Giao thông

"Hiệu quả từ chuyển hướng thị trường đóng tàu"

27/05/2018, 09:23

Nhiều người không khỏi bất ngờ khi Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm chuyên đóng tàu biển lại chuyển sang đóng tàu hoả.

10

Toa xe giường nằm do Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm đóng

Toa tàu hỏa “made in” nhà máy đóng tàu thủy

Do thị trường đóng tàu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) chuyển hướng sang các sản phẩm mới như đóng toa xe khách tàu hỏa, tàu chở khách vỏ nhôm để tạo việc làm và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có mặt tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm trung tuần tháng 5, nhiều người không khỏi bất ngờ khi đơn vị chuyên đóng tàu biển này lại ngổn ngang những toa tàu hỏa xếp hàng dài tại các phân xưởng.

Ông Lê Văn Hải, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho biết đang khẩn trương hoàn thành các toa xe khách đóng mới để kịp giao cho Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội trước ngày 31/5.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, rất hài lòng về chất lượng đóng các toa tàu tại Sông Cấm. Từ lô 13 toa xe đưa ra vận dụng cuối năm 2017 và 3 toa xe vừa được Sông Cấm bàn giao đầu tháng 5/2018 đều đảm bảo chất lượng cả về kỹ, mỹ thuật. “Có thêm đơn vị ngoài ngành Đường sắt như Sông Cấm tham gia đóng mới toa xe không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn có tính cạnh tranh, từ đó hạ giá thành sản phẩm”, ông Hoan nói.

Ông Hải cho biết, năm 2017 công ty gặp nhiều khó khăn về việc làm do đối tác chính là Công ty Đóng tàu Damen - Sông Cấm không có đơn hàng mới. Đơn vị đã tích cực tìm kiếm các đơn hàng đóng mới tàu du lịch trong nước. Cùng lúc, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đang cần đầu tư gấp các toa xe khách chất lượng cao với yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng và tiến độ.

“Chúng tôi đã mạnh dạn liên danh với các đơn vị cơ khí toa xe ngành Đường sắt để thực hiện lô toa xe này từ tháng 8/2017. Riêng công ty đảm nhận thực hiện 13 toa giường ngủ điều hòa không khí”, ông Hải nói.

“Thời hạn lúc đó là phải bàn giao để đưa ra phục vụ chạy tàu Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong khi đó, chúng tôi không có chút kinh nghiệm nào về đóng toa xe tàu hỏa. Nhưng chúng tôi lại có công nghệ, thiết bị tiên tiến lĩnh vực cơ khí đóng tàu biển cùng lực lượng thợ giỏi. Quan trọng nhất là giá trị đóng mới một toa xe khoảng hơn 10 tỷ đồng, tương đương giá trị với một vỏ tàu 5.000 mã lực, sẽ đem lại việc làm và doanh thu lớn cho công ty”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, để đóng những toa xe này đảm bảo chất lượng, công ty đã áp dụng công nghệ đóng tàu thủy vào thi công để tăng độ bền, giảm thời gian, chi phí bảo trì, sửa chữa định kỳ như phun hạt mài làm sạch vật tư, là tôn bằng máy, dùng sơn dành cho sơn tàu biển… Sau lô 13 toa xe năm 2017, Sông Cấm tiếp tục được Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội tín nhiệm đặt 13 toa giường nằm trong quý II /2018.

“Rút kinh nghiệm từ lô trước, chúng tôi đã có nhiều cải tiến trong thi công, quản lý vật tư, nhân công nên đã nâng cao được chất lượng, đồng thời giảm được 6% giá thành sản phẩm cho khách hàng...”, ông Hải nói.

11

Tàu khách hai thân vỏ nhôm được Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) thực hiện, chuẩn bị bàn giao cho chủ tàu

Chuyển hướng đóng tàu vỏ nhôm

Cùng lao đao vì thị trường đóng tàu sụt giảm, cần bước đi đột phá để tìm kiếm việc làm như các doanh nghiệp đóng tàu khác thuộc SBIC, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) lại tìm đến công nghệ đóng tàu vỏ nhôm. Ông Trần Tấn Châm, Phó tổng giám đốc đơn vị này cho biết, công nghệ đóng tàu vỏ nhôm khó, không phải đơn vị đóng tàu vỏ thép nào cũng thực hiện được. Nếu bắt tay làm, đây thực sự là thách thức lớn vì chuyển từ đóng tàu vỏ thép sang đóng tàu vỏ nhôm sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0, từ nhà xưởng, máy móc, thiết bị, kể cả khâu quản lý cũng khác.

“Chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì nếu không theo công nghệ đóng tàu vỏ nhôm, năm 2017 không có hợp đồng, không có việc làm. Thị trường có, nhu cầu có mà mình làm không được thì “chết”, ông Châm chia sẻ.

Theo ông Châm, đóng tàu vỏ nhôm đòi hỏi rất cao về mặt công nghệ, kĩ thuật vì chất liệu này cần quy trình quản lý, bảo quản riêng; yêu cầu về nhà xưởng cũng ngặt nghèo, không được thi công ngoài trời; lỗi sai hỏng nhỏ chỉ được phép sửa một - hai lần, nếu không phải bỏ sản phẩm. Từ chỗ đóng thử và bàn giao một chiếc tàu khách cao tốc vỏ nhôm đầu tiên để chạy tuyến Hà Tiên (Kiên Giang) - Phú Quốc, đến nay SSIC đã khẳng định được uy tín, được chủ tàu tin cậy ký các seri tàu vỏ nhôm tiếp theo. Hiện có khoảng 20 tàu khách khai thác tuyến Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc thì SSIC thực hiện 15 chiếc.

Cũng theo ông Châm, để hút được chủ tàu về với SSIC, không chỉ khẳng định bằng chất lượng những con tàu vỏ nhôm mà còn bằng các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc khách hàng. SSIC đã thực hiện hợp đồng trọn gói theo hình thức “chìa khóa trao tay”: chủ tàu chỉ ký hợp đồng mua tàu, SSIC phải thực hiện trọn gói sản phẩm, kể cả hỗ trợ thực hiện các thủ tục giấy tờ liên quan như đăng ký phương tiện. Người chủ tàu chỉ cần thanh toán và nhận con tàu hoàn chỉnh để khai thác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.