Trưa 12/10, Bộ đội biên phòng TP.HCM vẫn đang triển khai giám định khối lượng tang vật đối với 3 sà lan cát tặc bị lực lượng trinh sát đồn biên phòng Long Hòa bắt giữ vào đêm trước đó.
Khoảng 22h ngày 11/10, trinh sát biên phòng phát hiện 3 sà lan lớn đang hút cát tại khu vực biển thuộc xã Long Hòa huyện Cần Giờ nên phát tín hiệu kiểm tra. Thời điểm này, các phương tiện vẫn đang cắm các ống hút cát đường kính hơn 100mm xuống biển nhưng tăng tốc bỏ chạy.
Trinh sát biên phòng truy đuổi và áp sát buộc các phương tiện dừng lại và cặp mạn 3 sà lan lại với nhau. Sau đó, cả 3 phương tiện được đưa về trạm kiểm soát Đồng Hòa. Tại thời điểm kiểm tra, cả 3 phương tiện không xuất trình được giấy tờ đăng ký, đăng kiểm.
Trên các phương tiện, số hiệu đăng ký đã bị cạo bỏ. Qua khai thác nhanh, bộ đội biên phòng đã xác định số hiệu đăng ký của 3 sà lan gồm: BV- 1458, SG - 8764, SG - 3162. Mỗi sà lan lúc này đã hút được hàng chục m3 cát.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, cả 3 sà lan được trang bị hệ thống vòi bạch tuộc cực “khủng” đáp ứng công suất bơm hút cả trăm m3 cát/giờ. Hệ thống vòi hút được cát tặc nối lại, gia cố và chia nhánh cực kỳ chuyên nghiệp, tinh vi. Tại các đoạn trung gian còn có buồng xả áp, tách nước lấy cát. Tổng chiều dài vòi bạch tuộc đấu nối lại được tính bằng km
>>> Một số hình ảnh Báo Giao thông ghi nhận:
3 sà lan cát tặc có tổng tải trọng hàng trăm tấn bị trinh sát biên phòng đưa về trạm kiểm soát Đồng Hòa sáng 12/10
Trên mạn của cả 3 sà lan, hệ thống đường ống cỡ lớn được gia cố bằng cao su chịu nhiệt đấu nối vào máy bơm hút để có thể hút hàng trăm khối cát biển.
"Vòi bạch tuộc" tại đoạn xả cát biển xuống boong trên sà lan BV- 1458
Quá trình hành nghề lâu năm, cát tặc chuyên nghiệp đến mức độ "chế" hẳn cao su giảm chấn của trục dẫn động từ động cơ vào trục máy bơm.
Cứ khoảng 8 - 10 mét, vòi bạch tuộc lại được cát tặc gia cố "vươn ra" bằng cách đấu nối bằng keo chuyên dụng kết hợp với đai siết thủ công.
Lưu lượng của bơm hút cát rất lớn, vì vậy được ví như "vòi bạch tuộc" khổng lồ. Bơm hút cát đường kính cửa hút 100mm có lưu lượng hút là 150m3/h, bơm hút cát đường kính cửa hút 150mm có lưu lượng lên tới 300m3/h. Sức tàn phá của "vòi bạch tuộc" khiến nhiều vùng đất trên bờ sạt lở, các tuyến đường thủy mà sà lan cát tặc đi qua dần hình thành các xoáy nước, sóng dữ nguy hiểm như biển động.
Một đoạn "vòi bạch tuộc" được liên kết bằng sắt 8mm kẹp xoắn lại bằng kìm chuyên dụng.
Nhờ vào chiêu nối vòi, hệ thống đường ống của cát tặc đường biển có thể kéo dài cả kilomet dùng cho cả khi hút từ biển lên và khi bơm từ boong xuống các bãi tập kết trái phép.
Bộ đội biên phòng dẫn nước từ boong sà lan ra ngoài để giám định khối lượng cát biển bị hút trái phép.
"Vòi bạch tuộc" - đặc sản của sà lan cát tặc.
Hệ thống đấu nối vòi bạch tuộc tinh vi đến độ không ít các trường hợp sà lan cát tặc có thể neo cách điểm hút cát vài trăm mét hoặc vừa di chuyển vừa kéo rê đường ống.
Do hệ thống đường ống quá dài, tăng áp và giảm áp ở nhiều đoạn khác nhau, các buồng điều áp tự chế ra đời giúp cát tặc gia tăng công suất phá hoại môi trường.
Ngoài các đường ống cứng bằng sắt thép, ống nhựa chịu nhiệt, hàng trăm mét ống cao su dẻo được cát tặc để sẵn trên boong. Thiếu tá Nguyễn Hoàng - Phó đồn trường Bộ đội biên phòng Long Hòa cho biết đơn vị này đã bắt giữ hàng chục vụ hút cát trái phép trên biển Cần Giờ. 3 sà lan vừa bị bắt giữ là tang vật điển hình về hệ thống vòi bạch tuộc được cát tặc đấu nối quy mô, tinh vi cắm xuống biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận