Xã hội

30 năm bám đảo Phú Quý cứu người

13/12/2015, 07:23

Sau 30 năm gắn bó với đảo Phú Quý, điều làm tôi day dứt và ân hận nhất là phận làm con...

17

Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh đang điều trị cho ngư dân tại Bệnh việnQuân dân y trên đảo Phú Quý - Ảnh: Khánh Ly

“Sau 30 năm gắn bó với đảo Phú Quý, điều làm tôi day dứt và ân hận nhất là phận làm con, khi bố mẹ qua đời tôi không thể về được. Giờ đây khi về nhà, tôi chỉ biết đứng trước bàn thờ của bố mẹ khóc và xin lỗi…”.

Đó là những tâm sự từ đáy lòng của một bác sỹ 30 năm qua đã xung phong ra đảo Phú Quý (Bình Thuận), không nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân, để chữa bệnh cho người dân trên đảo. Để rồi trong những thời khắc thiêng liêng và quan trọng nhất của đời người, ông đều không thể có mặt bên gia đình. Sự hy sinh cao cả ấy khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Lăn vân tay để… giữ bác sỹ Lĩnh ở lại với dân đảo

Đó chính là Th.s. BS. Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), quê ở Kiến Xương, Thái Bình.

Năm 1986, khi Nhà nước có chính sách tăng cường bác sỹ về vùng sâu vùng xa, hải đảo, bác sỹ Lĩnh tình nguyện xin ra đảo Phú Quý. Khi ấy, ông vừa tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình và cũng vừa mới cưới vợ, sinh con trai đầu lòng. “Ngày đó, tôi nghĩ mình chỉ đi ba năm theo kế hoạch rồi về với vợ con. Nhưng rồi không biết vì lý do gì, tôi gắn bó và mãi không dứt được huyện đảo đầy khó khăn, vất vả ấy”, ông tâm sự.

Trải qua gần 30 năm sống và làm việc trên đảo Phú Quý, bác sỹ Lĩnh luôn tâm niệm làm một người thày thuốc phải luôn thương yêu người bệnh, coi người bệnh như chính người thân ruột thịt của mình. “Do say mê nghề nghiệp, do gắn bó với nhân dân huyện đảo, nên không biết từ bao giờ, tôi coi đây như quê hương của mình. Tôi không nghĩ đến khái niệm đi hay về, mà chỉ nghĩ tôi có bổn phận, trách nhiệm, bảo vệ chăm lo sức khoẻ cho nhân dân nơi đây”, vị bác sỹ đầy nhiệt huyết tâm sự.

Thời điểm đó, 11 nghìn cư dân trên đảo không có nổi một bác sỹ và mỗi năm có hàng chục người trên đảo Phú Quý chết vì các căn bệnh ruột thừa hay sinh khó… Nhưng từ khi có bác sỹ Lĩnh, nhưng năm sau không có bệnh nhân nào phải ra đi vì các căn bệnh này.

Khi được hỏi động lực nào đã giữ ông lại, ông chỉ cười và nói: “Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ là do tình cảm của người dân nơi đây dành cho tôi quá nhiều. Vào những năm 1988, 1998 và 2006, tôi đã quyết định trở về đất liền, nhưng khi biết được tin ấy, tất cả nhân dân trên huyện đảo Phú Quý đã âm thầm viết tâm thư với hàng chục trang giấy, nhiều người không biết chữ thì lăn vân tay với mong muốn bác sỹ Lĩnh sẽ ở lại. Trước những tình cảm đặc biệt ấy, tôi không thể rời khỏi nơi này, mặc dù ở trong đất liền kia, gia đình tôi cũng mong tôi da diết, vì gia đình tôi chỉ có hai anh em trai, anh tôi lại là liệt sĩ nên chỉ có mình tôi”.

Tình cảm mà người dân dành cho ông, có thể nhắc tới kỷ niệm một bà cụ hơn 70 tuổi được ông mổ cho ngày nào cũng gùi ba quả dừa lên để ông uống nước. Ông kể, dù từ chối thế nào bà cụ cũng không nghe và ròng rã trong suốt 9 năm trời, bà cụ đều dành sự quan tâm đặc biệt đến ông như thế. “Tôi không có chế độ ưu đãi gì đặc biệt từ trước đến nay, nhưng luôn có tình cảm đặc biệt của dân đảo Phú Quý dành cho. Điều này mới thực sự là thứ quý giá”, bác sỹ Lĩnh chia sẻ.

18

Đảo Phú Quý (Bình Thuận) nơi đặt trạm quân dân y

Nhớ mãi những khó khăn trên đảo tiền tiêu

Bác sỹ Lĩnh kể, ngày đầu ra đảo, được phân công đến một bệnh viện huyện, nhưng bệnh viện đó không như ông vẫn nghĩ bởi nó không bằng một trạm xá trong đất liền, vỏn vẹn hơn 300m2, phương tiện kỹ thuật thiếu thốn đủ bề, bác sỹ không có một ai. Chính vì thế, khi ấy mỗi năm ông chỉ được về nhà một lần. Mãi sau này, khi bổ sung thêm bác sỹ thì một năm ông được về nhà hai lần. Với khoảng cách hơn 1.000 km xa xôi cách trở, mỗi lần ông về nếu thuận lợi cũng phải mất bốn ngày, có khi mất cả tuần. Và mỗi lần trở về hay ra đi đều với tâm trạng vô cùng day dứt. “Lần nào về và đi, tôi cũng khóc. Khóc vì thương gia đình, thương vợ con phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng tôi lại không nỡ rời xa huyện đảo - nơi có hàng nghìn người dân đang cần tôi. Day dứt lắm”, ông ngậm ngùi.

Thời gian đầu làm việc trên đảo, ông cho biết, khi ấy vô cùng khó khăn: Không có nhà ở nên phải ở ngay trong bệnh viện, làm việc quên giờ giấc bởi có bất cứ việc gì cần, người dân đều gọi đến ông, bởi vậy mà có những ngày, ông làm việc ròng rã 20 tiếng.

Ca bệnh ông nhớ nhất là ca cứu sống ông Nguyễn Mọi, một ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên đảo Phú Quý. Một đêm năm 1987, người dân xã Ngũ Phụng hoảng hốt gọi “Bác Lĩnh ơi, có người sắp chết!”. Qua ánh đèn dầu, bác sỹ Lĩnh thấy gương mặt tái nhợt vì đau của ông Nguyễn Mọi. Một người dân khi ấy còn bảo: “Có lẽ ông Mọi bị cò mối bắt rồi, bác Lĩnh ạ”.

Hồi ấy trên đảo, người dân vẫn dùng khái niệm “cò mối bắt” để ám chỉ bệnh đau ruột thừa. Họ cho rằng, bệnh này phải nhờ thày cúng chữa và đã nhiều người chết thương tâm vì thày cúng không bắt được con “cò mối”.

Trong thời khắc ấy, qua thăm khám, bác sỹ Lĩnh định chuyển bệnh nhân về Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng lo sợ chờ tàu quá lâu thì bệnh nhân sẽ chết trên đường nên ông liều mình mổ. “Khi mở ổ bụng của bệnh nhân ra mới thấy phức tạp vì vùng ruột bị viêm đã thành một ổ mủ, thành ruột sưng tấy và nổi hạt. Thực tế, bệnh nhân đã bị đau khoảng 20 ngày trước, nhưng do khi đó tàu đang đi đánh bắt tận vùng biển giáp Malaysia nên ông Mọi phải chờ khi tàu về. Thời điểm phẫu thuật, chỉ có tôi và hai kỹ thuật viên gây mê với phương tiện mổ thiếu thốn đủ thứ. Vì không có điện, đèn mổ được thay bằng đèn măng-xông. Suốt thời gian mổ, hai kỹ thuật viên toát mồ hôi thay nhau đạp máy hút bằng chân để rút mủ và máu. Ca mổ kéo dài 5 tiếng đồng hồ, tôi phải cắt đi toàn bộ phần ruột đã bị hoại tử để đảm bảo mạng sống cho bệnh nhân. Sau đó, trong suốt 10 ngày tiếp theo, tôi và đồng nghiệp phải nằm ở giường bệnh để thay nhau hút dịch và đặt xông cho bệnh nhân. Sau này ông Mọi được cứu sống mà khó ai tin được việc đó”, bác sỹ Lĩnh nhớ lại.

“Day dứt nhất là không được nhìn mặt bố mẹ lần cuối”

Trở lại với những dòng tâm sự về gia đình, bác sỹ Lĩnh ngậm ngùi chia sẻ, dù nhiều lần quyết chuyển công tác về đất liền nhưng tình cảm của bà con nơi đây, vì trách nhiệm của người thày thuốc với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc nên ông đã quyết định hy sinh tình cảm gia đình của mình.

“Điều ân hận, day dứt nhất của tôi là không về được nhà khi bố mẹ qua đời. Năm 2000, khi biết tin mẹ mất, vì gió to và không có tàu nên tôi không về được. Sau đó bốn ngày tàu ra tôi mới về chịu tang mẹ. Năm 2002, khi bố tôi bị bệnh, tôi về chăm sóc ông, nhưng vừa ra đảo được hai ngày thì nhận tin bố mất. Vì đúng đợt áp thấp nhiệt đới không có tàu về đất liền nên gia đình tôi phải mượn người chống gậy trong đám tang của bố”, kể đến đây, giọng ông lạc đi, những giọt nước mắt cũng cứ thế rơi trên đôi má sạm nắng. Ông nói giờ đây, mỗi khi về nhà ông chỉ biết đứng trước bàn thờ của bố mẹ khóc và xin lỗi.

Rồi cả khi vợ sinh cô con gái thứ hai, ông cũng không thể về kịp, chỉ vì điều kiện quá xa xôi, cách trở. Đó có lẽ là những điều khiến ông đau đáu trong suốt quãng thời gian công tác ở đảo.

“Dù có nhiều lúc, nhiều hoàn cảnh dẫn tôi đến những suy nghĩ, đắn đo, nhưng tôi may mắn có một người vợ trung hậu, đảm đang. Con gái của tôi cũng thường xuyên động viên tôi yên tâm công tác qua những nét chữ tròn trĩnh gửi trong những vần thơ. Chính những điều này đã giúp tôi có thêm động lực tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bà con nhân dân trên đảo”, bác sỹ Lĩnh tâm sự.

Hiện nay, gia đình của bác sỹ Lĩnh vẫn chia nhau ở ba miền của Tổ quốc. Vợ và con trai ở Thái Bình, con gái làm việc trong Đà Nẵng, còn ông ở huyện đảo Phú Quý. “Trong suốt 30 năm gắn bó nơi đây, tôi được về nhà ăn Tết 10 lần và cái Tết nào khi ấy với tôi cũng rất đặc biệt vì đó là khoảng thời gian quý báu tôi được ở bên và dành cho gia đình”, ông nghẹn ngào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.