Xã hội

Thủ tướng: Muốn xây dựng đất nước trước hết phải phát triển giáo dục

19/11/2022, 19:53

Thủ tướng nhấn mạnh, quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực.

Chiều 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực.

Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Hệ thống GD-ĐT muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

"Yếu tố con người càng quan trọng bao nhiêu thì sự nghiệp GD-ĐT càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy chúng ta xem GD-ĐT là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng nói.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang của nghề giáo, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành GD-ĐT nói chung và các thầy cô nói riêng, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra.

Để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lớn: GD-ĐT là sự nghiệp chung của toàn xã hội. gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện. Cần tiếp tục quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực".

Chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường…

Thủ tướng cũng nêu rõ, phát triển GD-ĐT phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục giành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh của nhà trường.

Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác GD-ĐT. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình.

Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành GD-ĐT, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.