Hơn nghìn con bò ngày đêm "xả thải" |
Chiều 12/3, đại diện hàng trăm hộ dân thôn Ngô Hùng, xã An Hồng, huyện An Dương (TP Hải Phòng) đã kéo lên nhà văn hóa thôn yêu cầu chính quyền xã, huyện có biện pháp xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường do trang trại nuôi bò ngay cạnh khu dân cư và nhà máy tạo hạt nhựa đổ nước thải làm chết lúa, hoa màu.
Theo họ, hàng ngày, hơn 300 hộ ở thôn Ngô Hùng phải “chịu trận” mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ trang trại bò nuôi 2000 con ngay bên cạnh. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng khiến sinh hoạt của người dân ở đây bị đảo lộn.
Phân bò ngổn ngang |
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 12/3, ông Đinh Văn Chanh 61 tuổi, Đội 1, thôn Ngô Hùng cho biết lúc đầu, doanh nghiệp này mới chỉ nuôi vài trăm con nên mùi hôi thối bốc ra từ các chuồng bò còn ít. Từ hôm giáp Tết Ất Mùi đến nay, có 2000 con bò được chở về đây nuôi. Hàng ngày, mùi hôi thối từ trang trại bò này xộc thẳng vào nhà dân, buộc các hộ phải đóng cửa cả ngày.
“Những hôm lộng gió, mùi phần bò bốc lên rất gắt, nhiều hộ sát bên trang trại phải đeo khẩu trang ngủ, ăn uống sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cháu nhỏ còn bị bệnh hô hấp”, ông Chanh nói.
Trang trại bò rộng vài ha |
Theo quan sát của PV, trang trại bò rộng khoảng vài ha được thuê lại trong Khu công nghiệp tàu thủy An Hồng. Trại nuôi bò của Công ty này được thiết kế theo một dãi chạy dài với nhiều chuồng bò san sát, mỗi chuồng có hàng hàng trăm con bò. Phân bò, nước thải ngập ngụa ngay dưới nền chuồng trại nhưng không được thu gom, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Khoảng cách từ chồng nuôi bò đến nhà các hộ dân thôn Ngô Hùng chỉ vài trăm mét. Lượng chất thải của đàn bò này tràn ngập khu trang trại và bốc mùi nồng nặc.
Trang trại bò án ngữ ngay khu dân cư |
Anh Nguyễn Văn D. ở thôn Ngô Hùng, người thường xuyên được thuê chở phân bò cho doanh nghiệp này đi xử lý cho biết mấy ngày nay, bà con phản ứng nhiều nên công ty đã cho dọn bớt. Mỗi lần vào trang trại, mùi hôi thối xộc vào mũi đến nghẹt thở, bình thường lượng phân bò ở đây dày cả hàng chục cm phủ khắp khu trang trại.
Doanh nghiệp nuôi bò là Công ty Foodex, nhập khẩu bò từ Úc về nuôi thương phẩm. Sau khi nuôi vỗ béo, cứ vài tháng doanh nghiệp này lại xuất đi. Theo bà Bùi Thị Minh, đại diện Foodex, do kinh tế khó khăn nên công ty mới chỉ xuất được 1000 con bò. Công ty cam kết cố gắng đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, trong chiều nay phía công ty vẫn chưa đưa ra được giải pháp cũng như thời gian cụ thể khắc phục tình trang ô nhiễm.
Ngoài trang trại bò “hành” các hộ dân thôn Ngô Hùng thì phía tây thôn là nhà máy tái chế hạt nhựa cũng ngày đêm xả nước thải và khói bụi vào khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Đạm, 71 tuổi cho biết hàng đêm nhà máy đốt phế thải để tái chế hạt nhựa. Nhiều năm nay, nước thải từ nhà mày này đổ tràn ra khu ruộng canh tác của các hộ dân khiến hoa màu và lúa thường xuyên chết hàng loạt.
Lúa và hoa màu chết vì nước thải nhà máy tái chế hạt nhựa |
Theo ghi nhận của PV, mương nước xung quang nhà máy này có màu đen xì, khuấy mạnh nổi lên bọt trắng như bọt xà phòng và có cả váng dầu trên bề mặt. Nhiều ruộng lúa xung quanh khu vực nước thải của nhà máy này không thể canh tác được.
Nước thải đen xì và đầy váng dầu |
Ông Lê Văn Cường, chủ tịch UBND xã An Hồng cho biết nhận được phản ánh của người dân, UBDN xã đã nhiều lần mời đại diện công ty Foodex lên giải quyết, yêu cầu phải có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường của trại buôi bò này.
Theo ông Cường, đối với nhà máy đốt rác thải, chính quyền địa phương cũng đề nghị và phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện khẩn trương kiểm tra, nếu không đảm bảo điều kiện hoạt động, gây ô nhiễm môi trường cũng phải dừng sản xuất ngay chứ không thể để như vậy được.
“Theo cam kết chiều nay giữa các hộ dân và doanh nghiệp thì đến ngày 2/4, Foodex phải hoàn thành việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Riêng trang trại bò sẽ không tiếp tục tái nhập bò để nuôi”, một cán bộ xã An Hồng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận