Ngoài việc cho thấy sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do - rộng mở của người tiền nhiệm, bài phát biểu của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trước Quốc hội hé mở chính sách ngoại giao mới với các nước, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng.
Thể hiện cái tôi cá nhân
Chính sách quốc gia vừa được Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga công bố trong bài phát biểu lần đầu tiên trước Quốc hội Nhật Bản, mở màn cho kỳ họp bất thường diễn ra từ đầu tuần này cho tới ngày 5/12.
Trong đó, ông Suga không chỉ đề xuất một loạt phương án để định hình lại mục tiêu dài hạn mà còn thể hiện rõ ý định muốn củng cố vị thế lâu dài, không dừng chân ở tháng 9/2021 - thời điểm nhiệm kỳ mà ông thay thế cho cựu Thủ tướng Abe kết thúc.
Theo một quan chức chính phủ cấp cao thường xuyên chuẩn bị các bài phát biểu chính sách cho những nhà lãnh đạo Nhật Bản, ý đồ củng cố vị thế lâu dài thể hiện qua việc ông Suga không dùng những giai thoại, trích dẫn từ các nhân vật lịch sử như các đời Thủ tướng trước trong bài phát biểu.
Thay vào đó, tân Thủ tướng Suga sử dụng cách nói của riêng mình để khắc họa tầm nhìn mà ông muốn hướng tới trong tương lai.
Về đối nội, ông Suga đưa ra một danh sách các dự án tâm huyết mà ông mong muốn được thực hiện khi giữ vai trò là người cầm lái, bao gồm: Kích thích nền kinh tế địa phương thông qua kết hợp cải cách nông nghiệp và du lịch; thúc đẩy quá trình số hóa; đưa hoạt động điều trị vô sinh vào hệ thống bảo hiểm sức khỏe quốc gia nhằm kiểm soát tỉ lệ sinh đang giảm nghiêm trọng tại nước này… Ông hứa hẹn sẽ sớm cho người dân nhìn thấy kết quả cải cách rõ rệt.
Về chính sách đối ngoại, tân Thủ tướng Suga xây dựng kế hoạch dựa trên phần lớn những chiến lược thừa hưởng từ người tiền nhiệm Shinzo Abe, cùng chung thái độ với cựu Thủ tướng Abe khi mô tả các quan hệ song phương với một số quốc gia hàng đầu châu Á, Mỹ, Nga.
Chẳng hạn, ông Suga khẳng định, Nhật Bản sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách vô điều kiện.
Thủ tướng Nhật cũng coi liên minh Nhật - Mỹ là “viên đá tảng” làm nền móng cho chính sách ngoại giao, an ninh quốc gia và cơ sở hòa bình, thịnh vượng, tự do của Nhật trên bình diện quốc tế và khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Thủ tướng Suga giữ nguyên trụ cột chính trong chính sách ngoại giao vốn được Thủ tướng Abe xây dựng đó là khung làm việc chính cho hoạt động thương mại đa phương - tự do và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do - rộng mở.
Điều chỉnh thái độ với Trung Quốc
Nhắc đến quốc gia láng giềng Hàn Quốc, Thủ tướng Suga mô tả “xứ sở kim chi” là quốc gia láng giềng vô cùng quan trọng nhưng kêu gọi Seoul cần phải thực hiện hành động thích đáng để khôi phục quan hệ Nhật - Hàn mạnh mẽ”.
Quan điểm này cũng tương tự như những gì ông Abe nói trong bài phát biểu chính sách hồi tháng 1 năm nay.
Một trong số ít những điểm khắc biệt mà ông Suga thay đổi so với thời cựu Thủ tướng Abe đó là cách nhìn của ông đối với mối quan hệ song phương cùng một số nước khác.
Chẳng hạn, khi nhắc tới quan hệ Trung - Nhật, ông Suga có vẻ giảm bớt sự nhiệt tình, công nhận tầm quan trọng quan hệ song phương và bày tỏ lòng quyết tâm sẵn sàng giải quyết những khác biệt giữa hai nước nhưng không dùng những cụm từ “đao to búa lớn” như “tái thiết kỷ nguyên quan hệ Nhật - Trung mới” từng được ông Abe sử dụng.
Đặc biệt, khi nhắc tới vấn đề dịch bệnh Covid-19, tân Thủ tướng Nhật nhắc nhớ lại cuộc khủng hoảng thiếu hụt khẩu trang và găng tay bảo vệ ở giai đoạn đầu dịch bệnh bùng nổ và kết nối sự việc này với thực trạng Nhật Bản đang quá phụ thuộc vào các nguồn cung hạn chế.
Ở đây, ông nêu rõ cái tên Trung Quốc và hứa hẹn sẽ tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Với Nga, Thủ tướng Nhật tái khẳng định quyết tâm giải quyết tranh chấp vùng Lãnh thổ phía Bắc nhưng không đề cập tới các hoạt động kinh tế chung hoặc Tuyên bố Chung Nhật - Xô Viết năm 1956 mà người tiền nhiệm của ông hay sử dụng trong các bài diễn văn trước đó.
Trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Suga đưa ra được chiến lược vừa có sự kế thừa, thống nhất với sách lược của người tiền nhiệm, hạn chế tối đa xáo trộn thì một số nhà phân tích cho rằng, bài phát biểu của ông Suga còn khá dè dặt khi nhắc tới những vấn đề đang gây tranh cãi.
Họ lo ngại, chiến lược điều hành đất nước của ông khá cứng nhắc và không rõ ràng, từ đó có thể tạo điều kiện cho đảng đối lập tấn công.
Dự kiến, cuộc bầu cử Hạ viện Nhật sẽ được tổ chức trong vòng một năm tới nên nếu những tranh chấp bất đồng tiếp tục leo thang, nó có thể ảnh hưởng tới kết quả bầu cử của Đảng Dân chủ tự do của ông Suga, thậm chí gây nguy hại tới triển vọng chính trị của ông Suga - hãng Tân Hoa Xã dẫn lời một số nhà phân tích cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận