Nhiều tín hiệu đáng mừng
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Phát triển GD&ĐT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 27/2.
Đây là hội nghị quan trọng diễn ra trong bối cảnh cả nước tập trung quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
"Hội nghị Diên hồng" bàn nhiều quyết sách cho ngành giáo dục ĐBSCL.
Đây cũng được xem là “Hội nghị Diên Hồng” bàn quyết sách GD&ĐT cho vùng ĐBSCL.
Vùng ĐBSCL hiện có một số chỉ số về GD&ĐT đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước. Số lượng các cơ sở giáo dục được kiểm định ngày càng tăng.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, ĐBSCL đang phát triển ổn định về quy mô mạng lưới trường, lớp; số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học, được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình. Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.
Từ việc chỉ có Trường Đại học Cần Thơ vào những năm đầu thế kỷ 21, hiện nay 10/13 tỉnh, thành đã có trường đại học. Tại các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư.
Cụ thể, năm học 2010 - 2011 vùng ĐBSSCL có 1.687 cơ sở giáo dục mầm non, 18.045 nhóm, lớp với 517.515 trẻ. Đến năm học 2019 - 2020, có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non (tăng 315), 20.543 nhóm/lớp (tăng 2.498 nhóm lớp) với 584.099 trẻ (tăng 66.584 trẻ).
Tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 7,5%, trẻ mẫu giáo đạt 63,4% vào năm học 2010 - 2011. Đến năm học 2019 - 2020, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 12%, tăng 4,5% so với năm học 2010 - 2011.
Năm học 2010 - 2011 vùng có 1.712 cơ sở giáo dục thường xuyên. Sau 10 năm, toàn vùng có 2.115 cơ sở giáo dục thường xuyên (tăng 403 cơ sở).
Cấp THCS, với trung bình hơn 684 học sinh trên một cơ sở giáo dục, vùng có số học sinh cao hơn trung bình của toàn quốc và đứng thứ hai khi so sánh với các khu vực khác. Cấp THPT, vùng ĐBSCL có số lượng học sinh tiệm cận mức trung bình chung của toàn quốc với tỷ lệ 911,5 học sinh trên 1 cơ sở.
Nhân lực, cơ sở vật chất là 2 điểm vẫn còn yếu của giáo dục ĐBSCL.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn
Tuy nhiên, tình hình GD&ĐT tại vùng ĐBSCL còn những tồn tại, hạn chế nhất định với lý do khách quan về vị trí địa lý của vùng do đặc trưng về địa bàn sông nước kênh rạch, việc đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực còn khó khăn.
Xây dựng cơ sở vật chất chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu phòng học, nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc.
Tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước…
Ở ĐBSCL tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp phân tán; còn nhiều điểm trường, đặc biệt ở những vùng có nhiều kênh rạch, cồn, bãi ngang...
Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7% - 13%).
Bên cạnh đó, ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước. Mặc dù quy mô đào tạo tăng trong 10 năm qua, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của người dân.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, giải pháp căn bản trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế, đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Đồng thời phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Bên cạnh đó tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục.
Theo Bộ GD&ĐT, vùng ĐBSCL cần phát triển đồng bộ với cơ cấu hợp lý hệ thống mạng lưới trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng và kỹ thuật, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận