Việc trả lương trong khu vực hành chính công được cho là chưa công bằng, chưa đúng người, đúng việc |
Tại đây, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra số liệu về tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước bao gồm cả người nghỉ hưu (không tính lực lượng vũ trang), thay đổi nhanh chóng qua từng giai đoạn. Cụ thể, nếu như năm 2001, tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp là hơn 5,1 triệu người thì tổng quỹ ngân sách đã chi hơn 26.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới năm 2015, với 6,5 triệu người thì mức tổng chi đã tăng lên tới 295.000 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2001 - 2015 mức lương tối thiểu điều chỉnh tăng hơn 5,4 lần; Quan hệ tiền lương (tối thiểu - trung bình - tối đa) mở rộng từ 1-1,78-10 lên 1-3.34-13; Số lượng đối tượng tăng 1,28 lần nhưng tổng quỹ tiền lương và trợ cấp tăng 11,2 lần, tăng hơn bốn lần so với tốc độ tăng mức lương tối thiểu và số lượng đối tượng.
Đặc biệt, về chế độ phụ cấp lương, ông Lợi dẫn chứng: Năm 1993 chỉ quy định 9 loại phụ cấp tương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với số đối tượng được hưởng không nhiều, song tới năm 2016 đã có khoảng 20 loại phụ cấp được quy định hầu hết cho cán bộ, công chức, viên chức… “Các chế độ phụ cấp lương ngày càng chắp vá, vô lý, bất cập, khoản này chồng lên khoản kia, góp phần phá vỡ quan hệ tiền lương chung... Rõ ràng việc mở rộng quan hệ tiền lương, bổ sung, sửa đổi các chế độ phụ cấp lương và chế độ nâng bậc, nâng ngạch tác động rất lớn đến việc tăng quỹ tiền lương và trợ cấp”, ông Lợi nhận định.
Nói về bất cập, hạn chế lớn nhất của chế độ tiền lương hiện hành, vị chuyên gia này cho hay: Tiền lương bình quân của cán bộ, công chức thấp hơn tiền lương bình quân của người lao động trong khu vực doanh nghiệp. Chính vì tiền lương không còn là động lực, hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, không gắn bao nhiêu với cải cách hành chính. “Liên tục tiến hành cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không được nâng cao, thậm chí còn giảm sút; Bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước”, ông Lợi lý giải.
Đồng quan điểm, bà Vũ Huyền Lê (Viện Khoa học LĐ&XH) cho rằng, việc trả lương trong khu vực hành chính công hiện nay chưa đúng người, đúng việc: “Người có chức danh thấp hơn nhưng thực hiện công việc của chức danh cao hơn hoặc ngược lại, nhưng tiền lương thì cứ quy định đi kèm chức danh, dẫn đến việc trả lương chưa tương xứng với công việc và hiệu quả của người thực hiện, chưa đảm bảo công bằng, hợp lý”, bà Lê nói.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Vũ Hoàng Ngân, Phó trưởng khoa Kinh tế quản lý nguồn nhân lực, ĐH Kinh tế quốc dân, việc trả lương theo năng lực không hề đơn giản: “Ai là người sát sao đánh giá chuẩn nhất năng lực, dựa vào đâu để đánh giá? Suy cho cùng, năng lực phải được thể hiện qua kết quả công việc. Chính vì vậy, thu nhập phải gắn chặt với kết quả làm việc theo từng chu kỳ nhất định”, bà Ngân nói và kiến nghị cần phải đưa ra bộ quy chuẩn đánh giá kết quả làm việc của từng chức danh, vị trí việc làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận