Các đối tượng buôn lậu tìm cách đưa hàng hóa qua biên giới, sau đó “tuồn” vào nội địa tiêu thụ bằng nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, có tổ chức. Điều này khiến cho công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.
Nỗ lực vừa chống dịch, vừa chống buôn lậu
Trung tuần tháng 9, chúng tôi theo chân tổ công tác của Chốt 20 (còn được gọi là Chốt ca nô, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo) đóng tại khóm Duy Tân (TT.Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) đi tuần tra trên sông Sê Pôn. Chốt được giao quản lý gần 1,5km nhưng là một trong những đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ phức tạp nhất về tình trạng vượt biên và vận chuyển hàng hóa trái phép bởi mực nước sông Sê Pôn thời điểm này khá cạn và chảy chậm.
Lực lượng Biên phòng Quảng Trị tuần tra trên sông Sê Pôn
Khi chiếc ca nô rời bến được một đoạn, qua quan sát, chúng tôi thấy phía bên kia sông (hướng nước bạn Lào) có rất nhiều thuyền bè đang tập kết. Những chiếc thuyền này được che bạt cẩn thận, “án binh bất động” gần bờ. Một cán bộ trong tổ công tác nói rằng, không loại trừ khả năng đây là phương tiện chở hàng lậu vượt sông vào Việt Nam, lợi dụng lúc vắng bóng lực lượng chức năng, nhất là vào ban đêm.
Đáng nói, khu vực này còn có 8 bến đò và nhiều lối mở tự phát hướng về nội địa. Đây là một trong những cơ hội để các đầu nậu lợi dụng tập kết hàng lậu và nhập cảnh trái phép. Trò chuyện với chúng tôi, trưởng chốt 20 là Đại úy Nguyễn Hữu Vũ kể lại: "Vào đêm mưa cuối tháng 8/2021, tổ công tác của chốt gồm 2 người đang tuần tra trên sông Sê Pôn thì phát hiện nhiều người dân sử dụng đò nhỏ, chở các bao tải trắng đang “quần thảo” ở khu vực bờ sông. Thông tin này nhanh chóng được phát về căn cứ, nhiều cán bộ chiến sỹ được cử đến chốt chặn ở những vị trí mà chiếc đò có khả năng cập bờ, đón lõng.
Các mặt hàng buôn lậu thời gian gần đây chủ yếu là đường kính, bia rượu, sữa, thuốc lá...
Tuy nhiên, việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn do đường xuống sông phải đi qua nhà nhân, trong khi khu vực này đã bị bà con xây hàng rào chắn nên biên phòng phải men dọc bờ sông để đến hiện trường. Tranh thủ lúc mưa tối, nhiều đò buôn lậu lại "ồ ạt" chuyển hàng cùng một lúc, buộc tổ công tác phải báo cáo chi viện. Chỉ đến khi phát hiện nhà chức trách, các đối tượng mới vứt lại hàng, tìm cách tẩu thoát. Qua kiểm đếm, có tổng 27 bao đường kính với trọng lượng gần 1,4 tấn nằm rải rác ở dọc bờ".
Đại úy Vũ nói, các đối tượng thường sử dụng thuyền nhỏ cơ động, chia thành nhiều tốp và xé lẻ hàng hóa để dễ dàng vận chuyển và tẩu tán khi bị phát hiện. Họ thường là người dân địa phương không có việc làm nên đi cõng, gùi thuê để lấy tiền công. Vì vậy, lợi dụng lúc lực lượng chức năng sơ hở hay thời tiết mưa gió, đêm tối và địa hình… sẽ tìm cách vận chuyển hàng hóa trái phép.
Theo Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị, từ tháng 10/2020 đến nay, lực lượng đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 121 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa thu giữ gần 3,4 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 294 triệu đồng
Lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho biết, đơn vị quản lý hơn 16km đường biên đất liền và trên sông Sê Pôn, có 27 tổ chốt đặt tại địa bàn thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành (Hướng Hóa).
Nhiệm vụ chính của các chốt là tuần tra, kiểm soát các đường mòn lối mở, bến sông qua lại biên giới để vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo ANTT.
Theo Đại úy Nguyễn Đức Chiến, Đội trưởng Đội trinh sát đặc nhiệm (BĐBP Quảng Trị), mặt hàng buôn lậu chủ yếu hiện nay là đường kính, bia, thuốc lá, sữa… Chủ hàng hóa sẽ không xuất hiện mà thuê người dân gùi, cõng hàng “tuồn” qua biên giới, xâm nhập vào nội địa. Chỉ tính từ đầu tháng 8/2021 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép. Tang vật gồm 8 tấn đường kính, 960 lon bia Heineken, 5.500 gói thuốc lá; tổng trị giá trên 160 triệu đồng.
Biên phòng Quảng Trị tăng cường chốt chặn tại các bến đò, đường mòn lối mở để phòng chống dịch Covid-19 và chống buôn lậu
Lý giải về nạn buôn lậu gia tăng trong thời gian gần đây, Đại úy Chiến cho hay, do chênh lệch giá cả giữa các mặt hàng trong và ngoài nước lớn (đường kính tuồn về xuôi có giá chênh lệch cao, tăng từ 15.000 đồng lên 22.000 đồng/kg); nhiều loại như bia, sữa… lại có thời hạn sử dụng ngắn. Trong khi đó, sắp đến mùa mưa lũ, nên các đối tượng tìm mọi cách thẩm lậu, đưa hàng về nội địa tiêu thụ để tránh trường hợp bị hư hỏng, hết hạn.
“Song song với nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, đơn vị còn phối hợp với các lực lượng khác tiến hành tuần tra, kiểm soát 24/24 trên tuyến biên giới cũng như dọc đường QL9 thuộc địa bàn. Đặc biệt, tăng cường thêm chó chiến đấu để tuần tra, mật phục vào ban đêm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ những vụ việc vận chuyển trái phép hàng hóa”, Đại úy Chiến nói.
Lập rào chắn dọc sông Sê Pôn
Rời Chốt 20, chúng tôi có mặt tại tuyến đường bê tông thuộc khóm Tân Kim (TT.Lao Bảo). Dọc đường đi, dễ dàng nhìn thấy hàng loạt hàng rào cao hơn 2m được dựng lên san sát bằng các vật liệu kiên cố và có ổ khóa cẩn thận.
Bức tường hàng rào tôn chắn cao hơn 2m được xây dựng ở khóm Tân Kim
Ông Lê Văn Sơn (trú tại khóm Tân Kim, TT.Lao Bảo) cho biết, gia đình ông có 2ha diện tích cây ăn quả. Để tránh trâu bò phá hoại cây trồng, ông thuê nhân công dựng bức tường tôn dài hơn 120m dọc trang trại. Cũng như ông Sơn, nhiều hộ dân ở đây cũng dựng tường rào tương tự với lý do bảo vệ tài sản.
“Tôi biết việc dựng hàng rào sẽ khiến tầm nhìn bị che khuất, gây cản trở cho công tác tuần tra, canh gác ở khu vực biên giới của lực lượng biên phòng. Thế nhưng, tôi phải làm để bảo vệ trang trại của mình”, ông Sơn bày tỏ.
Theo thống kê, chỉ trong khoảng 2km (từ Chốt 20 đến Chốt 24, thuộc địa bàn khóm Duy Tân và Tân Kim) đã có 366m hàng rào tôn chắn, 434m rào lưới B40, 285m tường bê tông và 50m rào bằng lưới cước.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nhân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho hay, trước đây người dân xây dựng hàng rào thô sơ bằng dây thép gai để che chắn trâu bò và sản xuất nông nghiệp. Thời gian gần đây, họ gia cố thành hàng rào cao và chắc chắn ở phía dọc sông Sê Pôn. Điều này, gây khuất tầm nhìn bao quát và hạn chế tính cơ động của lực lượng biên phòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nhiều bến đò, đường mòn lối mở dọc sông Sê Pôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vượt biên trái phép và buôn hàng hàng lậu
Thiếu tá Nhân nhận định, việc người dân dựng tường rào không loại trừ khả năng có một số người buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu. “Đã có trường hợp các đối tượng lợi dụng, thẩm lậu hàng hóa ngay trong khuôn đất của người dân, lúc bộ đội làm nhiệm vụ thì vướng phải rào chắn. Mà tuần tra, kiểm soát bằng ca nô trên sông Sê Pôn, khi cơ động đến nơi thì hàng hóa và người đã chạy mất”, vị Thiếu tá chia sẻ.
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Nhân, ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, đơn vị còn phối hợp với các lực lượng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, các đường mòn, lối mở, bến đò… để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho bà con khu vực vùng biên đấu tranh tố giác các loại tội phạm, kiên quyết không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.
Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo khẳng định, việc xây dựng hàng rào cứng dọc sông Sê Pôn làm ảnh hưởng đến quá trình tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng. Sau khi nắm được sự việc, đơn vị đã tổ chức họp với 124 hộ có đất trên tuyến vành đai biên giới và những hộ này đã ký cam kết không xây dựng gì thêm. Đồng thời, phía chính quyền còn tuyên truyền vận động bà con tháo dỡ tường rào và không tự ý ở đường xuống sông làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 và chống buôn lậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận