Quản lý

"Luồng xanh" đường thủy gặp khó vì xét nghiệm Covid-19 và cấm chạy đêm

30/07/2021, 19:04

Hiện một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 cấm phương tiện lưu thông ban đêm, xét nghiệm toàn bộ thuyền viên.

Gặp khó vì cấm chạy đêm, xét nghiệm y tế

Ngày 30/7, nhiều thuyền viên phương tiện thủy phía Nam phản ánh, vài ngày gần đây phương tiện thủy chở hàng không được lưu thông ban đêm trên một số tuyến đường thủy quốc gia.

Chẳng hạn, tỉnh Kiên Giang cấm phương tiện lưu thông từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. An Giang cấm từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.

Đây là hai trong số 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19.

img

Một số địa phương phía Nam hiện cấm tàu chở hàng lưu thông ban đêm - Ảnh minh họa

“Phương tiện thủy không được lưu thông ban đêm nên chúng tôi rất vất vả tìm nơi neo đậu. Lo nhất là khi gặp mưa lớn, giông gió. Việc neo đậu hơn chục tiếng ảnh hưởng đến thời gian giao hàng và phát sinh chi phí. Mặt khác, hoạt động của tàu thuyền phụ thuộc vào con nước, có hôm đi ban đêm thuận lợi hơn ban ngày, nhưng tàu không được đi nên chậm trễ hơn”, một số thuyền viên thông tin.

Cùng đó, khi phương tiện đến chốt kiểm soát giao thông đường thủy tại một số địa phương, như tại Hậu Giang, tất cả thuyền viên trên phương tiện phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc thực hiện test nhanh và phải tự trả phí, kể cả với phương tiện không chở hàng hóa.

“Tiền test hết 300 nghìn đồng một người, lại thêm tiền thuê đò mất gần 100 nghìn đồng, tăng gấp 2-3 lần so với trước nên mỗi chuyến hàng phát sinh thêm chi phí”, một thuyền viên nói.

Lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (quản lý cảng, bến thủy tại 10, tỉnh, thành khu vực Đồng băng sông Cửu Long) xác nhận có thực tế trên. Điều này khiến vận tải thủy tại một số tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng gặp khó khăn.

“Tại Hậu Giang có chốt kiểm soát đường thủy thực hiện theo văn bản của tỉnh và thị xã, với quy định tất cả thuyền viên trên phương tiện phải xét nghiệm y tế bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên Covid-19, làm phát sinh chi phí và khó khăn về tiến độ giao hàng.

Hơn nữa, các cơ sở y tế thường xuyên thiếu hụt mẫu test khiến phương tiện phải chờ qua ngày hôm sau, làm phát sinh chi phí cho phương tiện. Một số cảng, bến thủy cách xa trung tâm, cơ sở y tế nên rất khó khăn cho thuyền viên đi lại thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19”, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV thông tin.

img

Tại một điểm làm thủ tục cảng vụ đường thủy - Ảnh minh họa

Vẫn mỗi địa phương làm một kiểu

Lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II (phía Bắc) cũng cho biết, việc kiểm soát y tế đối với thuyền viên phương tiện thủy tại cảng, bến thủy để phòng, chống dịch Covid-19 căn cứ vào diễn biến dịch tại mỗi địa phương.

Đối với địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, khi phương tiện vào cảng, bến, chỉ 1 thuyền viên được lên bờ và phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 3 ngày. Còn với địa bàn khác (không giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16), thuyền viên lên làm thủ tục chỉ cần khai báo y tế và tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế khi làm thủ tục cảng vụ.

“Tuy vậy, tại Hải Dương (hiện không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16), thuyền viên khi làm thủ tục vẫn phải có giấy xét nghiệm y tế âm tính với Covid-19”, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cho biết.

Tìm hiểu của PV cho thấy, tại An Giang, dù ngày 18/7, Cục Đường thủy nội địa VN có văn bản đề nghị địa phương không thực hiện áp dụng bắt buộc tất cả các thuyền viên phải xét nghiệm y tế (chỉ áp dụng với người lên làm thủ tục cảng vụ), song đến ngày 29/7, tỉnh An Giang vẫn chưa có văn bản giải quyết vấn đề trên.

"Thuyền viên phương tiện thủy là mắt xích quan trọng để đảm bảo lưu thông hàng hóa bằng đường thủy. Phương tiện thủy đều có trọng tải hàng từ vài trăm đến nghìn tấn, nếu có trường hợp thuyền viên bị nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến vận tải. Giải pháp lâu dài để duy trì vận tải thủy là ưu tiên tiêm vắc-xin cho đội ngũ thuyền viên phương tiện thủy".

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, vừa qua giao thông đường thủy tạo được "luồng xanh" vận tải giúp đảm bảo hàng hóa lưu thông trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế chi phí xét nghiệm y tế, phun khử khuẩn phương tiện thủy đang làm phát sinh chi phí và khó khăn cho hoạt động vận tải thủy. Vì vậy, cần có hướng dẫn thống nhất tại các địa phương về kiểm soát y tế và lưu thông theo hướng tạo thuận lợi hơn cho vận tải thủy.

“Việc xét nghiệm y tế chủ yếu để phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 và trong thời gian ngắn. Các phương tiện thường có hành trình dài, vì vậy cần xem xét lại việc xét nghiệm toàn bộ thuyền viên trên cùng một phương tiện để giảm phát sinh chi chí vận tải”, ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, gần đây đơn vị này có nhiều văn bản đề nghị các địa phương chỉ yêu cầu thuyền viên lên bờ có xét nghiệm y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải thủy; Đồng thời, yêu cầu lực lượng cảng vụ đường thủy linh hoạt việc giải quyết thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng bến.

“Cục Đường thủy nội địa VN vừa có văn bản hướng dẫn các cảng vụ giải quyết thủ tục cảng vụ cho phương tiện vào, rời cảng thông qua người được ủy quyền. Cụ thể, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thuyền viên phương tiện thủy được nhờ người trên bờ làm thay thủ tục cảng vụ.

Người được ủy quyền có thể là người của đơn vị vận tải, chủ cảng bến, chủ hàng ở trên bờ. Việc ủy quyền nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về giấy tờ xét nghiệm âm tính với Covid-19 đối với thuyền viên”, ông Hưng cho biết.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.