Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri với các cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Tại Báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 mà Ban Dân nguyện vừa gửi các ĐBQH, cử tri Đồng Nai kiến nghị, mong muốn ĐBQH là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư nên thay phiên đi các tỉnh ngoài địa bàn ứng cử để tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến của cử tri trong cả nước.
Trả lời cử tri, Ban Dân nguyện dẫn khoản 2, Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “ĐBQH tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH. ĐBQH tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm”.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 27 Nghị quyết liên tịch số 525 của Ủy ban TVQH và MTTQ Việt Nam quy định: “Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp của mình vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, ĐBQH có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi mình ứng cử”.
Như vậy, theo Ban dân nguyện, việc tiếp xúc cử tri ngoài địa phương nơi ĐBQH ứng cử là căn cứ vào yêu cầu thực tế công tác của mỗi ĐBQH, nhằm đáp ứng tốt hơn việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.
Việc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Chủ tịch nước, Tổng Bí thư) về các địa phương tiếp xúc cử tri và nhân dân là thực tế đã được các đồng chí lãnh đạo thực hiện từ trước đến nay.
Trong trường hợp Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận thấy, địa phương và cử tri kiến nghị cần lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tiếp xúc cử tri để giải quyết công việc được tốt hơn, đề nghị Đoàn gửi trực tiếp kiến nghị đến đồng chí lãnh đạo. Đồng thời, nắm tình hình thực tế của địa phương, để phục vụ lãnh đạo về địa phương tiếp xúc cử tri, vừa thể hiện tính dân chủ, mối quan hệ gần gũi giữa ĐBQH với cử tri, phù hợp với thực tế và đúng theo quy định của pháp luật.
Đề cập đến vấn đề khác, cử tri các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa và Bà Rịa- Vũng Tàu kiến nghị Quốc hội tăng cường vai trò giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phòng chống lợi ích nhóm; giám sát việc xử lý hành vi vi phạm của một số cán bộ cấp cao trong Quân đội, Công an.
Trả lời kiến nghị này, Ủy ban Tư pháp cho biết thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được tăng cường, không ngừng cải tiến, đổi mới về phương thức giám sát nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác này.
Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước tiếp tục được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm của những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, tướng lĩnh trong Quân đội, Công an nhân dân..., kể cả những cán bộ đã về hưu cũng đều được đưa ra xử lý nghiêm minh.
Việc này tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng theo Uỷ ban Tư pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vẫn còn có mặt hạn chế, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
Do đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều phương thức giám sát việc phòng, chống tham nhũng như tăng cường các hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Riêng Ủy ban Tư pháp sẽ tăng cường giám sát việc xử lý đối với một số vụ án tham nhũng cụ thể, theo dõi, giám sát việc điêu tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến cán bộ cấp cao...
Trên cơ sở đó có đánh giá, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực để đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận