Theo bà Phạm Chi Lan, không thể lấy lý do thiếu nguồn lực để trì hoãn việc cải cách chính sách tiền lương |
Sáng 13/12, tại Hôi thảo Cải cách chính sách tiền lương, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, chuyên gia cho rằng, không nên lấy lý do thiếu nguồn lực để trì hoãn việc cải cách chính sách tiền lương.
Dẫn lại nội dung cải cách chính sách tiền lương là một trong 3 nội dung đột phá trong của chiến lược phát triển thời kỳ 2011-2020, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhận định: Viêt Nam đã có quá nhiều thời gian để chuẩn bị; nhiều chủ trương chính sách về cải cách tiền lương cũng được đưa ra song vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện. “Tôi rất sốt ruột khi thời gian thực hiện chiến lược chỉ còn 3 năm mà tới thời điểm này chúng ta vẫn loay hoay tìm giải pháp”, nữ chuyên gia nói.
Theo bà Chi Lan, một trong những thách thức lớn cho cải cách chính sách tiền lương chính là tư duy về vai trò nhà nước, mối quan hệ giữa nhà nước thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường chưa thực sự thay đổi trong một số bộ phận và con người trong bộ máy nhà nước.
“Thói quen bao cấp, bao biện mọi công việc của bộ máy, công chức, trong đó nhiều việc cụ thể về quản trị điều hành các hoạt động kinh tế, dân sự vẫn được bám giữ…Tệ quan liêu, lãng phí, nhũng nhiễu phổ biến trong nhiều cơ quan và cán bộ lâu ngày không bị trừng trị đã trở thành lợi ích lớn không dễ từ bỏ. Tham nhũng phổ biến khiến cho dù tiền lương chính thức thấp, công chức vẫn sống khỏe, không thực sự muốn cải cách tiền lương. Hơn nữa cách tuyển dụng, đãi ngộ, thăng tiến, sa thải đối với công chức không tạo áp lực và động lực cho việc cải cách chính sách tiền lương ngay trong bộ máy”, bà Lan nhận định.
Trước lý do cải cách tiền lương không thực hiện bởi thiếu nguồn lực, bà Lan đã thẳng thắn bác bỏ: “Không thể vin vào lý do kinh tế khó khăn, không có nguồn lực để không cải cách. Càng khó khăn thì càng phải nhanh chóng cải cách tạo động lực cho xã hội phát triển. Cũng theo báo cáo, Quốc hội đã dành khoảng 70% thu ngân sách cho chi thường xuyên, trong đó chi trả tiền lương chiếm tới 47%. Rõ ràng nguồn chi cho tiền lương rất cao, đâu phải ít? Thực tế nguồn chi này phải dàn trải cho bộ máy quá lớn nên tiền lương chính thức của mỗi cán bộ công chức lại quá thấp. Tuy nhiên, các khoản phụ cấp quá nhiều thành ra khoản phụ lại là chính. Cần có sự rà soát để làm rõ nguồn phụ cấp là bao nhiêu, từ đâu ra? Nếu tiền lương hóa tất cả các khoản phụ cấp thì thu nhập thực chất của cán bộ công chức là bao nhiêu? Tất cả cần được minh bạch”, bà Lan phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận