Bán công nghệ theo dõi cho chính phủ
Bài điều tra của Washington Post phối hợp với 16 tờ báo lớn như the Guardian, Le Monde... thực hiện, được đăng tải sáng 19/7 theo giờ Việt Nam, chỉ ra, nhiều chính phủ trên thế giới đã sử dụng phần mềm của NSO Group - công ty giám sát an ninh mạng quy mô lớn tại Israel - để theo dõi các nhà báo, nhà hoạt động và chính trị gia có quan điểm đối lập.
Cụ thể, công ty Israel bị cáo buộc cung cấp ứng dụng theo dõi tinh vi có tên Pegasus cho các chính phủ và tổ chức để theo dõi ít nhất 37 điện thoại thuộc sở hữu của nhiều nhà báo tại nhiều nước trên thế giới bao gồm Azerbaijan, Pháp, Hungary, Ấn Độ và Morocco.
Phía xa là trụ sở công ty NSO tại Israel
Một nguồn tin biết về các hợp đồng của NSO cho hay, khách hàng của công ty này là chính phủ Azerbaijan, Bahrain, Ấn Độ, Mexico, Morocco, Saudi Arabia và UAE.
Ứng dụng Pegasus của NSO cho phép người theo dõi có thể tiếp cận ổ cứng của điện thoại, xem ảnh, video, thư điện tử, tin nhắn...
Phần mềm này còn được dùng để ghi âm các cuộc hội thoại được thực hiện trên chính chiếc điện thoại bị xâm nhập và định vị nơi chủ nhân điện thoại lui tới.
Danh sách 50.000 số điện thoại
Nhóm 17 tờ báo nổi tiếng thế giới trong cuộc điều tra trên cho biết, NSO có liên quan tới một danh sách bị rò rỉ, trong đó có hơn 50.000 số điện thoại đến từ hơn 50 quốc gia.
Theo các nhà báo, danh sách trên có hàng trăm số điện thoại của các nhà báo, lãnh đạo chính quyền, chính trị gia đảng đối lập, các học giả, người hoạt động vì nhân quyền. Và đây chính là những mục tiêu mà các khách hàng của NSO muốn nhắm đến.
Có thể kể ra một số cái tên nổi bật trong danh sách như: nhà báo Roula Khalaf của tờ The Financial Times thân cận với nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi; nhà báo người Mexico Cecilio Pineda Birto, từng bị bắn trên đường; nhiều "cây bút" từ CNN, AP, The Wall Street Journal, Bloomberg News, và The New York Times.
Hình ảnh nhà báo Jamal Khashoggi trước lúc bị sát hại. NSO được cho là đã cung cấp dịch vụ theo dõi cho chính phủ Saudi Arabi dù nước này bị cáo buộc liên quan tới vụ sát hại ông Khashoggi
Tổ chức Ân xá Quốc tế và Forbidden Stories là những đơn vị đầu tiên có được bản danh sách trên, sau đó chia sẻ với báo giới.
Về phần mình, NSO khẳng định, danh sách số điện thoại trên không có trong dữ liệu của công ty. “Như NSO từng khẳng định, công nghệ của chúng tôi không liên quan, dù trên bất cứ hình thức nào, với vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi”, theo thông báo của công ty Israel.
“Chúng tôi cực lực phản đối các cáo buộc sai trái trong báo cáo của 17 tờ báo quốc tế. Các nguồn tin của họ đã cung cấp thông tin không có cơ sở thực tế. Bằng chứng là, họ thiếu tài liệu củng cố lập luận đã đưa ra”, theo NSO.
Thực tế, những cáo buộc này đã xúc phạm, xa rời thực tế. NSO đang cân nhắc sẽ kiện các báo tội phỉ báng.
Trước thông tin trên, chính phủ Israel cũng đối mặt với áp lực quốc tế vì cho phép công ty NSO làm ăn với nhiều cơ quan công quyền sử dụng phần mềm vì mục đích ngoài phạm vi nhắm vào mục tiêu tội phạm và khủng bố mà công ty khẳng định.
Hiện tại, Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối bình luận.
NSO từng bị nghi vấn từ năm 2016 vì có thông tin phần mềm của công ty này được sử dụng để chống lại các nhà hoạt động nhân quyền tại Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và một nhà báo tại Mexico.
Kể từ đó đến nay, tờ The New York Times nhiều lần đăng tải thông tin cáo buộc phần mềm của NSO được dùng để theo dõi các nhà báo, nhà hoạt động và chính khách tại Mexico cùng Saudi Arabia.
Song, theo cáo buộc từ nhóm các tờ báo lớn trên thế giới kể trên, quy mô phần mềm NSO được sử dụng lớn hơn rất nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận