Minh bạch để quản lý tài sản & phòng chống tham nhũng trong ngành y tế |
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt nam (VAFI) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sử dụng các giải pháp minh bạch để quản lý tài sản & phòng chống tham nhũng trong ngành y tế. Trong đó, VAFI đã đặt câu hỏi “Bộ trưởng có yêu thích sự minh bạch hay không? Bộ trưởng làm gì để thúc đẩy sự minh bạch?”
Theo VAFI, càng minh bạch bao nhiêu thì càng tránh được thất thoát tài sản nhà nước bấy nhiêu. Để thúc đẩy minh bạch trong hệ thống bệnh viện công lập nhằm phòng chống tham nhũng có hiệu quả, ngăn chặn bội chi bảo hiểm y tế, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, VAFI đề xuất nhiều giải pháp.
Cụ thể, hệ thống bệnh viện công lập phải công bố thông tin theo phương thức thường xuyên và định kỳ như khối doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, lưu ý phải công bố chi tiết những thông tin về đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các loại trang thiết bị, vật tư, thuốc men y tế. VAFI tính sơ bộ rằng nếu hệ thống bệnh viện công lập (BVCL) thực hiện công bố thông tin theo phương thức trên thì nhà nước sẽ tiết kiệm được từ 7.000 tỷ - 10.000 tỷ đồng/năm. Số tiền trên là không nhỏ cho nên đề nghị các Bộ trưởng khẩn trương xây dựng chính sách để hệ thống BVCL thực hiện chế độ công bố thông tin thường xuyên và định kỳ vào năm 2018.
Theo đề xuất của VIFA, cần chuyển toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập sang mô hình doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; xã hội hóa công tác thanh tra; và thực hiện kiểm toán bắt buộc cho các đơn vị sự nghiệp công lập như với doanh nghiệp nhà nước. "Hiện nay có hàng trăm đơn vị công lập với doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng không phải kiểm toán bắt buộc? Đây có phải là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước hay không? Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?” VAFI đặt câu hỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận