Chiều 20/2, CLB Cafe số (Hội Truyền thông số VN) và Báo Giao thông tổ chức tọa đàm về “Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch COVID-19” tại tòa soạn Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội.
Khách mời tham gia tọa đàm gồm: Ths. Vũ Mạnh Cường - Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế; BSCKII. Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; BS. Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn.
NGÀNH Y TẾ KHÔNG MỘT NGÀY NGHỈ TẾT
Ths. Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế: Cảm ơn báo chí đã đồng hành với ngành y tế, với Chính phủ để truyền thông đến công chúng về dịch bệnh Covid 19.
Dịch bệnh này chúng ta nghe đến từ giữa tháng 1/2020, khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, truyền thông nước ngoài bắt đầu đưa tin, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế đã tiến hành thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu, Cục Khám chữa bệnh lập tức lật giở lại dịch SARS, đưa ra phác đồ điều trị.
Vào giai đoạn đầu tiên, dù khá sơ khai, nhưng cũng giúp chúng ta có định hướng điều trị ban đầu là chúng ta sẽ chiến đấu với dịch bệnh này như thế nào.
Sau đó, dịch bệnh bùng phát rất nhanh và chúng tôi nghĩ, ngành y tế cũng phản ứng rất nhanh. Suốt từ 23 tháng Chạp đến giờ, toàn bộ hệ thống ngành y tế k được nghỉ Tết 1 giờ nào. Tất cả các bộ phận như hệ thống y tế dự phòng đã kích hoạt ngay lập tức, đưa ra tất cả các kịch bản bệnh có thể phát triển để đưa ra các phương pháp đối phó khác nhau.
Quan trọng hơn hết, vai trò điều hành của Chính phủ rất rõ nét, các biện pháp đưa ra rất tổng thể, phối hợp nhịp nhàng các bộ ngành, địa phương để chúng ta đối phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.
Nói về dịch bệnh, sự phối hợp các bộ phận, có lẽ sẽ cần cả một cuốn phim tài liệu. Đây là dịp hiếm có chúng ta nhìn lại tổng thể các hoạt động của ngành y tế thế nào, bởi lâu nay chúng tôi vẫn nghe thấy những lời than phiền oán trách ngành y tế Việt Nam thế này thế kia, nhưng thực sự qua lần này, chúng ta nhìn thấy rất nhiều về vai trò của ngành y tế.
Đặc biệt, cách đây 2 năm chúng ta đã triển khai chiến lược y tế cơ sở trong tình hình mới, và may mắn nhờ có chiến dịch này, chúng ta đã phản ứng với dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả.
Suốt quá trình phòng chống dịch chúng tôi nhận được sự cổ vũ động viên, từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến các đồng nghiệp trên thế giới. Họ nói, nhìn thấy Việt Nam có phản ứng với dịch bệnh hơn cả họ mong đợi.
Chúng tôi cũng đã cố gắng ở mức nhiều nhất có thể để có thể tham gia vào công tác phòng chống dịch. Toàn bộ Vụ truyền thông chỉ có 7 người, khối lượng công việc trong dịch bệnh rất khổng lồ, nhưng chúng tôi đã đáp ứng được.
Thời gian qua, chúng ta đã có các cấp độ, cách thức, biện pháp truyền thông khác nhau, sử dụng từ những phương tiện truyền thông đơn sơ nhất đến hiện đại nhất.
Cục Viễn thông của Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông đã phối hợp với Bộ Y tế mỗi ngày gửi tin nhắn về dịch bệnh đến 150 triệu thuê bao trên toàn quốc. Viettel đã lập tức thiết lập 1 tổng đài với 80 nhân viên, Bộ Y tế soạn câu hỏi để mỗi ngày giải đáp 15 nghìn cuộc gọi để giải toả thông tin về dịch bệnh cho công chúng.
Đặc biệt giúp họ kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh gần họ nhất để được khám, tư vấn.
Bên cạnh sự giúp đỡ của các công ty viễn thông là sự trợ giúp của các nhà báo, các toà soạn, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục về dịch bệnh, cập nhật tin thường xuyên.
Không thể không kể đến lực lượng tích cực trên mạng xã hội, mạng xã hội được sử dụng cung cấp ttin chính thống đến các nhà báo trên toàn quốc, kịp thời theo dõi xử lý những thông tin chưa đúng, tin giả (fake news)…
DIỄN GIẢI CHÍNH XÁC KHÁI NIỆM ĐỂ NGƯỜI DÂN KHÔNG HOẢNG LOẠN
BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện, Bệnh nhiệt đới Trung ương:
Trong cuộc chống dịch này, điều trị chỉ là một việc rất nhỏ. Quan trọng nhất của chống dịch là đừng để dịch vào Việt Nam. Nếu vào thì đừng để lan quá rộng. Chúng tôi chỉ gánh vác việc thứ 3 là chẳng may có ai mắc thì cố gắng giúp họ hồi phục.
Chúng ta đã làm rất tốt 2 việc đầu nên chúng ta có số lượng bệnh nhân rất nhỏ. Còn nếu con số bệnh nhân lên hàng nghìn, hàng vạn thì chắc chắn sẽ không thể điều trị tốt được.
Có một vấn đề quan trọng trong truyền thông chuyên môn, thứ nhất, Covid-19 mới được phát hiện. Ngay cả chẩn đoán thì cũng chỉ hoàn thiện qua từng ngày. Cũng vì là bệnh mới nên việc điều trị phải căn cứ vào hiểu biết sẵn có để xây dựng lên phương án điều trị ban đầu. Sau đó liên tục theo dõi, nghiên cứu, đổi mới để phác đồ điều trị ngày càng hoàn thiện hơn.
Đây là đặc thù của dịch bệnh mới khi chưa có nghiên cứu đầy đủ.
Điều này trong truyền thông, có khoảng cách giữa những điều của nhà chuyên môn nói và điều người dân nghe được. Để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm và đại chúng là cực kỳ khó khăn.
Chúng tôi được học về chuyên môn nhưng không được học về truyền thông.
Mỗi người dân đều đóng góp sức mạnh nào đó, nếu tập hợp được theo hướng tốt thì sức mạnh đó đóng góp rất lớn, nhưng nếu theo chiều hướng xấu thì tác hại vô cùng lớn.
Ví dụ, một khái niệm đơn giản là nhà khoa học Trung Quốc đề xuất là bệnh nCoV lây qua đường khí dung giao, tiếng anh gọi là Aerrosol (khí dung). Nhưng bản thân chữ "khí dung giao" của người Trung Quốc và chữ Aerrosol không trùng lắp hoàn toàn. Người dân quy ra là lây truyền qua đường không khí thì hiểu rằng bất cứ ai hít qua đường không khí thì nguy cơ nhiễm bệnh.
Thực tế không phải thế.
Con đường lây truyền qua giọt bắn, giọt nhỏ, ví dụ khi hắt hơi bắn ra là đường lây truyền chủ yếu của nCoV.
Có một con đường nữa là lây truyền qua đường nhỏ hơn nữa, như sương mù, gọi là Aerrosol. Đôi khi chúng ta truyền thông là lây truyền qua khí dung nên gây nhầm lẫn.
Thực ra, muốn lây truyền qua Aerrosol thì mật độ phải đủ đậm đặc để tải được lượng virus lớn. Việc đó chỉ xảy ra với thầy thuốc khi thao tác rất gần với bệnh nhân.
Trước đây, chúng tôi có chiến lược mở cửa sổ trong dịch Sars. Dịch nCoV cũng vậy.
Điều này cũng tương tự như việc trong phòng kín thì hút thuốc lá khói sẽ mờ mịt, mở cửa ra sẽ đỡ hơn. Ở gần và môi trường đậm đặc virus thì nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Với chúng tôi, thời gian vừa rồi chúng tôi cực khó khăn trong chuyển tải khái niệm chuyên môn thành khái niệm dân dã đủ để người dân hiểu và an tâm.
Khái niệm cần phải diễn giải xuất hiện liên tục. Cá nhân tôi chỉ là người đóng góp nhỏ trong việc tham gia diễn giải những khái niệm đó.
Một vấn đề nữa tôi muốn chia sẻ là toán thông kê là một chương trình bác sĩ phải học nhưng để hiểu sâu cũng không nhiều. Chắc chắn với nhà báo thì toán thống kê thì vô cùng khó khăn. Chúng ta thấy tình trạng là ngày hôm qua, Trung Quốc công bố mỗi ngày tăng thêm 300 - 400 bệnh nhân, chết 30 – 40 bệnh nhân, các nhà khoa học bảo dịch leo thang khủng khiếp. Đến ngày khác, Trung Quốc công bố tăng thêm 2000 bệnh nhân, chết khoảng 400 bệnh nhân, nhà khoa học bảo rằng đến đỉnh và chuẩn bị quay xuống.
Nhưng nếu căn cứ con số thông thường thì sẽ có ý kiến thắc mắc rằng: "Lúc đang đi lên các ông lại bảo là cực kỳ kinh khủng. Lúc đang cực kỳ kinh khủng ông lại bảo là đã đỡ rồi".
Đó là khái niệm về thống kê. Nếu hiểu đúng thì cực kỳ khó khăn. Một trong những trách nhiệm của truyền thông là diễn giải con số đó phù hợp để người dân hiểu và không hoảng loạn ở con số hàng trăm hay hàng nghìn mà ở xu thế đi lên hay đi ngang.
Thứ 3, có những điều khi trao đổi với phóng viên, hình như tư duy của thầy thuốc và nhà báo khá xa nhau. Tư duy thầy thuốc là trong hoàn cảnh xấu, chọn cái ít xấu nhất. Còn với nhà báo, tư duy là mong mỏi mọi điều tốt với mọi người. Mỗi con người là một số phận nên không chấp nhận được việc bảo chết thêm vài trăm người. Đặt vào vị trí của nhau trong mỗi quyết định, trong mỗi lý giải thì mọi thứ sẽ tốt hơn. Khi không hiểu nhau sẽ dẫn đến ngáng chân hoặc va nhau.
THẤT BẠI TRUYỀN THÔNG SẼ THẤT BẠI TRONG CHỐNG DỊCH
BS. Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn:
Trong đợt dịch này, thành hay bại, vai trò của truyền thông chiếm tỷ lệ rất cao, có thể là 30%, sau đó đến bác sỹ điều trị như anh Nguyễn Trung Cấp, rồi mới đến chúng tôi là bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, những người đứng sau nữa, ngồi trong bóng tối, làm sao để các tấm phim cất lên tiếng nói, từ đó tìm hướng điều trị cho bệnh nhân.
Tôi muốn chia sẻ điều bác sỹ Cấp mới nói, tất cả các bác sỹ đều học toán thống kê, đây là vấn đề rất hay. Bởi mọi vấn đề dù khó khăn đến mấy đều có những ngôn ngữ để giải thích tường minh với công chúng.
Trong đợt dịch này, ngày 3/2/2020, khi Trung Quốc công bố tổng số nhiễm mới 14.800 bệnh nhân, con số này gấp 10 lần những ngày hôm trước. Tại sao tăng đột biến vậy, vì Trung Quốc thay đổi cách chẩn đoán, trước đây các bệnh nhân chỉ được coi nhiễm Covid-19 khi có xét nghiệm dương tính, còn từ ngày 3/2, chỉ cần phim chụp CT đã xác định là nhiễm bệnh. Đó là nguyên nhân dẫn đến số bệnh nhân tăng đột biến.
Trong chẩn đoán lâm sàng bệnh Covid 19, các con số cho thấy diễn biến đang diễn ra đúng nửa đầu chữ n xuôi, chẩn đoán hình ảnh đầu tiên thấy dấu hiệu kính mờ, hai là dấu hiệu như đá hoa cương, có những chỗ có mạch vữa dày lên, giống như hình tổ ong, giai đoạn 3 đông đặc lại thì đã rất nặng.
Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 4, toàn bộ bệnh nhân viêm phổi đều có kính mờ. Từ ngày thứ 5- thứ 8, những vùng trước đó có kính mờ, xuất hiện lát đá hoa cương. Từ ngày thứ 9 - thứ 13, đông đặc như mô phổi và sẽ bị nặng lên. Từ ngày thứ 14- 26, triệu chứng từ từ giảm và khỏi.
Chúng ta luôn nghĩ, đây là 1 bệnh mới, do đó các bác sỹ không biết chẩn đoán, điều trị như thế nào. Thực chất, dù như thế nào đi nữa, cũng chỉ là những con virus.
Y học đòi hỏi sự chính xác rất cao chứ không làm theo cảm tính. Dù dịch bệnh ở Việt Nam mới chỉ 16 bệnh nhân nhưng các cán bộ y tế luôn cập nhật làm chủ tình hình, tất cả các bệnh viện đa khoa đều có đơn nguyên để thu dung và tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus này, tức là chúng tôi luôn sẵn sàng để làm việc đó.
Truyền thông làm thế nào để con số cất lên tiếng nói, những con số đó không đe doạ người dân thì mới quan trọng. Chúng ta mà thất bại trên mặt trận truyền thông thì 100% sẽ thất bại khi dịch xuất hiện.
Chúng ta đã có những ví dụ thực tế, trong dịch bệnh Mers, Hàn Quốc không có truyền thông nguy cơ, dẫn tới người dân không biết, tự vào mạng tìm, loạn tin đồn, dẫn đến Hàn Quốc có 186 bệnh nhân nhưng tử vong 38 bệnh nhân, Chính phủ Hàn Quốc phải cách ly 16.752 bệnh nhân. Hệ quả toàn xã hội Hàn Quốc thời điểm đó bị rối loạn, bệnh nhân sợ hãi, giá cả leo thang, phải đóng cửa toàn bộ trường học từ mầm non đến đại học, GDP sụt giảm.
Ví dụ thứ hai, năm 2019, dịch Ebola xảy ra ở Congo, nước này không giải thích cho người dân nên dẫn tới 300 cuộc tấn công nhân viên y tế, dẫn đến 6 nhân viên y tế chết, 70 nhân viên y tế bị thương nặng.
Tất cả câu chuyện chống kỳ thị, bài học khẩu trang của chúng ta… cho thấy chúng ta rất thành công trong công tác truyền thông đối với dịch bệnh này,
VÌ SAO NÓI VIRUS LAN RA TỪ PHÒNG THÍ NGHIỆM LÀ KHÔNG CÓ CĂN CỨ?
Nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền phong): Có thuyết âm mưu vật chủ truyền bệnh là dơi, chuột, rắn, ngoài ra có ý kiến là một cơ sở nghiên cứu virus... Điều đó thực hư thế nào?
BSCK2 Trung Cấp: Một phòng thí nghiệm của Đức có nhập khẩu một số con khỉ Châu Phi về để nghiên cứu. Con khỉ đó cắn vài nhân viên của phòng thí nghiệm và xuất hiện một vụ dịch lây ra vài chục nhân viên y tế của phòng thí nghiệm.
Từ thực tế này khi có dịch xảy ra thì nghi ngờ luôn là về trung tâm nghiên cứu virus. Với vụ dịch này, tôi thấy thuyết âm mưu này không phù hợp lắm. Vì nếu lọt ra từ phòng thí nghiệm thì phải lây ra nghiên cứu viên, từ đó lây ra vợ, con sau đó mới ra cộng đồng. Virus không tự bay từ phòng thí nghiệm ra được mà phải có vật mang.
Các virus từ ống nghiệm có chui được vào con dơi không? Chắc chắn là không. Vì virus được cách ly nghiêm ngặt. Kiến chui vào các phòng thí nghiệm còn không được chứ chẳng nói là con dơi.
Trong 6 chủng Corona virus, có chủng gây bệnh ở dơi, lạc đà, các loài thú hoang như chồn, sóc, cá heo… Người ta giải trình gen của tất cả loại và đưa vào thư viện gen của toàn cầu. Khi xuất hiện chủng Corona virus thứ 7 và đối chiếu thấy rất gần gũi với chủng Corona virus họ hàng với Sars và trùng hợp 99% với virus đang gây bệnh từ dơi nên có nghi ngờ là từ dơi.
BS Trần Văn Phúc: Tôi muốn nói thêm rằng trong lịch sử, cách ly cá nhân đã thực hiện từ thế kỷ trước. Nhưng để cách ly cộng đồng thì lần đầu tiên là Hoa Kỳ cách ly vào năm 1960. Hệ thống phòng chống bệnh truyền nhiễm quốc tế rất quan trọng thời gian ủ bệnh. Tại thời điểm này, các bệnh truyền nhiễm do virus cho thấy rằng không truyền bệnh trong thời kỳ ủ bệnh. Thứ hai, chúng ta không đưa một xác suất quá nhỏ để khi kích hoạt lên thành một vấn đề tốn kém.
Thứ hai, về nghi ngờ Phòng nghiên cứu sinh học phân tử cấp 4 ở Vũ Hán làm phát tán con virus đó, sáng nay, một tạp chí y khoa uy tín vừa đăng tuyên bố của 27 nhà khoa học quốc tế ngoài Trung Quốc phủ nhận việc do con người tạo ra, không có dấu hiệu nào về việc virus thoát ra ở phòng nghiên cứu virus của Trung Quốc.
Các phòng này trên thế giới hiện có 9 phòng, có camera giám sát quốc tế và trong nước 24/7, phải chịu được động đất cấp 12. Những vấn đề liên quan đến sức khoẻ con người luôn luôn phải có hội đồng chứ không thể do cá nhân nào.
Trong y khoa, những cái gì thuộc về thuyết tương đối không được anh em làm khoa học tôn trọng.
ĐỪNG HỐI THÚC PHÓNG VIÊN ĐƯA TIN GIẬT GÂN VỀ DỊCH BỆNH
Phóng viên Báo Công lý: Trong kế hoạch truyền thông nguy cơ, lòng tin của xã hội là thành công cao nhất. Nhưng hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về tính trung thực trong truyền thông của dịch bệnh này?
Ths. Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế:
Truyền thông nguy cơ là một dạng truyền thông theo thời gian thực, đối tượng là những người dân đang phải đối mặt với nguy cơ về sức khoẻ, có thể ảnh hưởng đến các yếu tố về kinh tế, về xã hội.
Và truyền thông nguy cơ sẽ cung cấp các thông tin, khuyến nghị, ý kiến của chuyên gia. Mục đích để giúp người đang đối mặt với nguy cơ đưa ra được quyết định đúng để bảo vệ mình và người thân của mình. Các quyết định này phải dựa trên những thông tin đúng đắn.
Và truyền thông phải cùng sánh nhịp với ngành y tế, nếu đi lệch nhịp thì không còn là truyền thông nguy cơ nữa. Đã có lúc chúng ta lệch nhịp, như trong đợt dịch sốt xuất huyết trước đây, Bộ Y tế giai đoạn đó đưa ra nhiều giải pháp như đi ngủ nằm màn, diệt lăng quăng, vệ sinh các nơi chứa nước có thể sinh muỗi…
Dịch mới bùng phát thì cần truyền thông về cách phòng chống bệnh, nhưng khi đó, báo chí cầm ngay máy quay đến bệnh viện quay các cảnh điều trị, bệnh nhân… Báo chí thay vì nói cho công chúng biết họ cần làm gì để phòng tránh thì lại nói về tử vong, điều trị. Như thế là lệch nhịp.
Rất may dịch Covid-19 lần này, việc truyền thông tương đối đồng điệu, chúng ta đã bắt đầu đi được một nhịp với nhau, đây là điều tuyệt vời để ngăn chặn dịch bệnh không lan rộng ra.
Chúng tôi mong các toà soạn đừng hối thúc phóng viên của mình đưa những thông tin giật gân về dịch bệnh. Các báo hãy đưa những khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch vào các bài báo, thay vì những tin tử vong, điều trị, không giúp ích gì cho các đối tượng truyền thông nguy cơ. Có như thế chúng ta mới giúp cho cộng đồng, công chúng biết và ý thức được các biện pháp để bảo vệ mình và người thân.
Về tính chính xác, trung thực của dịch bệnh, thì ngay từ đầu tiên khi dịch bệnh bùng nổ, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như cấp cao hơn là Chính phủ là trong dịch bệnh này không được giấu bệnh. Tôi khẳng định các thông tin Bộ Y tế đang công bố là hoàn toàn trung thực, công khai, minh bạch.
Còn việc xuất hiện những thông tin trái chiều, chúng tôi cũng nhìn thấy mạng xã hội là mảnh đất rất màu mỡ cho các thông tin trái chiều, fake news, các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện. Trong đó, có rất nhiều thông tin dịch không chính xác, mà “khí dung giao” là 1 ví dụ.
Nhìn thấy một quan chức Trung Quốc phụ trách quản trị của thành phố, không dính dáng gì đến y tế, nói về việc virus lan toả trong không khí, thì rõ ràng không có hàm lượng khoa học. Vậy mà một số báo của Việt Nam đã vội dịch, gây hoang mang cho người dân.
May mắn, các nhà khoa học y tế của Việt nhanh chóng đưa ra các thông tin chính xác để dập nó đi.
Hay hôm qua, trên mạng lan truyền thông tin Chính phủ Nga tuyên bố virus Corona là do rò rỉ, là nhân tạo, anh Phan Tri là một dịch giả nổi tiếng đã phải lên tiếng do dịch sai.
Thời gian qua chúng tôi nhìn thấy rất nhiều thông tin dịch sai, chưa được kiểm chứng từ các bác sỹ, nhà khoa học. Các thông tin không chuẩn xác sẽ gây hoang mang cho cộng đồng.
KHÔNG THỂ ĐƯA NHIỀU NHÀ BÁO VÀO KHU CÁCH LY
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ: Tôi xin tiếp nối câu trả lời của anh Cường bằng cách xin kể một câu chuyện. Chỗ chúng tôi điều trị 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19 và chúng tôi nhận được khoảng 45 lời đề nghị của các phóng viên vào khu cách ly để chụp ảnh. Nhưng chúng tôi chỉ đồng ý cho 1 phóng viên vào chụp ảnh với điều kiện chúng tôi trang thiết bị bảo hộ đầy đủ cho phóng viên đó, và chúng tôi đi cùng.
Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp nguồn thông tin minh bạch và công khai nhất nhưng chúng tôi cũng không thể đưa được nhiều phóng viên vào. Chúng tôi mong các nhà báo chia sẻ thông tin thực tế đó từ đồng nghiệp của mình. Chúng tôi cũng đề nghị các bác sỹ ghi lại hình ảnh trong bệnh viện để các nhà báo có thể sử dụng, nhưng trong đợt dịch vừa rồi chúng tôi khá thất bại vì các bác sỹ của chúng tôi không biết chụp ảnh, chụp ảnh xong nhà báo thấy không sử dụng được
BS Trần Văn Phúc: Tôi cũng xin bổ sung thêm câu trả lời của anh Cường, anh Cấp. Như tôi đã nói, chống dịch Mers 2015 ở Hàn Quốc sở dĩ thất bại vì truyền thông nguy cơ và truyền thông cộng đồng không được triển khai, dẫn đến Hàn Quốc phải trả giá rất đắt. Việt Nam năm nay mới làm truyền thông nguy cơ, nhưng đã được nhà báo đồng hành và đạt được hiệu quả khá cao.
Đúng là cũng có ý kiến nghi ngờ, thậm chí các đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài cũng nghi ngờ Việt Nam làm quá tốt như vậy có phải là giấu giiếm? Tôi theo dõi và khẳng định không có chuyện đó. Chúng ta thấy, tại sao chúng ta vượt qua Sars năm 2003 vì chúng ta minh bạch, chia sẻ tốt thông tin dẫn đến được sự hỗ trợ rất kịp thời từ các tổ chức y tế trên thế giới đồng hành, hỗ trợ máy thở… cùng chiến đấu chống dịch bệnh. Và trong dịch Covid-19 cũng thế, chúng ta không dại gì giấu giếm thông tin dịch bệnh, nên chúng ta đã sớm có các tổ chức y tế hỗ trợ, đồng hành cùng phòng chống dịch bệnh.
15 NGHÌN CUỘC GỌI MỘT NGÀY, ĐƯỜNG DÂY NÓNG QUÁ TẢI
Đường dây nóng của Bộ Y tế trong giai đoạn đầu bị quá tải và bị phản ứng về việc thu phí. Ông muốn nói gì về điều này?
Ths Vũ Mạnh Cường: Chắc một số các anh chị đã đọc status của anh Cấp viết trên facebook cá nhân. Những ngày đầu tiên có đường dây nóng, khoảng hai mấy Tết, triển khai ngay đường dây nóng cũng khó. Do đó chúng tôi sử dụng đường dây nóng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ vì đây là bệnh viện đầu ngành của ngành y tế về các bệnh truyền nhiễm.
Rất không may, dịch bệnh diễn ra đúng dịp Tết. Trước đó, đường dây này là đường dây tư vấn nên có thu tiền 5.000 đồng/phút.
Trong những ngày nghỉ đó, chúng tôi không thể gặp ai để thực hiện miễn phí cho đường dây nóng này.
Khi dịch bệnh bắt đầu nóng lên, người dân gọi điện đến đây nhiều hơn và phát hiện đây là đường dây thu tiền. Ngay ngày đầu đi làm, chúng tôi đã tác động đến Cục Bưu chính Viễn thông và xử lý ngay việc này.
Chúng tôi cũng biết được đường dây nóng này rất quá tải. Các nhân viên vừa trực cấp cứu, vừa phải trả lời câu hỏi. Do đó, ngay trong ngày đi làm đầu tiên, Bộ Y tế đã phối hợp với Viettel để triển khai đường dây mới với 80 điện thoại viên trả lời. Số lượng trung bình là 15 nghìn cuộc gọi và kết nối thành công 98%.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Đầu tiên Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện thành lập đường dây nóng. Nhưng theo thống kê của chúng tôi 93% cuộc gọi đến hỏi rất nhiều chuyện, thậm chí cả chuyện rách bao cao su… Nhiều người gọi cả đêm và sáng. Do đó chúng tôi quyết định tách đường dây đó ra một đường dây riêng, gọi là đường dây tư vấn.
Đêm đầu tiên tôi trực, chúng tôi giải quyết được 2 tình huống của bệnh viện tuyến dưới và 1 của khách sạn nhờ tư vấn chống dịch.
Ngày mùng 3 Tết, tốc độ gọi nhiều lên rất nhiều. Ngày tôi trực, tôi tiếp nhận cỡ 100 cuộc gọi. Quay đi quay lại là những thông tin rất đơn giản.
Đến ngày đi làm đầu tiên sau Tết, đường dây nóng mới được chuyển sang cho Bộ Y tế và miễn phí.
TÔI Ở LẠI BỆNH VIỆN TỪ MÙNG 6 TẾT, HÔM QUA MỚI VỀ NHÀ
Lần đầu tiên tiếp nhận ca bệnh về nCoV, bác sĩ suy nghĩ gì?
Khi Trung Quốc có thông báo về dịch viêm phổi Vũ Hán, chúng tôi phải tìm hiểu các kênh thông tin. Rất may, thông tin từ các nguồn cả phía Trung Quốc, WHO và Mỹ cũng đều khá cập nhật. Từ hiểu biết về virus Corona, chúng tôi đã xây dựng chiến lược cho nó. Ngay sáng mùng 1 Tết, chúng tôi có bài viết khai xuân về virus này. Ngày mùng 2 đã có bài giảng đầu tiên để chia sẻ cho các tuyến.
Hướng dẫn điều trị ban đầu liên tục được cập nhật thông tin mới để sửa đổi.
Qua bước đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần để tiếp nhận virus này.
Về vật chất, chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người, chuẩn bị đào tạo, hỗ trợ tuyến dưới, chỗ ăn ở cho người bị cách ly, cho nhân viên y tế ở lại bệnh viện.
Bản thân tôi ở lại bệnh viện từ mùng 6 Tết đến ngày hôm qua mới về nhà. Tôi không về nhà không phải vì cách ly. Nhưng tôi vẫn ở lại 24/24 vì lý do vì tôi phải đảm bảo những người tham gia thủ thuật nguy hiểm là tối thiểu. Những người thực hiện thao tác đó phải được trang bị phòng hộ tốt nhất, kỹ năng tốt nhất. Và 2 người đó là trưởng khoa và phó khoa.
HY VỌNG CUỐI TUẦN TẤT CẢ CÁC CA NHIỀM COVID ĐỀU XUẤT VIỆN
Phóng viên báo điện tử Viettimes: Bộ Y tế xác nhận chiều qua có 14/16 ca xuất viện, khỏi bệnh. Nhưng hôm nay xuất hiện rất nhiều thông tin 16/16 ca khỏi bệnh? Vậy thông tin nào là chính xác?
Th.s Vũ Mạnh Cường: Tính đến chiều nay, mới có 14/16 bệnh nhân khỏi bệnh. Vẫn còn 2 bệnh nhân nữa gồm bệnh nhân Việt Kiều 78 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Bệnh nhân đã qua 2 lần âm tính với Covid-19 nhưng bệnh nhân vẫn còn 1 số bệnh lý nền nên vẫn đang được tiếp tục điều trị, chưa ra viện.
Trường hợp thứ 2 là bố của cô D., người đã gây lan cho cả gia đình, đang chờ kết quả cuối cùng.
Tôi hy vọng cuối tuần này, chúng ta có thể xuất viện tất cả các bệnh nhân.
NHỮNG BÀI THUỐC LAN TRUYỀN TRÊN MẠNG CÓ DÙNG ĐƯỢC KHÔNG? BAO GIỜ CHO HỌC SINH ĐI HỌC?
Hiện phía Trung Quốc đã điều trị virus Corona tới phiên bản 6, Việt Nam mới phiên bản 2. Vậy Việt Nam có trao đổi về kinh nghiệm điều trị, phác đồ điều trị virus Corona với Trung Quốc hay không? Thời điểm này nhiều người cho rằng dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã khống chế, thì có nên cho học sinh đi học hay không?
BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Chúng tôi vẫn thường xuyên truy cập trang web của Bộ Y tế Trung Quốc, họ công khai toàn bộ hướng dẫn chẩn đoán điều trị. Những thông tin Trung Quốc chia sẻ vẫn được WHO cập nhật thường xuyên và chúng tôi cũng tiếp nhận thường xuyên. Ngoài ra, có những nghiên cứu của các học giả Trung Quốc đăng trên các diễn đàn y khoa thế giới.
Các tài liệu nghiên cứu về dịch bệnh này giờ đã lên tới con số hàng trăm, và các nhà khoa học, y bác sỹ nghiên cứu về đợt dịch này đều miễn phí chia sẻ hết các tài liệu này.
Tất cả thông tin, tài liệu, chúng tôi vẫn tiếp nhận, nghiên cứu và đưa vào điều trị phiên bản 2. Họ có đề cập đến các thuốc kháng virus được phép sử dụng.
Còn có cho trẻ nhỏ đi học hay không thì vượt quá thẩm quyền và tầm đánh giá của chúng tôi vì chính sách đề ra phải đánh giá được giữa ích lợi và nguy cơ và bác sỹ thì không đủ thẩm quyền.
Th.s Vũ Mạnh Cường: Về phác đồ điều trị, Trung Quốc và Hàn Quốc có đưa ra 1 số bài thuốc dân tộc. Tại phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia hôm qua, có yêu cầu phải nghiên cứu những bài thuốc đó có ứng dụng được vào Việt Nam không vì y học của Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng. Hiện các phác đồ điều trị của chúng ta liên tục được cập nhật.
Còn việc cho học sinh đi học hay không, chúng ta phải chờ quyết định tại phiên họp tới của Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Bài thuốc chanh sả mật ong có hiệu quả không?
Nguyên tắc đông y là biện chứng và luận trị. Căn cứ triệu chứng của bệnh nhân để luận ra cách điều trị.
Ở Trung Quốc hiện có khoảng 80 nghìn bệnh nhân, có thống kê rất lớn về triệu chứng và đủ dữ liệu để luận ra triệu chứng đó thuộc phạm vi gì của đông y, từ đó luận ra cách chữa trị.
Chúng ta mới có 16 bệnh nhân, rất ít triệu chứng. Anh không biết bệnh đó là gì, chưa hề nhìn bệnh nhân đó như thế nào thì căn cứ gì để ra cách điều trị? Điều này có nghĩa là các bài thuốc lan truyền trên mạng như kiểu chanh sả mật ong là không có căn cứ.
KHÔNG THỂ NHIỄM VIRUS COVID 2 LẦN TRONG MỘT VỤ DỊCH
Có thông tin nói bệnh nCoV chữa khỏi rồi vẫn bị lại, có đúng không thưa bác sĩ?
BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Như tôi đã đề cập ban đầu, có 7 chủng virus Corona, trong đó có 4 chủng gây cảm lạnh.
Căn cứ 4 chủng này thì miễn dịch không bền. Từ đó, người ta suy rằng với Covid-19 có thể cũng như vậy, sau khi hết bệnh có thể bị lại. Tuy nhiên, một người khỏi bệnh là kháng thể trong cơ thể người ta đủ lớn thì mới khỏi bệnh. Với kháng thể đó thì không thể bị lại ngay được trong vụ dịch này, tức là không bị 2 lần trong 2 vụ dịch.
Ông có thể bình luận về việc 2 bác sĩ ở Vũ Hán qua đời vì dịch Covid-19?
BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng, tôi không rõ tại sao một bác sĩ trẻ khoẻ như thế lại bị nặng đến mức ra đi. Tuy nhiên, rõ ràng có một vận động viên thể hình 10 năm không ốm mà vẫn ra đi. Do đó không thể nói trước được gì.
Trường hợp thứ 2 là bác sĩ bệnh viện. Trong ngành y có vị là thứ trưởng, có vị là hiệu trưởng trường đại học, ngày đi họp, tối vẫn về mổ. Con người máu nghề nghiệp lên, anh em bên dưới vất vả, giám đốc lăn vào, không may nhiễm bệnh và hy sinh.
HÃY ỦNG HỘ VĨNH PHÚC, ĐỪNG KỲ THỊ
Phóng viên Báo CAND: Nguồn thông tin từ Covid-19 đã gây ảnh hưởng nhất định đến người dân Vĩnh Phúc, gây ra một sự kỳ thị nhất định. Vậy làm thế nào có thể xoá bỏ sự kỳ thị này?
Th.s Vũ Mạnh Cường: Đây là sự kỳ thị, thái độ rất vô lý.
Có sự hẹp hòi nào đó trong cộng đồng mạng, Nhà thờ Đức Bà ở Paris cháy thì cộng đồng mạng đồng loạt bày tỏ sự đồng cảm tiếc nuối, còn dịch bệnh viêm phổi cấp thì rất ít người lên mạng chia sẻ với Vĩnh Phúc. Tôi là người nhờ hoạ sỹ thiết kế 1 khung ảnh với thông điệp “Vĩnh Phúc cố lên”, và những người chia sẻ rất ít.
Hiện chúng ta chỉ cách ly 1 xã Sơn Lôi, còn các khu vực khác ở Vĩnh Phúc đều an toàn. Tôi đến Vĩnh Phúc tôi không đeo khẩu trang, vì tôi biết những vị trí ngoài vùng dịch đều an toàn.
Tôi mong các nhà báo cùng ủng hộ, cùng lan toả tinh thần ủng hộ Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc cũng sắp hết dịch rồi. Chúng ta chỉ còn 1 bệnh nhân nhiễm Covid-19 và chúng tôi đang nỗ lực các giải pháp để sớm đưa Sơn Lôi trở lại nhịp sống bình thường.
BS. Trần Văn Phúc: Tôi xin chia sẻ thêm câu chuyện Vĩnh Phúc, bản năng của con người sợ hãi những gì người ta chưa biết. Đây là tình cảm nguyên thuỷ. Sợ thì người ta kỳ thị. Sợ phản ánh người ta không hiểu vấn đề. Sợ thể hiện con người đó yếu đuối.
Vĩnh Phúc không đáng thương, mà những người kỳ thị mới là đáng thương vì họ nhận thức sai vấn đề. Báo chí phải làm nhiệm vụ giúp họ hiểu vấn đề, không kỳ thị Vĩnh Phúc.
Câu chuyện xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc bị cách ly không có gì quá ghê gớm, chẳng qua là chúng ta đang rất cẩn thận, phòng ngừa tối đa mọi tình huống có thể lây lan để phòng chống tốt dịch bệnh.
Tính đến ngày hôm nay (20/2), Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chỉ còn duy nhất 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona mới (Covid-19) là ông N.V.V (50 tuổi, ngụ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông V. là ca thứ 16 được phát hiện nhiễm Covid-19 ngày 13/2. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này rất ổn định và hiện được điều trị tại địa phương.
Bộ Y tế cũng thông tin, bé gái N.G.L, 3 tháng tuổi (trú tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) điều trị tại BV Nhi Trung ương sẽ xuất viện trong ngày hôm nay. Hiện tình trạng bé ổn định, không sốt, ăn bú tốt. Xét nghiệm cả hai lần đều cho kết quả âm tính với virus Covid-19.
Cũng trong chiều 20/2, tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng sẽ công bố 2 bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19.
Trường hợp ông T.H.K. (73 tuổi - Việt kiều Mỹ) nhiễm Covid-19 điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM cũng đã được chữa khỏi sau nhiều lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus Covid-19. Bệnh nhân đang được giữ lại để điều trị một số bệnh lý khác, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Cập nhật từ Bộ Y tế, đến 9h45 sáng nay 20/2, thế giới có 75.725 người mắc dịch Covid-19, 2.128 người tử vong, trong đó tại lục địa Trung Quốc là 2.118 ca.
10 ca tử vong còn lại bao gồm: Phillippines (1); Đài Loan (1); Hồng Kông - Trung Quốc (2); Nhật Bản (1); Pháp (1); Iran (2); Tàu Diamond Princess (2).
Việt Nam có 16 người dương tính với virus Covid -19, 15 người điều trị khỏi, trong đó 11 người đã xuất viện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận