Trao đổi với báo chí chiều nay 27/3, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết: Sau khi nguồn cung xăng dầu từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, Bộ Công thương đã họp với các doanh nghiệp (DN) đầu mối tìm cách nhập khẩu để bù đắp từ Nghi Sơn. Thông thường việc kí hợp đồng được thực hiện trước 45 ngày.
Sự cố tại Nghi Sơn đột xuất nên nhiều lô hàng từ Hàn Quốc phải nhập về với giá cao hơn, thậm chí là nhập từ thị trường khác với thuế suất cao hơn (thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 10%) để đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường trong nước, đồng thời đảm bảo dự trữ 30 ngày theo Nghị định 83.
Petrolimex, PVOil giai đoạn này lỗ đó, nhưng thực hiện nhiệm vụ chính trị nên họ vẫn phải nhập để bán hàng ra.
Chính sách phải ưu tiên số đông
Có ý kiến cho rằng DN bị lỗ do điều hành, quan điểm của Bộ ra sao?
Chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là đảm bảo tôn trọng nguyên tắc thị trường và có sự điều hành của nhà nước, hài hòa lợi ích của người dân, DN và nhà nước.
DN ở đây có DN sản xuất và DN phân phối, tức các đầu mối. Trong khi đó, điều hành bám sát các mục tiêu vĩ mô của nhà nước như chỉ số CPI. Chúng tôi làm việc đều xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng xem xét quyết định việc điều hành giá xăng dầu.
Quan điểm của chúng tôi là làm gì cũng đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, đặt lợi ích của người dân, người tiêu dùng lên trên hết chứ không phải chỉ vì lợi ích DN. Tất nhiên lợi ích của DN chúng ta cũng phải cân đối, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, DN và nhà nước. Có thời điểm mình ưu tiên lợi ích của đất nước, của người tiêu dùng hơn lợi ích DN, có thời điểm lợi ích DN được ưu ái hơn chút, nhưng về tổng thể bao giờ cũng phải hài hòa. Làm vĩ mô, làm chính sách bao giờ cũng ưu tiên số đông và đảm bảo các mục tiêu vĩ mô của Chính phủ.
Kỳ điều hành vừa rồi có đặc thù giá điện hơn 2 năm mới tăng và tăng 8,36% cho nên ngày 18 điều hành xăng dầu, ngày 20 điều hành giá điện, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng chính phủ quyết định. Lẽ ra 15h chiều là có thông tin điều hành rồi nhưng hôm rồi 8h tối mới có. Vì 17h30 Phó Thủ tướng còn chủ trì một cuộc họp với Bộ Công thương, Bộ quyết định giữ giá xăng dầu.
Các vấn đề DN phản ánh Bộ Công thương rõ hết, cũng đúng nhưng chỉ 1 phần, không chỉ vì lợi ích một vài DN mà vì người dân, lợi ích của quốc gia, đất nước, không phá vỡ mục tiêu của Nhà nước là kiểm soát CPI dưới 4%.
Riêng chuyện xăng dầu điện nước còn tác động vòng 1, vòng 2, Bộ Công thương cũng phối hợp với Tổng cục thống kê, Cục Quản lí giá tính CPI như thế nào.
Bộ có tính đến phương án CPI tháng 4 không?
Chúng tôi có tính toán đến. Quan trọng là nhìn đến tổng thể CPI của cả năm, chứ không chỉ nhìn 1 tháng. Bình quân cả năm là quan trọng nhất.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn tác động cộng hưởng dẫn đến CPI lớn hơn rất nhiều nếu kì trước tăng. Nếu xăng tăng, điện tăng thì tác động giá của các mặt hàng trong rổ CPI. Bộ đã có nhiều phương án và tính toán hết các yếu tố đó và báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét chứ không thể tự mình quyết được. Chúng tôi là cơ quan tham mưu cùng với Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê cùng Cục Điều tiết điện lực đưa ra các giải pháp, các phương án, các thông số cho Chính phủ xem xét quyết định.
“Quỹ bình ổn giá vừa rồi có nhiều bất cập”
Tới đây giá thế giới tăng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang mỏng, thậm chí âm, vậy phương án điều hành giá thế nào đảm bảo tránh giá tăng sốc khi không còn quỹ?
Thực ra trong tất cả phương án điều hành chúng tôi tính cả rồi, kể cả báo cáo lại lãnh đạo bộ và lãnh đạo Chính phủ xem xét lại cách điều hành quỹ bình ổn giá, cách trích lập quỹ.
Chẳng hạn với E5, trong một tời gian dài chúng ta không trích lập nhưng vẫn bù chéo như thế để khuyến khích tiêu dùng xăng E5, trong khi đó phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ E5 hợp lý hơn để giữ được Quỹ bình ổn giá chứ vừa rồi có nhiều bất cập. Chúng tôi đang trao đổi lại với Bộ Công thương, Cục Quản lí giá báo cáo lãnh đạo 2 bộ, báo cáo Chính phủ về cách điều hành Quỹ bình ổn giá.
Tất cả các phương án đã lường hết, và chúng tôi ở góc độ điều hành đã tính đến phương án rủi ro nhất, không đến mức độ một số người đề cập đâu. Vì suy cho cùng Quỹ bình ổn (là tiền người tiêu dùng), có lúc DN dương, cho nên bản thân các DN cũng phải chia sẻ với cơ uqan quản lý nhà nước. Đôi lúc, ông được dương quỹ, tiền ko phải của các ông, mà là tiền người tiêu dùng. Giờ giả dụ có âm một chút, thì chia sẻ chung với nhà nước, chứ không phải một vài tháng âm mà kêu ầm ỹ lên như vậy.
Có lúc dương rất nhiều nhưng có lúc âm. Nhưng phải hài hòa và ưu tiên mục tiêu quản lý nhà nước.Tất nhiên Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã tính đến phương án để Quỹ bình ổn giá thời gian tới an toàn hơn, cao hơn con số hiện tại.
“Không phải lỗ một thời điểm mà đổ lỗi cho điều hành”
Tình trạng xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ hiện nay ra sao, thưa ông?
Các DN bao giờ cũng phải có trách nhiệm xã hội, nhất là 2 DN đầu mối lớn là PVOil và Petrolimex do nhà nước nắm cổ phần chi phối.
DNNN còn là công cụ của nhà nước thực hiện chính sách vĩ mô, đôi lúc thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo an sinh xã hội, mục tiêu vĩ mô của Chính phủ, DN. Có thể tại thời điểm này lỗ, nhưng thời điểm khác lãi, và cả năm có thể lãi. Không thể vì một chốc một lát lỗ ở thời điểm này mà đổ cho điều hành nhà nước.
Mọi người hãy nhìn dài hơn. Lợi ích của DN là của cả năm. Điều hành của nhà nước hài hòa lợi ích DN, người dân, nhà nước. Nguyên tắc xuyên suốt làm chính sách vĩ mô là phải ưu tiên lợi ích đám đông, đôi khi ưu tiên lợi ích đất nước, người dân, mọi chính sách hướng đến người tiêu dùng, người dân nhiều nhất là lợi ích tổng thể của đất nước nhiều nhất. Mà lợi ích của đất nước thì bao gồm cả lợi ích của DN và người dân.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận