Một con tàu container có thể thải ra lượng chất thải gây ô nhiễm bằng 50 triệu ô tô |
Phạt 2,75 triệu USD vì giả hồ sơ phát thải
Cuối tháng 12 năm ngoái, công ty vận tải đường biển Carbofin S.PA. (Carbofin) có trụ sở tại Genoa (Italia) bị kết ba tội danh vì vi phạm Luật Ngăn chặn ô nhiễm từ Tàu biển khi làm giả hồ sơ dữ liệu của nhiều con tàu nhằm che giấu hành vi nhiều lần thải chất ô nhiễm bất hợp pháp ra biển trong hai năm 2013 - 2014. Carbofin bị phạt 2,75 triệu USD trong đó 600 nghìn USD được dùng vào việc công ích, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Giáo sư James Corbett tại trường Đại học Delaware của Mỹ cho biết: “Ô nhiễm tàu biển ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cộng đồng người dân sống ở khu vực đất liền, ven biển trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vấn đề này lại là một trong số những vấn đề ít được quan tâm, quản lý sát sao nhất”. Ước tính, một năm ngành Vận tải tàu biển đốt 300 triệu tấn dầu nặng để vận hành, sinh ra khối lượng lớn khí carbon đen - một tác nhân làm thay đổi khí hậu.
EU đã chấp nhận đề nghị của IMO giảm hàm lượng lưu huỳnh trong các nhiên liệu cho tàu thuyền sẽ giảm xuống mức 0,5% trong năm 2020 (hiện là 3,5%). Các giới hạn cho tất cả các tàu ở vùng biển Baltic và Biển Bắc (được gọi là khí thải khu vực kiểm soát), sẽ cắt giảm xuống từ 0,1% - 0,5% vào năm 2015. |
Theo tờ Guardian, một con tàu container lớn nhất thế giới có thể thải ra lượng chất thải gây ô nhiễm bằng 50 triệu ô tô. Không chỉ vậy, tàu thuyền thải ra 15-30% trong tổng lượng chất thải tạo sương mù trên thế giới.
Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cho phép tàu biển sử dụng nhiên liệu chứa tới 3,5% lưu huỳnh cao gấp hàng nghìn lần so với mức cho ô tô tại châu Âu. Tiêu chuẩn này nằm trong Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được IMO đưa ra từ năm 1973, được sửa đổi bởi Nghị định thư 1978 (Công ước MARPOL 73/78).
Đây là một trong những công ước chủ chốt về bảo vệ môi trường biển và đến nay vẫn chưa có thay đổi gì mới, trong bối cảnh lượng tàu hàng ngày càng phát triển và biến đổi khí hậu thay đổi chóng mặt.
Ông Fred Pearce, Cố vấn về môi trường của tạp chí Khoa học mới (New science) của Mỹ cho biết: “Nếu không có biện pháp hạn chế, lượng chất thải từ tàu biển sẽ tăng lên gấp ba lần cho đến năm 2025”. Ngoài ra, theo thống kê do tổ chức hoạt động vì môi trường Earthjustice công bố, cứ 10 trẻ em thì có hơn một trẻ em sống tại các thành phố cảng lớn nhất thế giới mắc chứng hen suyễn.
Tàu container chạy bằng gió
Trong khi chờ các tiêu chuẩn được sửa đổi, nhiều nhà khoa học đã tự mày mò tìm cách thay đổi công nghệ tàu biển nhằm bảo vệ môi trường. Terje Lade, một chuyên gia đến từ công ty Lade AS có trụ sở tại Oslo, Na Uy thiết kế con tàu mang tên “Vindskip” - loại tàu container hybrid sử dụng hai động cơ: Cả động cơ đốt trong và động cơ điện lấy năng lượng từ gió. Loại tàu này hứa hẹn sẽ tiết kiệm nhiên liệu tới 60% và giảm khí thải 80%.
“Cha đẻ” của Vindskip cho biết, con tàu tương lai này có thiết kế gần giống máy bay, sử dụng gió để tạo ra lực kéo như cách máy bay cất cánh khi đạt tốc độ nhất định”.
Một điều thú vị khác, Vindskip có thể được điều khiển tự động bằng một phần mềm đặc biệt do Trung tâm Dịch vụ hậu cần hàng hải Fraunhofer của Đức phát triển. Phần mềm này có thể tính toán tuyến đường tối ưu dựa theo thời tiết và điều kiện gió.
“Với phần nềm này, bạn chỉ cần nhập địa điểm bắt đầu khởi hành, thời gian bạn muốn tới nơi, chương trình này thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và tự động tính toán tuyến đường tốt nhất”.
Lade tự tin chiếc Vindskip đầu tiên trên thế giới sẽ được hoàn thành và hạ thủy vào năm 2019. Ý tưởng trên nhận được không ít quan tâm từ các công ty vận tải biển. Trả lời CNN, Công ty Vận tải biển của Đan Mạch Maersk khẳng định, họ cũng đang theo đuổi những ý tưởng sử dụng nguồn năng lượng thay thế cho tàu biển như một giải pháp nhằm giảm ô nhiễm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận