Ưu tiên cao nhất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Ngày 3/11, kết luận Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong xây dựng quy hoạch.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành
Phó Thủ tướng cho đây là công việc rất quan trọng để có sớm quy hoạch vùng ĐBSCL, từ đó huy động nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư.
Phó Thủ tướng nhắc lại vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước, là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước (chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; đóng góp 15,4% GDP, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu…).
Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng.
Do đó, theo Phó Thủ tướng, quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch triển khai quy hoạch cũng rất quan trọng, bởi nếu không tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ trở thành quy hoạch "treo".
"Hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng ĐBSCL và ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực này. Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, tài liệu để trình Hội đồng thẩm định xem xét, tổ chức thẩm định trong tháng 11/2021; phê duyệt trong tháng 12/2021.
Hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nhìn nhận một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với vùng là hạ tầng giao thông, hiện chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Lãnh đạo Chính phủ đã nêu chiến lược "8G" phát triển ĐBSCL, trong đó, chữ G đầu tiên là giao thông. Đó là dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc", ông Nguyễn Văn Được nói.
Theo ông Được, hạ tầng giao thông phát triển sẽ tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.
"Các tỉnh ĐBSCL mong muốn được nhà nước tập trung đầu tư cho các công trình giao thông liên vùng", ông Nguyễn Văn Được đề nghị.
Đồng tình, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhất trí cao với ý tưởng liên kết cụm ngành công nghiệp và dịch vụ, xây dựng các trung tâm đầu mối, xem đây là khâu đột phá.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng với quy hoạch này, sẽ tạo hành lang pháp lý, có trung tâm điều phối liên kết và có một bản đồ án quy hoạch chung vừa tích hợp các ngành nhưng đồng thời cũng là tích hợp của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. "Chúng ta sẽ chấm dứt tình trạng mạnh địa phương nào, làm địa phương đó"- ông Lê Quang Mạnh thẳng thắn.
Ông Lê Quang Mạnh cũng đề nghị Ban soạn thảo Quy hoạch quan tâm cập nhật các quy hoạch mới được phê duyệt như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Nếu làm tốt, đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có 300 km đường cao tốc
Giải đáp ý kiến các địa phương, về vấn đề giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như: Cao tốc TP.HCM đến Cà Mau; cao tốc An Hữu - TP Cao Lãnh - cầu Vàng Cống - Rạch Giá; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề,...
"Nếu làm tốt, đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có 300 km đường cao tốc. Trung ương, Chính phủ xác định rất quan tâm, tập trung cho đầu tư xây dựng đường cao tốc cho ĐBSCL", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Theo Bộ trưởng GTVT, cùng với đường cao tốc sẽ triển khai 7 tuyến quốc lộ trong vùng.
Về hàng hải, Bộ GTVT ủng hộ phát triển mạnh cảng quốc tế Long An; ủng hộ Trà Vinh xây dựng cảng tổng hợp Trà Vinh duyên hải; ủng hộ Cà Mau kêu gọi nhà đầu tư vào cảng Cầu Vai; riêng cảng Trần Đề của Sóc Trăng cũng đang xúc tiến đầu tư...
Về hàng không thì sẽ nâng cấp cảng hàng không Cần Thơ, mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận