Tổng Giám đốc Ban QLDA đường HCM báo cáo đoàn giám sát Quốc hội về dự án BOT qua Gia Lai |
Đầu tháng 5, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế làm trưởng đoàn, đã tiến hành giám sát tại tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku- Cầu 110 của Tập đoàn Đức Long Gia Lai được đoàn giám sát đánh giá rất cao, có ý kiến cho rằng đây là dự án tốt nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay.
Người dân đồng thuận
Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pleiku đi Cầu 110, giáp tỉnh Đăk Lăk có chiều dài gần 90km. Dự án thi công tuyến đường qua đây có tổng số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư. Dự án hoàn thành tháng 6 năm 2015, trước thời hạn 6 tháng theo hợp đồng quy định. Hiện nay, Đức Long Gia Lai đang thực hiện thu phí tại 2 trạm đặt tại Km 1610+800 và Km1667+470, thời hạn thu phí là 20 năm 4 tháng. Tuyến đường đã đáp ứng được yêu cầu giao thông, giao thương, với chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của người dân.
Trao đổi với Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku- Cầu 110, anh Nguyễn Văn Lợi ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết: “Ngày trước, đường nhiều ổ gà, hẹp. Bây giờ thì đường rộng hơn, thời gian di chuyển rút ngắn lại. Đường bằng phẳng đẹp, đi lâu rồi mà không thấy hư hỏng gì chứng tỏ chất lượng tốt. Về thu phí thì người dân chúng tôi cũng không bức xúc vì vị trí đặt trạm thu phí như thế là hợp lý, rất ít ảnh hưởng tới người dân.”
Ông Hoàng Ngọc Quy, người dân ở thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cũng chia sẻ: "Việc xây dựng đường quốc gia này bà con chúng tôi rất hưởng ứng. Từ khi con đường hoàn thành, bà con chúng tôi rất mừng, đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, chở hàng hóa, nông sản, phân bón dễ dàng.”
Ông Huỳnh Đức Kiên đánh giá cao dự án BOT qua Gia Lai |
Dự án BOT tốt nhất Việt Nam
Qua khảo sát trực tiếp cũng như gặp gỡ người dân và làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pleiku đi Cầu 110.
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhận định: “Chúng tôi cũng đi giám sát các dự án BOT thì có lẽ đây là dự án tốt nhất. Chất lượng đường tốt nhất và trong quá trình triển khai dự án cũng đạt được rất nhiều mục tiêu rất tốt về tiến độ rồi kể cả báo cáo kiểm toán. Và đặc biệt, dự án này, hầu như dân không có kêu ca gì. Tôi đi tiếp xúc cử tri tại địa phương, người dân cũng không có ý kiến gì về dự án này, đó là một thành công".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy biên thường trực ủy ban kinh tế của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát cho rằng: “Dự án BOT của Đức Long Gia Lai có thể nói là tốt nhất Việt Nam.”
Nhóm lại các vấn dề sau khi đi giám sát Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pleiku đi Cầu 110 của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, Trưởng đoàn Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhận định, dự án đã thành công tương đối rõ nét ở nhiều mặt. Đầu tiên, công tác quản lý về lĩnh vực giao thông của tỉnh Gia Lai tốt. Thể hiện ở việc, công tác tổ chức cắm lộ giới sớm, giải phóng mặt bằng rất nhanh. Các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp đã phối hợp rất tốt trong việc xác định đối tượng thu phí, do đó BOT Đức Long thành công trong việc triển khai thu phí mà không tạo ra bức xúc đối với người dân. Ở một số dự án khác, đường BOT có dấu hiệu hằn lún vệt bánh xe, chất lượng có vấn đề nhưng ở Đức Long đã được thực hiện đúng quy trình nên chất lượng được khẳng định là rất tốt.
Những kiến nghị của nhà đầu tư
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai là ông Phạm Anh Hùng, Tổng giám đốc và ông Phạm Minh Việt, Phó tổng giám đốc đã nêu ra một số kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn các dự án trong thời gian tới.
Trong đó, Đức Long đề nghị Quốc hội cần tiếp tục ưu tiên và sửa đổi các cơ chế, chính sách để bố trí vốn cho các dự án công trình trọng điểm, đặc biệt là các đự án quan trọng; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thành việc xây dựng các luật quy hoạch, đề án đã được nêu trong Nghị quyết 13-NQ-TW; hoàn chỉnh thể chế, chính sách về đầu tư; chính sách về sử dụng kết cấu hạ tầng; tổ chức thực hiện tốt các chính sách về đầu tư PPP; xác định rõ mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình hạ tầng theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có điều kiện đảm bảo nguyên tắc cung cấp hàng hóa và dịch vụ công.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tổng kết 2 năm thực hiện Nghị định số 15 và Nghị định số 30 năm 2015 của Chính phủ, làm cơ sở để nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật đối tác công tư, tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất, đồng bộ cho hoạt động xã hội các lĩnh vực nói chung và xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.
Đối với Bộ Tài chính: cần sớm ban hành các Thông tư hoặc văn bản hướng dẫn về quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình, quyết toán hợp đồng dự án PPP theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 15 năm 2015 và thực tiễn triển khai các dự án PPP; hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quản lý, giải ngân, quyết toán phần vốn góp của Nhà nước, phù hợp với các luật có liên quan như Luật đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật đấu thầu.
Đối với Bộ Xây dựng: cần đánh giá việc nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý trách nhiệm của Tư vấn thiết kế, Tư vấn thẩm tra và đặc biệt là Tư vấn giám sát; rà soát lại hệ thống định mức đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhămg quản lý phù hợp và tốt hơn về giá thành.
Đối với Bộ GTVT, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai kiến nghị cần xây dựng cơ chế giám sát đối với các dự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho cả vòng đời dự án; bổ sung và hoàn thiện các quy định định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc xây dựng, vận hành và bảo trì kết cấu hạ tầng.
Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, Trưởng đoàn đã ghi nhận các kiến nghị của Tập đoàn Đức Long Gia Lai để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận