Doanh thu bết bát chưa từng có
Tính từ dịp lễ 30/4-1/5 đến nay, có khoảng 20 phim ra rạp, nhưng phim Việt chiếm chưa đến 20%. Đáng nói, loạt bom tấn kinh phí hàng chục tỷ đồng đều chịu cảnh thua lỗ nặng nề.
Tài tử "Giày thủy tinh" Han Jae Suk và Lý Nhã Kỳ trong phim "Kẻ thứ 3"
Cụ thể, phim hợp tác Hàn Quốc của Lý Nhã Kỳ sản xuất "Kẻ thứ ba" (đạo diễn Park Hee-jun) đầu tư hơn 33 tỷ đồng. Thống kê của Box Office Việt Nam, phim chỉ thu về vỏn vẹn 962 triệu đồng và lặng lẽ rút lui khỏi tất cả các rạp.
Dù biết trước là sẽ lỗ, nhưng con số không tới nổi 1 tỷ đồng tiền bán vé sau 2 tuần ra rạp thậm chí còn là điều nằm ngoài dự đoán của ê-kíp.
Ra rạp sau đó 1 tuần, "578: Phát đạn của kẻ điên" (đạo diễn Lương Đình Dũng) được công bố kinh phí 60 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về vỏn vẹn khoảng 3 tỷ đồng, theo Box Office.
"Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" (đạo diễn Hàm Trần), ra rạp nhằm hướng đến đối tượng thiếu nhi trong mùa hè. Nhưng, đến nay mới chỉ thu về được 4,7 tỷ đồng sau 1 tuần công chiếu - chưa bằng 1/6 kinh phí sản xuất là 30 tỷ đồng.
Đếm sơ, từ đầu năm đến nay, hàng loạt "bom tấn" vẫn loay hoay ở doanh thu vài chục tỷ đồng, con số phim trăm tỷ vẫn là giấc mơ chưa chạm tới của rạp Việt trong 6 tháng đầu năm nay.
"578: Phát đạn của kẻ điên" quy tụ dàn ngôi sao đình đám, trong đó hoa hậu H'Hen Niê
Trong đó, "Bẫy ngọt ngào" kinh phí 20 tỷ đồng, thu về 83,3 tỷ đồng (chiếu dịp lễ Tình nhân); "Nghề siêu dễ" "một mình một chợ" dịp 30/4-1/5 chỉ thu về 68,6 tỷ đồng. Chiếu dịp Tết Nguyên đán, "Chìa khóa trăm tỉ" chỉ đạt 65,3 tỷ đồng, "Chuyện ma gần nhà" thu về 58,7 tỷ đồng.
Đó còn chưa kể, nhiều phim "chết yểu" khi vừa ra mắt như "Mến gái miền Tây" thu về 8 tỷ đồng, "Người lắng nghe" - từng đoạt giải Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế New York nhưng chỉ thu về 2,5 tỷ đồng, "Người tình" doanh thu èo uột, 1,2 tỷ đồng...
Lỗi tại ai?
Thực tế, không phải đến bây giờ, rạp Việt mới có phim kinh phí vài chục tỷ đồng. Nhưng, số lượng phim đạt doanh thu tốt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong số các phim đã hoàn thành và ra mắt, "Trạng Tí từng tiêu tốn 43 tỷ đồng nhưng thu về 22 tỷ đồng; "Gái già lắm chiêu" được thực hiện với kinh phí khoảng 46 tỷ đồng - thu về 55 tỷ đồng. Trong khi 50 tỷ đồng là số tiền để hoàn thành dự án "Sám hối" - nhưng sau đó rời rạp với con số 900 triệu đồng doanh thu.
Phim kinh phí cao thất bại tại phòng vé sẽ là điều đáng tiếc cho điện ảnh trong nước, đáng tiếc hơn nữa lại còn có phim nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn nhưng lại bết bát doanh thu.
Đối diện thực trạng này, nhiều đạo diễn tiếc nuối khi có bước khởi đầu kém một phần vì chưa có suất chiếu tốt.
Đơn cử, khi "Kẻ thứ 3" ra mắt được ít ngày, nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ than thở rằng phim mình đã bị xếp lịch chiếu “trời ơi đất hỡi”. Cô bức xúc cho rằng không có khán giả nào bỏ làm để xem phim lúc 8h sáng hay “ngủ trong rạp” chờ tới 23h để xem phim. Lý Nhã Kỳ khẳng định, rạp phim Việt đang bóp nghẹt phim nội địa.
Đây cũng là tâm lý của đạo diễn Lương Đình Dũng, anh cho biết, trong khoảng 1.000 suất của phim, chỉ khoảng một nửa được bố trí ở các khung giờ đẹp, khán giả dễ tiếp cận.
Trong quá khứ, nhà sản xuất phim "Võ sinh đại chiến" cũng từng làm “dậy sóng” mạng xã hội khi tố nhà phát hành chèn ép, khiến phim của họ không có cơ hội tiếp cận khán giả.
Theo khảo sát, hiện tại, "Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác" vẫn còn đang trụ rạp nhưng số suất chiếu không cao và khó cạnh tranh với những phim "bom tấn" ngoại - như "Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon" doanh thu khoảng 25 tỷ đồng.
"Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác" là phim thiếu nhi Việt hiếm hoi ra rạp vừa qua và được khen ngợi từ giới chuyên môn, nhưng doanh thu không như mong đợi
Tuy nhiên, công bằng để nói, chuyên gia truyền thông Chang Trần cho rằng, thời gian qua, phim Việt sở dĩ doanh thu chưa đạt như kỳ vọng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan.
Trong đó, thời điểm ra rạp và cách thức truyền thông là hai trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của một bộ phim.
Theo bà Chang Trần, sau gần 2 năm điêu đứng vì dịch bệnh, kinh tế sa sút, khán giả ngày càng thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt, khi giá cả leo thang, lạm phát kiến đời sống giải trí bị ảnh hưởng.
"Đó còn chưa kể, trong thời gian này, yếu tố marketing online là ngòi nổ quan trọng giúp phim bùng nổ tại rạp - đây là yếu tố mà nhiều bộ phim gần đây chưa làm được.
Nếu hơn 10 năm về trước, phim thành công chủ yếu dựa vào ngôi sao phòng vé, thì bây giờ người kéo khán giả đến rạp lại chính là khán giả và những kênh review phim trên nền tảng số. Những bài viết, clip bình luận, giới thiệu phim tạo hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội sẽ là công cụ đắt giá giúp tiếp cận trực tiếp với khán giả.
Tất nhiên, cũng phải nhắc đến việc nhà sản xuất phải lường trước kịch bản cho việc phim của mình bị seeding "bẩn", chơi xấu...
Tuy nhiên, sau tất cả, yếu tố chất lượng tổng thể và nắm bắt đúng thị hiếu của khán giả có lẽ mới là chìa khóa để mở ra cánh cửa phim trăm tỷ cho rạp Việt", bà Chang Trần cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận