Xã hội

Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, được truy đuổi tàu trên biển

19/11/2018, 16:45

Theo Luật Cảnh sát biển vừa được thông qua, cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, được quyền truy đuổi tàu trên biển.

canh-sat-bien

Cảnh sát biển Việt Nam được công nhận là lực lượng vũ trang

Chiều nay, với 467/468 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 96,29% tổng số ĐBQH), Quốc hội chính thức thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Dự luật gồm 8 chương, 41 điều và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019.

Theo quy định tại dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp, như: Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn; Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật hình sự cố tình chạy trốn.

Trường hợp nổ súng theo quy định của luật này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Luật cũng quy định, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong 4 trường hợp: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này; Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật; Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.