Y tế

15 tuổi đã mắc đột quỵ vì nguyên nhân không ngờ

17/06/2024, 16:18

Theo chuyên gia y tế, bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa, do có sẵn bệnh lý nền nhưng không biết. Nhiều bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, chỉ 15-16 tuổi, thậm chí có trường hợp 6 tuổi.

Gia tăng người trẻ đột quỵ, vì sao?

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận 50-60 ca đột quỵ nặng và phức tạp từ bệnh viện vệ tinh chuyển đến. Đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca được tiếp nhận tại đây.

15 tuổi đã mắc đột quỵ vì nguyên nhân không ngờ- Ảnh 1.

Đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây. (Ảnh: Bạch Mai).

Ông Dũng cho hay, có những bệnh nhân đột quỵ rất trẻ, chỉ 15-16 tuổi, thậm chí có trẻ 6 tuổi đã mắc đột quỵ. Bệnh nhi này được vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu não do dị dạng mạch thông động tĩnh mạch não. Sau khi được cấp cứu ổn định, cháu được chuyển sang hồi sức Nhi, tiên lượng khó khăn. Ngoài ra, tại đây cũng từng tiếp nhận bệnh nhân 16 tuổi bị nhồi máu não, khi vào viện mới biết nguyên nhân do tim mạch, nghĩa là có sẵn bệnh lý nền nhưng không biết, dẫn đến đột quỵ.

Không ít bệnh nhân trẻ phát hiện cao huyết áp nhiều năm, nhưng không điều trị, không uống thuốc vì cảm thấy người hoàn toàn bình thường, tới khi đột quỵ vào cấp cứu phải thở máy, liệt nửa người khó hồi phục…

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca nhập viện điều trị đột quỵ có chiều hướng gia tăng trong vài năm gần đây, từ 1,7% lên tới 2,5%, với tỉ lệ nam cao gấp 4 lần nữ.

Bệnh có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20, thậm chí trẻ hơn, tỷ lệ ở người trẻ tuổi đột quỵ đang tăng ở mức 2% mỗi năm.

BS Dũng cảnh báo, các trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ thường chủ quan hoặc rất ít theo dõi chỉ số huyết áp. Bên cạnh đó, nhiều người lười vận động, thừa cân, béo phì, không chịu tập luyện, hoặc ăn thức ăn nhanh, thức khuya, chịu áp lực trong công việc, đều là yếu tố nguy cơ nhưng lại ít chú ý. Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khoẻ, chỉ tới khi đột quỵ vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền huyết áp, tim mạch… Những bệnh nền này không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc nào đó bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ.

Người trẻ làm gì để phòng đột quỵ?

Theo chuyên gia về đột quỵ, chảy máu não có thể do dị dạng mạch máu não hoặc do tăng huyết áp nhưng điều trị không thường xuyên hoặc điều trị không tốt. Ở người trẻ, nguyên nhân chảy máu não hay gặp là dị dạng động tĩnh mạch não và phình động mạch não. Trong thực tế lâm sàng đa phần đột quỵ là thể nhồi máu não, chiếm gần 80%, và chảy máu não khoảng 20%.

Để phòng đột quỵ, mọi người phải biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ và khi đã nghi ngờ mình đột quỵ phải khẩn trương vào viện ngay.

"Hãy lắng nghe cơ thể mình, kiểm soát các bệnh nền. Đối với người trẻ nên cân bằng cuộc sống, tăng cường vận động, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh xa chất kích thích, thuốc lá điện tử, phải khám sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh lý mình mắc phải để có kế hoạch điều trị kiểm soát tối ưu. Khi đã có bệnh nền phải khám định kỳ để bác sĩ có thể chỉnh liều thuốc nhằm đạt mục tiêu điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân đã từng mắc đột quỵ rồi", BS Dũng lưu ý.

Người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu trong "giờ vàng" (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ), phát hiện và điều trị muộn thì cơ hội phục hồi rất khó khăn, nhiều người đã trở thành tàn phế, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

3 dấu hiệu điển hình và rất thường gặp, khi có các dấu hiệu này cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ:

- F (khuôn mặt) nhìn vào bộ mặt của người bệnh, nếu góc miệng (khoé miệng) của bệnh nhân khi nói, cười bị lệch, méo miệng hoặc chảy nước khi uống nước.

- A (tay chân bên phải hoặc trái) bị yếu liệt hoặc tê bì.

- S (ngôn ngữ, lời nói) nói khó hơn so với bình thường, phát ngôn khó, hoặc không phát ngôn được.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như tuổi cao, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.