Đếm sơ, từ đầu năm 2022 đến nay có đến gần 20 cuộc thi nhan sắc được cấp phép, chưa tính các cuộc thi người đẹp cấp tỉnh.
Đây được cho là kết quả sau khi Nghị định 144/2020/NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm.
Ngoài ra các cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, hay từng vùng trước đây phải do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đang gấp rút cho các vòng thi Bán kết, Chung kết diễn ra vào cuối tháng 6
Cùng với các cuộc thi quen thuộc như: Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam,... hàng loạt cuộc thi "mới nở" được công bố trong năm nay như: Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam - Miss Fitness Vietnam 2022, Hoa hậu Trái đất Việt Nam...
Nhìn vào danh sách xếp dài các cuộc thi trong năm nay, gần như tháng nào cũng sẽ có cuộc thi nhan sắc được tổ chức. Như vậy, từ nay tới cuối năm, showbiz Việt cũng có ít nhất gần 60 tân hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi, người đẹp.
Sau khi Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International 2021 - Việt Nam sẽ lần đầu tổ chức Miss Grand Vietnam 2022
Một câu hỏi đặt ra, các cuộc thi nổ ra nhiều đến thế thì lấy đâu ra thí sinh chất lượng, kịch bản hay?
NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng kỳ vọng, khi các cuộc thi nhan sắc được “cởi trói” cũng là lúc trách nhiệm của cơ quan quản lý và đơn vị tổ chức được đề cao hơn.
Ông Cường cho rằng: “Các đơn vị tổ chức, nắm bản quyền phải tự khắt khe với mình hơn, nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng để tồn tại. Còn cơ quan quản lý cũng không thể buông lỏng quản lý, phó thác, để các đơn vị tự biên tự diễn, dẫm đạp lên các giá trị truyền thống, văn hóa”.
Nghị định 144/2020/NĐ - CP cũng nêu rõ, việc cấp phép tổ chức cuộc thi hoa hậu được đưa về địa phương là tỉnh, thành phố quản lý có sâu sát hay không, sau cùng vẫn sẽ được cơ quan quản lý cấp Bộ sẽ làm công tác hậu kiểm.
Ngay cả việc xử phạt, thu hồi danh hiệu, hủy kết quả… nếu vi phạm các điều khoản đã được nêu Nghị định 144 sẽ là lời giải cho các cuộc thi sai phạm.
Nhưng, vấn đề đặt ra là, cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm lúc nào, ra sao khi mọi thứ đã rồi?
Trước băn khoăn này, ông Trần Việt Bảo Hoàng - Phó ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lạc quan cho rằng, đúng là việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến chúng ta dễ bị loạn danh xưng và mất dần đi giá trị của danh hiệu cao quý này. "Song, chúng ta cũng không nên quá lo ngại. Hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại các cuộc thi", ông Hoàng nhấn mạnh.
"Cho dù có bao nhiêu cuộc thi chăng nữa thì những cuộc thi uy tín, hoa hậu xứng đáng thì mới được khán giả nhớ tới và tồn tại lâu dài. Lúc này, bài toán duy trì cuộc thi và tạo sự uy tín lại quay trở lại điểm xuất phát, đó chính là đơn vị tổ chức", ông Bảo Hoàng bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận