Thị trường

Xăng dầu khan hiếm vì doanh nghiệp đầu mối "găm hàng"?

25/03/2019, 17:55

Giá dầu thế giới tăng, quỹ bình ổn xăng dầu của nhiều doanh nghiệp đầu mối đang "âm" và càng bán ra càng lỗ khiến họ bán ra nhỏ giọt?

img
Các doanh nghiệp xăng dầu đang kêu khan nguồn hàng. Ảnh minh họa

Nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng đột ngột

Chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết, gần 10 ngày nay nhập khẩu từ xăng dầu đầu mối rất khó khăn.Theo ông này, việc nhập hàng không phải ngừng hẳn nhưng số lượng nhỏ giọt. Điều này đã khiến ông phải điều nhân viên liên tục đi lại để lấy hàng. Ông này cho biết, “đã hỏi đầu mối nhưng họ chỉ cho biết là do hàng về ít”.

Tuy nhiên, cho đến hôm qua và hôm nay hàng mới về nhiều hơn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một đầu mối xăng dầu lớn cho biết, trên hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp này vẫn được cung cấp bình thường, chỉ có một số ít kho hàng bán ra ngoài hệ thống hơi khan hiếm do nguồn hàng từ Dung Quất, Nghị Sơn hạn chế.

“Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã trục trặc mấy tháng nay và đến vừa rồi thì trục trặc hẳn nên nguồn cung đứt đoạn”, đại diện đầu mối này nói. Cũng theo nguồn tin này, trục trặc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn rất đột ngột nên các doanh nghiệp lấy hàng từ dây đều không có phương án thay thế. Nhiều đầu mối phải bổ sung bằng nguồn nhập khẩu nhưng nhập hàng từ thị trường trước đây là Singapore thì thuế cao hơn tại Hàn Quốc (do được hưởng lợi từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc) nên các doanh nghiệp đổ xô nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng nguồn cũng không ổn định.

PV đã liên hệ với đại diện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để tìm hiểu, nhưng đến cuối chiều 25/3 vẫn chưa có hồi âm.

Doanh nghiệp đầu mối "găm hàng"?

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo PVOil cho biết, từ đầu năm đến nay giá dầu thế giới tăng liên tục. Trong nước, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã trải qua 6 kỳ điều hành, trong đó có một lần tăng giá vào ngày 2/3 (tăng gần 1.000 đồng/lít), còn lại một lần giảm vào ngày 1/1/2019 và 4 lần Liên Bộ Tài chính - Công thương đã dùng Quỹ bình ổn giá để bù đắp, không tăng giá.

Để kiềm chế giá, nhà điều hành đã cho xả mạnh quỹ bình ổn. Mới nhất, trong kỳ điều hành ngày 18/3, Liên Bộ đã quyết định cho chi hơn 2.800 đồng/lít đối với xăng E5Ron92 và xả quỹ với các mặt hàng dầu từ 1.000 - hơn 1.600 đồng/lít để kìm giá xăng dầu.

Sau kỳ điều hành này, một số doanh nghiệp cho biết đã âm quỹ bình ổn. Trong đó, riêng PVOil đến nay đã âm quỹ hơn 400 tỷ đồng. Một đầu mối lớn khác cũng tiết lộ đang âm quỹ 300 tỷ đồng. Số quỹ âm doanh nghiệp trước hết phải dùng tiền của chính doanh nghiệp tạm ứng trước. Đây là điều không doanh nghiệp nào muốn làm.

Thêm nữa, cách kiềm giá cũng dẫn đến việc doanh nghiệp phải mua vào giá cao (theo biến động thế giới) nhưng lại bán theo giá Liên Bộ quy định khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế bán ra của các doanh nghiệp xăng dầu? Bởi Liên Bộ chỉ quy định về giá bán, còn bán nhiều hay ít là do doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu mối lỗ thì phải tính toán chia sẻ bớt rủi ro sang bên bán lẻ. Chính vì thế, hoa hồng chiết khấu theo tiết lộ của một đơn vị bán lẻ, trước đây là hơn 1.000 đồng/lít thì nay chỉ còn 300-400 đồng/lít (tương đương 1/3 mức hoa hồng trước). Mức chiết khấu này khiến đơn vị bán lẻ giảm mạnh doanh thu khoảng 40-50%, không “cõng” hết được chi phí vận tải và khấu hao máy móc, hạ tầng cũng lương nhân viên, thuế…

Phóng viên Báo Giao thông đã cố gắng liên hệ với người phát ngôn Bộ Công thương, đồng thời là Thứ trưởng phụ trách mảng xăng dầu nhưng đến chiều muộn 25/3 vẫn không nhận được hồi âm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.