Không ngạc nhiên khi hàng không liên tục tăng trưởng 2 con số
Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng tại Toạ đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ GTVT tổ chức diễn ra sáng nay (11/12) tại Hà Nội. Trước ý kiến cho rằng hàng không đang tăng trưởng nóng, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho rằng, dùng từ như vậy là chưa thật sự phù hợp.
“Chúng ta chỉ dùng từ nóng khi nói đến sự phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát”, ông Thắng nói và cho biết: Thời gian qua, thị trường hàng không Việt Nam có sự phát triển hết sức ấn tượng.
“Về thị trường, từ 2008 - 2019, chúng ta tăng trưởng bình quân 17,1% về hành khách, và 13,8% về hàng hoá. So với năm 2008, năm 2019, sản lượng vận chuyển của chúng ta tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Riêng các hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần”, ông Thắng nói và khẳng định: Tốc độ tăng trưởng như vậy là nhanh, nhưng hợp lý.
Thông tin thêm, ông Thắng cho hay, tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 đến 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng. Như vậy, tăng trưởng của ngành hàng không của chúng ta không có gì ngạc nhiên mà đồng hành với nền kinh tế của đất nước.
Đáng nói hơn, theo ông Thắng, trong quá trình tăng trưởng vừa qua, thị trường hàng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quản lý nhà nước. Chúng ta đã tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ.
Đi đôi với tăng trưởng, công tác đảm bảo an ninh an toàn giữ vững. Chúng ta đang bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối, không nhiều quốc gia có chỉ số tốt như chúng ta.
Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương đưa con số dẫn chứng, chúng ta hiện có gần 100 triệu dân, tàu bay 200 chiếc, tức 1 triệu dân có 2 tàu bay. So sánh với Malaysia, Thái Lan, số này còn rất khiêm tốn, nghĩa là nhu cầu tăng trưởng còn rất nhiều. Vấn đề đặt ra chỉ là làm thế nào chúng ta duy trì được tăng trưởng được bền vững, an toàn, lành mạnh?
Phía Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho rằng, nhận định nóng hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thực trạng tăng trưởng cao đã và đang tạo áp lực lên hạ tầng, khiến chuyến bay kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí kinh tế.
“Điều chúng tôi mong muốn hạ tầng đáp ứng kịp tốc độ phát triển. Những năm đầu của thập kỷ 90, tốc độ phát triển hàng không có thể lên tới 30-40% nhưng trên nền tảng xuất phát thấp. Còn hiện nay, với mức phát triển khoảng 20%/năm thì các nguồn lực bổ sung để đáp ứng là không đơn giản”, ông Thành phân tích.
“Chúng tôi coi tăng trưởng vận chuyển hành khách là cơ hội lớn để phát triển hàng không. Vấn đề chúng ta cần có môi trường quản lý để phát triển nhanh, đồng bộ nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả bền vững, chất lượng an toàn. Có như vậy cả hãng hàng không và khách hàng mới nhận được lợi ích dịch vụ ngày càng tốt và bền vững hơn”, ông Thành nói.
Tăng trưởng càng nóng mà nhân lực yếu mới lo
Cũng về vấn đề tăng trưởng nóng hay không nóng, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh nói: "Đừng sợ từ nóng, nếu nóng theo nghĩa tích cực. Càng nóng càng tốt, nếu chúng ta kiểm soát được an toàn, an ninh. Hàng không phát triển nóng tức là kinh tế phát triển, xã hội ổn định".
“Để kiểm soát an ninh, an toàn, liên quan đến tất các khâu, từ quản lý nhà nước, phát triển hạ tầng, quản lý bay, tổ chức vùng trời, cho đến nhân lực. Phát triển nóng mà nhân lực yếu, đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến an toàn, sau đó mới ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ”, ông Thanh cho hay.
Khẳng định ACV nhận thức rõ việc “không được phép để thị trường chạy theo năng lực, mà năng lực phải đi trước đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Thanh cũng chia sẻ thông tin: "Năm nay, số lượng slot cấp cho các hãng tại Tân Sơn Nhất chỉ tăng 2 - 3%. Không phải các hãng không có nhu cầu bay vào, mà là vì vấn đề an toàn nên buộc phải hạn chế. Rất tiếc vì Tân Sơn Nhất không thể nóng hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác. Nếu kiểm soát tốt an ninh an toàn, chúng tôi rất muốn tăng trưởng nóng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận