Thời sự

"Bộ trưởng có dám từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy?"

15/11/2016, 15:10
image

Đó là câu hỏi thẳng thắn mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

201611101512211291_NDN_0377-Lưu Bình Nhưỡng-B

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: "Nếu có hệ luỵ xảy ra, Bộ trưởng có cam kết trước Quốc hội về việc nhận trách nhiệm và xin từ chức hay không?"

Cuối phiên chất vấn buổi sáng với phần đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nhiều ĐBQH vẫn tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn.

Tiếp tục vấn đề về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) được ĐB Phạm Thị Minh Hiền chất vấn trước đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tiếp tục bày tỏ lo ngại, đồng thời thẳng thắn chất vấn tư lệnh ngành Công thương: "Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen hứa với Thủ tướng nếu có sai phạm sẽ "giao hết tài sản cho Thủ tướng". Tôi cũng đánh giá cao lời hứa này, hôm nay muốn hỏi Bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, nhưng xin hỏi Bộ trưởng là nếu sau này có hệ lụy, Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết trước Quốc hội rằng sẽ từ chức không?".

Trước đó, trong phần trả lời chất vấn buổi sáng, liên quan đến dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, hàng năm chúng ta đang nhập khẩu từ nước ngoài lượng sắt thép để phục vụ cho nhu cầu xây dựng, phát triển của đất nước khoảng 3 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 chúng ta có thể nhập khẩu đến 15 tỷ USD về các sản phẩm của sắt thép. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, chủ trương, quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực về công nghiệp thì phải tiếp tục ưu tiên khai thác những nguồn tài nguyên và đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ bản để tạo nền tảng cho phát triển các ngành kinh tế công nghiệp và các ngành kinh tế khác.

"Tất nhiên, tôi khẳng định lại một lần nữa, chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có câu chuyện các dự án thép đưa ra đây để đánh đổi vấn đề về môi trường. Tôi cũng khẳng định không có vấn đề lợi ích nhóm", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chi tiết hơn, Bộ trưởng cho biết quy hoạch về ngành thép đã có từ năm 2011 và dự án thép của Cà Ná tại Ninh Thuận đã được phê duyệt từ thời điểm này. Quy hoạch này đã được làm đầy đủ các quy trình, thủ tục, trong đó có cả phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và có báo cáo DMC đánh giá về môi trường của quy hoạch. Vào những năm 2008 - 2009, dự án thép này không được tiếp tục thực hiện vì năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề sau khủng hoảng tài chính và dự án này đã được đưa ra khỏi quy hoạch.

Tuy nhiên, cuối năm 2015 dự án tiếp tục được nghiên cứu và Tập đoàn tôn Hoa Sen đã làm việc với Ninh Thuận đề xuất đưa vào trong quy hoạch thép mới. Đồng thời đề nghị xin chủ trương đầu tư để thực hiện dự án với những cam kết và đề xuất đảm bảo yêu cầu về môi trường, thông qua công nghệ và những nội dung của đầu tư. Bộ Công thương căn cứ trên những yêu cầu thực tiễn trong phát triển công nghiệp thép cũng như quy hoạch đã tổ chức khảo sát và làm việc với tỉnh Ninh Thuận đánh giá về hiện trạng khảo sát tại địa điểm và năng lực của nhà đầu tư.

"Đây mới là điều chỉnh về quy hoạch và quy hoạch chỉ xây dựng trên cơ sở đánh giá về những lợi thế so sánh của chúng ta và phù hợp về mặt địa điểm để phục vụ cho phát triển của các dự án đầu tư, chứ không phải là dự án đầu tư đã được phê duyệt", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, về câu hỏi ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh không còn thời gian trả lời vì đã hết giờ chất vấn dành cho Bộ trưởng.

Chốt lại phiên chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ trưởng lần đầu trả lời nhưng thể hiện nắm chắc tình hình, nhất là vấn đề bức xúc ngành Công thương quản lý. "Bộ trưởng cũng trả lời lưu loát, trôi chảy, làm rõ và đề ra hướng giải pháp. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời còn dài, chưa làm rõ trách nhiệm, giải pháp khắc phục. Đề nghị Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH", Chủ tịch Quốc hội nói.

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn mỗi năm. Siêu dự án tiến hành theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.

Tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản cam kết cung cấp nước cho dự án này. Giai đoạn I dự kiến công suất là 4,5 triệu tấn thép một năm, với mức tiêu thụ nước bình quân khoảng 7m3 nước trên một tấn thép, mỗi ngày cần khoảng 8.500 m3 nước. Theo cam kết của tỉnh, năm 2017 có thể cung ứng 30.000 m3 nước một ngày đêm, đủ cho nhu cầu sản xuất của dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.