Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh TT.Huế, sau khi tiến hành khảo sát thống kê có 130 hộ gia đình của phường Kim Long và phường Phường Đúc, TP. Huế ảnh hưởng phải thu hồi hơn 35.705 m2 đất; trong đó tại phường Phường Đúc có 106 hộ phải thu hồi là 12.953,0m2 (đất đô thị 11.710,5m2, đất giao thông 1.237,9m2, còn lại là các loại đất khác); tại phường Kim Long có 25 hộ thu hồi 22.752,5m2 (đất đô thị 2.790,0m2; đất giao thông 670,5m2...). Trong số hộ dân ảnh hưởng dự án có hơn 70 hộ chính phải tái định cư nơi ở mới.
Mô hình cầu vượt sông Hương nhìn từ trên cao
Ban quản lý dự án đang phối hợp với các đơn vị chức năng TP. Huế tiến hành chi trả bồi thường cho người dân ảnh hưởng dự án; đồng thời xúc tiến cho người dân trong diện phải tái định cư đến khu quy hoạch Lịch Đợi giai đoạn 3, tại phường Thủy Xuân, TP. Huế. Dự kiến công tác GPMB và tái định cư phấn đấu hoàn tất trong năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Quý, có nhà phải di dời trên đường Nguyễn Hoàng, cho biết: “Mặc dù gia đình tôi đã sinh sống 300 năm với nhiều thế hệ cha ông trên mảnh đất này, nhưng vì sự phát triển chung, đẩy nhanh tiến độ đưa TP. Huế trực thuộc thành phố trung ương, nên tôi và gia đình hoàn toàn chấp nhận di dời đến nơi ở khác, tạo điều kiện tốt nhất cho con đường khang trang sớm được hoàn thành”.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có quy mô đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương (ngân sách Trung ương 800 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương), do Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính-Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế... thi công với thời gian 3 năm kể từ ngày khởi công.
Theo quy mô thiết kế, DA hoàn chỉnh, gồm 2 hạng mục chính là xây dựng cầu vượt sông Hương (điểm đầu thiết kế cầu tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng; điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân) và hạng mục đường Nguyễn Hoàng (nhánh đường vào cầu vượt phía bờ bắc sông Hương, chiều dài tuyến khoảng 1,08 km).
Đường Nguyễn Hoàng nhỏ bé sẽ thành đại lộ trong tương lai gần
Ngoài ra, trên tuyến của hạng mục đường Nguyễn Hoàng sẽ xây dựng mới 1 cầu An Ninh Hạ vượt sông Bạch Yến với khẩu độ tĩnh 45m, bề rộng cầu 43m, bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Riêng cầu vượt qua sông Hương có chiều dài khoảng 380m, rộng 43m (bằng bề rộng đường Nguyễn Hoàng và đường Vành đai 3), với các làn xe ô tô và mô tô cùng các dải an toàn trên mỗi hướng xe chạy; làn đi bộ rộng 3m được bố trí khác mức ở cả hai bên cầu. Trên mặt bằng, các lề bộ hành được rẽ nhánh xuống công viên hai bên bờ sông bằng 4 cầu nhánh cong.
Tổng chiều dài toàn cầu gồm cả đường hai đầu cầu khoảng 590m. Cả hai nút giao thông đầu cầu vượt sông Hương (bao gồm nút giao thông phía bắc, đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên và nút giao thông phía bờ nam đường Bùi Thị Xuân) thiết kế theo phương án giao cùng mức và kết hợp chỉnh trang, vuốt nối phù hợp đường hiện trạng.
Cầu được thiết kế vòm thép gồm 5 nhịp dầm, kết cấu bằng bê tông cốt thép (BTCT) và thép, phù hợp phương án thi tuyển kiến trúc được cấp thẩm quyền lựa chọn và thống nhất. Cầu có khổ thông thuyền sông cấp 3, khả năng thông thuyền đảm bảo tối thiểu: rộng 30m, chiều cao 6m.
Được biết dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến QL1A và các tuyến qua trung tâm TP. Huế; tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây TP. Huế; phát triển KT-XH, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh người dân...
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh TT.Huế, cho biết, với quyết tâm và thực hiện Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 về phê duyệt quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; góp phần tạo thêm dấu ấn hạ tầng KT-XH; sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương cùng với các dự án đã được khởi công năm 2002 như "Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An", Đê chắn sóng cảng Chân Mây là bước khởi đầu, cụ thể hoá, hiện thực hoá mục tiêu, chủ trương của tỉnh và của Trung ương về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận