Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Doanh nghiệp đề nghị giảm thanh tra, kiểm tra chồng chéo
Sáng nay (17/3), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).
Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí đặt câu hỏi về việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức. Trong đó, chi phí không chính thức làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh. Doanh nghiệp thấy bất an vì việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn nhiều, còn sự chồng chéo.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phản ánh mất nhiều thời gian, chi phí để thực hiện thủ tục hải quan trong nhóm giao dịch thương mại qua biên giới.
Trả lời các câu hỏi này, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, chi phí không chính thức là những chi phí phát sinh ngoài chi phí chính thức. Việc này do con người thực thi, nếu chuyển sang môi trường điện tử, không có sự tiếp xúc thì chi phí này sẽ không có.
Về việc thanh tra, kiểm tra, ông Phan nêu quan điểm cần có sự phối hợp đồng bộ để thực hiện. Cần xây dựng đầu mối, kế hoạch kiểm tra chung thì sẽ không có sự chồng chéo, còn nếu không thì khi các sở, ngành đi kiểm tra sẽ có chồng chéo. Bởi khi kiểm tra sẽ có thời gian tiếp xúc, phải giải trình, cung cấp các giấy tờ liên quan.
Liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới, ông Phan cho biết, nhóm thủ tục này liên quan đến nhiều khâu khác và nhiều cơ quan khác nhau, Hải quan chỉ là một khâu trong đó. Các công đoạn khác sẽ chuyển từ tiền kiểm và hậu kiểm. Công tác hậu kiểm thực sự có ý nghĩa trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ông Đàm Mạnh Hiếu, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, giao dịch thương mại qua biên giới năm 2020 so với năm 2019 giảm 7,4 điểm theo các chỉ số chi phí về thời gian, chi phí trực tiếp. Liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới, so với các chỉ số năm 2019 thì giảm 8%.
Theo ông Hiếu, chỉ số này giảm là do liên quan đến các bộ ngành liên quan; các chi phí liên quan đến cơ sở hạ tầng, bến bãi, giao thông, ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa phát triển kịp với mức độ gia tăng của lưu lượng hàng hoá xuất khẩu. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, thiếu các trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại các khu vực trọng điểm.
Ông Hiếu cho biết, để tiếp tục cải thiện các chỉ số này, trong những năm tới đây, Tổng cục Hải quan sẽ không ngừng nỗ lực để thực hiện các cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu các đề án cải cách được thực thi theo hướng hiện đại hoá, thời gian cho các doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục kiểm tra chuyên ngành giảm tối thiểu 2 ngày cho 1 lô hàng.
Không để xảy ra tiêu cực, thủ tục phát sinh cho doanh nghiệp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu các câu hỏi trong cuộc họp. Bởi khi cải cách thì Bộ Tài chính là đơn vị chỉ đạo, tuy nhiên cơ quan Thuế đã có những cải cách hết sức hiệu quả, doanh nghiệp không cần đến cơ quan Thuế để kê khai thuế, không cần đến kho bạc nộp thuế. Còn Hải quan cũng cải cách nhưng kết quả chỉ số đánh giá lại thụt điểm, doanh nghiệp cho rằng cải cách hải quan chưa thực chất; chi phí thời gian thực hiện vẫn cao.
Theo ông Mai Tiến Dũng, nước ta có khoảng 12 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu 1 năm. Cải cách chuyên ngành hiện nay đang được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ và cắt gọn nhiều khâu. Về vấn đề cải cách của Hải quan, với những lô hàng về thủ tục yêu cầu phải thực hiện vấn đề điện tử. Điều này tránh việc ứ đọng, công nghệ, việc liên quan đến đường truyền và thủ tục.
Khi áp dụng, doanh nghiệp không cần mang thủ tục giấy đến cơ quan Hải quan. Điều này tránh việc khi doanh nghiệp đến vẫn mang thủ tục đến. Khi giao dịch không tiếp xúc sẽ cắt giảm được vấn đề tiêu cực, bởi khi mang hồ sơ đến thì đằng sau hồ sơ sẽ có vấn đề. Đây là vấn đề cần được nói, thông tin công khai.
"Cần kết nối từ cơ quan Hải quan đến cơ quan thông quan, cơ quan vận tải của Bộ Giao thông. Cần chuyển điện tử, kết nối điện tử để tránh doanh nghiệp phải đi lại nhiều. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, nếu hậu kiểm làm không tốt thì doanh nghiệp sẽ lo lắng hơn tiền kiểm. Doanh nghiệp rất cần tiền kiểm phải cắt giảm, khi chuyển sang hậu kiểm cũng phải rõ ràng, minh bạch", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng đề nghị đại diện Tổng cục Hải quan cần kiểm tra kỹ vấn đề này. Kết quả cần phải đạt hiệu quả cho doanh nghiệp, không phát sinh thủ tục gì, như vậy mới là cắt giảm chi phí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận