các khu vực miền núi các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tuy mưa đã giảm nhưng nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi vẫn rất cao, do đất đá đã bão hòa nước và nước rút gây sạt lở bờ sông", đại diện Trung tâm cảnh báo.
Dự báo thời tiết từ nay đến ngày 21/10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 400-600mm; ở Nghệ An 100-200mm, riêng phía Nam có nơi trên 300mm.
Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày và đêm nay (18/10) có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa 20-40mm/24h, có nơi trên 50mm; từ tối và đêm 19/10 mưa lớn tăng trở lại và kéo dài đến ngày 21/10 với lượng mưa ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 150-250mm/đợt, ở Quảng Nam-Quảng Ngãi từ 50-100mm/đợt.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh (Quảng Bình); Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam).
Đồng thời, ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Khê, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình); Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị); Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế); Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, thành phố Hội An (Quảng Nam).
Mưa lớn kéo dài 2 ngày đêm ở Quảng Bình khiến hơn 34.000 bị ngập sâu trong nước, 200 thôn bản bị cô lập, người dân chạy lũ trong đêm.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến 7h sáng nay, mưa lũ đã làm hơn 34.000 nhà dân bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt và hàng ngàn người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm.
Tính từ 1h ngày 18/10, tổng lượng mưa phổ biến ở Quảng Bình đo được từ 200-500mm, có nơi trên 500mm tập trung tại các khu vực miền núi Minh Hóa và xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Hiện nước lũ tại các sông, suối Quảng Bình vẫn đang tiếp tục lên nhanh, sông Gianh (tại xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) đang ở trên mức BĐII (0,73m); sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) trên mức BĐII (0,60m); sông Rào Nậy (tại Đồng Tâm) dưới mức BĐII (1,12m).
Cụ thể: Tại huyện Quảng Ninh hiện có 10.448 nhà dân bị ngập hầu hết tại các xã. Một số xã nằm ven sông Long Đại, cuối sông Kiến Giang như: Tân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh…bị nước ngập sâu, gây chia cắt cục bộ. Toàn huyện này có 57 thôn, bản trên 11 xã bị cô lập chia cắt.
Ông Nguyễn Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, trận lũ lần này vượt trận lũ lịch sử năm 2010 hơn 10cm và chưa có dấu hiệu dừng lại, nước vẫn đang lên. Hiện lực lượng của xã đang phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện, tỉnh tập trung cứu dân.
Tại huyện Lệ Thủy có khoảng 17.600 nhà dân ở nhiều xã ở hầu hết các xã bị ngập, một số xã ngập sâu như: An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang… bị nước lũ bủa vây, có nơi ngập sâu từ 1 đến 2,5m. Nước lũ làm cô lập và chia cắt tuyến đường vào bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy) và bản An Bai (xã Kim Thủy).
Ông Lê Vĩnh Thế - Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy cho biết, mưa lũ trong 2 ngày qua đã khiến nhiều địa phương bị cô lập, giao thông chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu. Một số hộ bị ngập lụt lâm vào cảnh khốn khổ, nước lũ bủa vây tứ bề.
"Do nước lũ lên rất nhanh nên ngay trong đêm (17/10) và rạng sáng nay, các lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân nhà bị ngập sâu gần tới nóc về nơi an toàn. Đến thời điểm hiện nay công tác ứng cứu người dân nằm trong vùng bị ngập sâu vẫn được triển khai rất khẩn trương", ông Thế cho biết thêm.
Tại huyện miền núi Minh Hóa, có 22 bản/4 xã biên giới, như: Pa Chong, Ra Mai, Si, Lòm… của xã Trọng Hóa, các bản Tà Rà, Hà Nong, Tà Lèng, Ka Ai…của xã Dân Hóa, các bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, thôn Quyền của xã Thượng Hóa bị cô lập, chia cắt. Toàn huyện này có 838 hộ nhà bị ngập, riêng vùng “rốn lũ” Tân Hóa trong sáng nay có 400 nhà bị ngập sâu hơn 2m và nước lũ vẫn đang tiếp tục dâng cao.
Tại huyện Bố Trạch có gần 1.000 nhà dân bị ngập. Cụ thể, các xã nằm ven sông Son bị ngập lụt cao, gồm: thị trấn Phong Nha có 609 nhà bị ngập từ 0,5 đến 1,5m; xã Hưng Trạch có 157 nhà dân ngập lụt cao; xã Liên Trạch có 45 nhà…các tuyến đường vào 34 thôn, bản ở các xã Thượng Trạch, Tân Trạch, thị trấn Nông Trường Việt Trung, Phong Nha… nước ngập cục bộ nên bị cô lập và chia cắt.
Thị xã Ba Đồn có 3.696 nhà dân bị ngập nước, tập trung tại các xã vùng phía Nam nằm ven sông Gianh chảy qua địa bàn thị xã, như: Quảng Văn, Quảng Trung, Quảng Tiên, Quảng Hòa, Quảng Sơn, Quảng Lộc, Quảng Hải…
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, mưa lũ cũng đã gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch; nhiều bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng tại các xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch; xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy; bãi Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch… . Nhiều tuyến đường đã bị sụt trượt mái ta luy dương, đất, đá tràn xuống nền, mặt đường như: QL12C, QL15, QL 9B, 9C, 9E. Đường tỉnh lộ bị ngập nước sâu như: TL559B, 559, 562, 564,564B.
Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Ban chỉ đạo TƯ về PCTT yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng:
- Thường xuyên theo dõi thông tin về mưa, lũ; Giữ liên lạc và tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương;
- Khẩn trương di dời ra khỏi khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét; hạn chế di chuyển trong lũ; trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn;
- Không đi qua ngầm, tràn, cầu, cống hoặc các đường giao thông khi lũ đang tràn qua; không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trong vùng ngập lũ, sạt lở đất; ngắt toàn bộ các thiết bị điện, khóa van ga, kê cao các đồ vật cần bảo quản;
- Chuẩn bị và sử dụng áo phao hoặc các dụng cụ có thể làm vật nổi; Sạc pin điện thoại, pin dự phòng, đèn pin;
- Dự trữ, bảo vệ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh trong tình huống ngập lụt, chia cắt dài ngày;
- Đảm bảo an toàn, nhất là về điện; chủ động dọn dẹp, tiêu hủy xác súc vật, vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận