Còn đó những khó khăn
Sau khi đón 4 đoàn khách quốc tế theo hình thức “Hộ chiếu vaccine” trong giai đoạn thị điểm vừa qua, doanh nghiệp của ông Nguyễn Vũ Khắc Huy – Chủ tịch Vina Phú Quốc vẫn đang chờ đợi những đoàn khách quốc tế mới sau cột mốc 15/3.
Việc Chính phủ khôi phục chính sách miễn thị thực có thời hạn cho 13 quốc gia, cũng như các điều kiện mà các Bộ, ngành đưa ra nhận được sự ủng hộ của những người làm du lịch, trong đó có ông Huy. Ông cho rằng, đó là sự cố gắng rất lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, quyết tâm phục hồi du lịch.
Nguồn nhân lực của ngành du lịch đang thiếu và yếu. Ảnh minh họa
Hiện tại, các vấn đề quan trọng là thị thực và y tế đã được tháo gỡ, chỉ còn vấn đề nguồn lực đang là khó khăn và cần khắc phục. Trong đó, nhân lực của ngành du lịch sau 2 năm đại dịch, giờ đang thiếu và yếu trầm trọng vì nhiều người bỏ nghề.
“Sau khi có những chính sách thuận lợi, phải xem lại vấn đề nhân sự. Chúng ta cần đào tạo gấp rút, nhanh chóng bổ sung, đào tạo nhân lực để có nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng làm việc, có giấy chứng nhận đủ năng lực làm nghề”, Chủ tịch Vina Phú Quốc chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Hải Bằng, Giám đốc Blue Tour lại trầm ngâm khi các chính sách về thị thực, cách ly y tế vẫn đang hoàn thiện. Chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể với khách nhập cảnh để các doanh nghiệp có thể gửi ra nước ngoài cho đối tác. Chỉ khi tất cả các thủ tục phải rõ ràng, đối tác mới gửi khách sang Việt Nam.
Theo phân tích của ông Bằng, những khách trước đây đã đăng ký tour của Blue Tour nhưng bị hủy vì bùng dịch bây giờ đã sẵn sàng tham gia tour. Chi phí đặt cọc khách sạn, các địa điểm đều đã thực hiện nên chỉ cần chính sách mở cửa trở lại, chắc chắn khách sẽ quay lại.
Nhưng đối với khách mới, phải có đầy đủ quy định của Chính phủ bằng văn bản rõ ràng, các đối tác nước ngoài mới triển khai.
Khách quốc tế trải nghiệm du lịch ở Việt Nam. Ảnh. Lux Group
Về phía ông Phạm Hà, CEO của Lux Group, Việt Nam vốn đã chậm hơn các nước trong việc tuyên bố mở cửa du lịch, nên các chính sách cần thông thoáng mới thu hút được du khách. Trong việc cạnh tranh điểm đến giữa các quốc gia, nước nào có chính sách thuận tiện, an toàn hơn sẽ có lợi thế.
Tuy nhiên, ông Hà đánh giá có nhiều điều còn chậm. Đáng lý, cần phải thông báo việc mở cửa sớm hơn để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thông báo với các đối tác ở nước ngoài.
Dù việc mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3, nhưng đến ngày này mới có đầy đủ thông tin để truyền đạt tới đối tác nước ngoài. Do đó, tuy đã chính thức mở cửa nhưng các doanh nghiệp chưa có được khách ngay.
Ít nhất phải sau 3 tháng
“Ít nhất cũng khoảng 3 tháng nữa mới có khách. Chúng ta phải mất thời gian chờ đợi, vì khách nước ngoài không phải cứ ta mở cửa là đi ngay”, đó là nhận định của CEO của Lux Group.
Dù vậy, doanh nghiệp này cũng đã nhanh chóng kết nối và thông báo lại với khách hàng. Trước mắt, kết nối lại với các đối tác ASEAN, tới Châu Âu, New Zealand, Mỹ…
“Chúng tôi có các khách ở Châu Âu đã phải hoãn, hủy từ năm 2019 đến giờ. Họ đang rất muốn đi. Nhưng thời gian qua, các thông tin với khách nhập cảnh, du lịch không rõ ràng nên không đi được”, ông Phạm Hà thổ lộ.
Dự kiến khoảng cuối 3, công ty của ông Khắc Huy sẽ có những đoàn khách đầu tiên. Ông hào hứng cho biết công ty đã ký hợp đồng inbound với khoảng 5000 khách, số lượng 2 chuyến/tuần các chuyến bay từ Hàn Quốc từ tháng 11. Sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức tháo gỡ các chính sách xuất nhập cảnh, các tour này sẽ nhanh chóng xúc tiến.
“Theo tôi, ít nhất phải bước sang quý III, quý IV mới có thể dần hồi phục thị trường thị du lịch quốc tế”, Chủ tịch Vina Phú Quốc chia sẻ.
Phải sang quý III, khách quốc tế mới dần tới Việt Nam
Tuy đang chờ hoàn thiện các chính sách để đón khách inbound, nhưng phía doanh nghiệp của ông Hải Bằng đã triển khai các chuyến đi outbound ở các thị trường đã mở cửa du lịch như Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Châu Âu, tiến tới Bắc Âu… các đoàn cuối tháng 3 sẽ khởi hành.
Riêng những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản đang chưa có chính sách thị thực cho du lịch, nên doanh nghiệp vẫn chờ.
Với các chính sách thông thoáng, cộng thêm việc mở lại các đường bay, nhiều người tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng. Thế nhưng, việc phục hồi nhanh đến đâu cũng phải xem xét nhiều yếu tố. Xung đột giữa Nga và Ukraine gây ảnh hưởng ít nhiều tới du lịch Việt Nam.
Thị trường Châu Âu bị ảnh hưởng, Việt Nam chưa thể thiết lập các đường bay nhanh. Lạm phát tăng cao nên giá cả tour ngày càng lớn.
"Để thu hút khách, chúng tôi đã phối hợp phát triển các sản phẩm trải nghiệm mang tính giàu cảm xúc, theo phong cách “sống chậm” với những điểm đến xanh, gần gũi thiên nhiên cho du khách ưa tìm tòi, khám phá và tận hưởng hậu Covid-19. Trong đó, thị trường mục tiêu hướng đến khách Châu Âu, nhất là khách Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy… những đối tượng khách ở dài ngày, chi tiêu nhiều"
Ông Phạm Mạnh Hà, CEO Lux Group
"Các doanh nghiệp hàng không, lữ hành có thể hoạt động nhưng phải chấp nhận lỗ trong thời gian đầu để dần khôi phục lại.
Tôi có kinh doanh du thuyền ở Nha Trang và hiện các đoàn từ Nga và Ukraine đã bị hoãn, chưa biết khi nào trở lại”, ông Hà đánh giá.
Khối du lịch Inbound của Công ty Vietravel cũng đang tiến hành cập nhật thông tin và chính sách mới nhất.
Đồng thời, tăng cường công tác tiếp thị trực tiếp đến các đối tác tại nước ngoài, cũng như phối hợp với văn phòng Vietravel tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Mỹ … xây dựng bộ sản phẩm phù hợp với từng thị trường.
"Những chính sách mới là điều kiện hợp lý trong bối cảnh hiện nay, khi các nước trong khu vực và thế giới cũng đã nới lỏng các điều kiện để đón khách quốc tế.
Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi có thể đón khách lẻ từ tháng 3/2022 và khách đoàn quốc tế từ giữa tháng 4/2022", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận