Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng có một số thiếu sót về tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải |
Liên quan đến vụ án này, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: "Có thể nói về cơ bản, các chứng cứ thì có thể chứng minh Hồ Duy Hải là người phạm tội. Nhưng chứng cứ củng cố chủ yếu là từ lời khai, còn tang chứng, vật chứng thì cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn".
Thiếu sót do nôn nóng phá án
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho rằng: "Trong này có một vấn đề, thiếu sót trong công tác tố tụng là chỉ tập trung vào các lời khai (của đối tượng, nhân chứng, gia đình bị hại) mà không chú trọng đến công tác giám định hiện trường, thu giữ vật chứng. Còn về mặt chủ quan của cơ quan điều tra thì nôn nóng phá án, tư tưởng thành tích nên dễ dẫn đến sai sót trong quá trình điều tra".
Cho đến thời điểm hiện tại, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Tổ công tác liên ngành (Viện kiểm sát, Tòa án, Công an…) chưa đưa ra kết luận, kiến nghị chính thức về vụ án Hồ Duy Hải.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương và bà Lê Thị Nga (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) chất vấn khá gay gắt Chánh án Trương Hòa Bình về vụ án đặc biệt nghiêm trọng dư luận đang quan tâm này.
"Bản án tử hình với Hồ Duy Hải tuyên từ năm 2005 có oan không? Bị án có đơn thi hành án sớm tại sao đến nay lại hoãn thi hành?" ông Đương đặt câu hỏi. Trong khi đó, Bà Lê Thị Nga chất vấn rằng bản án kết tội Hồ Duy Hải có đủ căn cứ pháp luật không?
Là người được đoàn giám sát phân công để nghiên cứu hồ sơ, bà Nga cũng đã vào trại giam gặp Hồ Duy Hải. "Chúng tôi cũng đã có cuộc tiếp công dân là mẹ và dì Hồ Duy Hải. Đoàn giám sát đang nghiên cứu vụ này. Nhưng với tư cách cá nhân đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng việc kết tội Hồ Duy Hải chưa đủ căn cứ vững chắc", bà Nga nói.
Bà Nga cho biết đã có văn bản dài 10 trang gửi đến Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, đề nghị xem xét lại vụ án này.
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội |
Chưa phát hiện căn cứ kháng nghị
Trả lời các Đại biểu, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, khi xảy ra việc hai nhân viên bưu điện Cầu Voi (Long An) bị giết đã gây ra sự bức xúc lớn trong dư luận. Gia đình bị hại, xã hội yêu cầu điều tra làm rõ tội phạm để trừng trị. Cơ quan điều tra đã tiến hành công tác truy xét.
"Đây là vụ án truy xét, không phải bắt quả tang nên gặp nhiều khó khăn. Quá trình điều tra phát hiện nghi can là Hồ Duy Hải. Vụ án này, Hồ Duy Hải nhận tội có giết người", ông Bình nhấn mạnh.
Theo Chánh án Trương Hòa Bình, quá trình điều tra vụ án này có luật sư tham gia. Trên cơ sở đó cơ quan đã điều tra tiến hành xác minh một số chứng cứ gián tiếp khác về việc nhận tội của Hải. Sau đó, VKS truy tố, tòa xét xử.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hồ Duy Hải nhận tội. Bị cáo tự nhận mình là người gây ra án mạng, không có bức cung, nhục hình nên tòa sơ thẩm kết án Hải có tội. Đến phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có một phần cho rằng mình không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không rõ. Do đó, tòa phúc thẩm tuyên quá trình điều tra thu thập chứng cứ có một số sai sót, vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án và kết tội Hồ Duy Hải tử hình.
"Về việc đặt vấn đề có oan hay không? Tòa án trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa phát hiện ra có căn cứ để kháng nghị, mặc dù có một số thiếu sót trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ của cơ quan điều tra. VKS cũng kết luận như thế nên không có kháng nghị. Chủ tịch nước cũng đã bác đơn ân xá tử hình", ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, việc có oan hay không căn cứ vào việc người có thẩm quyền có kháng nghị hay không. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khi đưa ra xét xử mới khẳng định có oan hay không. Còn bây giờ Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá…
"Vụ án này có giám sát của Quốc hội, chúng tôi đã lập một tổ liên ngành do VKS NDTC chủ trì. Tổ liên ngành đã phúc tra lại lời cung của Hồ Duy Hải. Khi đoàn liên ngành vào hỏi, Hải vẫn nhận tội và đơn của Hải chỉ là xin được giảm án tử hình hoặc thi hành án ngay cho nên chưa có căn cứ khẳng định là oan. Tuy nhiên chúng tôi sẽ rất thận trọng. Khi có kết quả giám sát, chúng tôi sẽ xem xét, nếu có đủ căn cứ kháng nghị chúng tôi sẽ kháng nghị", Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định.
Lý giải về việc Chủ tịch nước bác đơn ân xá nhưng TAND Tối cao lại tạm hoãn thi hành án, ông Bình cho rằng đây là vấn đề pháp lý nhưng cũng phải tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và công luận. Mẹ bị cáo đến xin tạm hoãn thi hành án và có đơn gửi Chủ tịch nước. Dư luận báo chí cũng đề cập đến vụ án này. Do đó, Chủ tịch nước cũng xem xét rất thận trọng đề nghị của Chánh án và Viện trưởng VKSND Tối cao để xem có oan hay không.
"TAND Tối cao đã thành lập tổi liên ngành xem xét lại vụ án này. Trước Tết, chúng tôi đã họp và có một số nhận định. Chúng tôi cũng đề nghị kiểm tra kỹ một lần nữa, đánh giá cho thật toàn diện, đầy đủ, khách quan từ việc áp dụng pháp luật, kết hợp với việc giám sát của Quốc hội để xử lý thật đúng đắn với vụ việc này", ông Bình kết luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận