Người dân nô nức đăng ký dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh. |
Đi chùa lễ Phật đầu năm là nghi thức thiêng liêng với người Việt. Nhưng bên cạnh không khí trang nghiêm, thanh tịnh của cảnh chùa chiền ngày Tết, vẫn thấy nhiều người nô nức đăng ký dâng sao giải hạn.
Nô nức dâng sao giải hạn tại Chùa
“Sao Thái Bạch, sạch của nhà; Nam La, nữ Kế…” là những nỗi ám ảnh tâm linh với người dân dịp đầu năm. Không cứ gì các miền quê hay thành thị, ở trung tâm Hà Nội vài năm gần đây vẫn xuất hiện cảnh người dân ùn ùn đến chùa cúng sao giải hạn.
Ăn theo nỗi lo sợ ấy là các dịch vụ ở chốn cửa Phật. Chùa Bằng (Quận Hoàng Mai) xuất hiện hàng loạt các tấm bảng dán danh sách người đến xin giải hạn trắng xóa một góc. Ở chùa Bồ Đề, một tấm biển coi sao đầy đủ giới tính độ tuổi treo lủng lẳng giữa sân. Và nhộn nhịp nhất là chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), từ sáng 4/2 (mùng 8/1 Âm lịch) đến vài ngày sau vẫn nườm nượp người tới, dán mắt vào các tấm biển chỉ dẫn hay chụm đầu trên các dãy bàn kê sát nhau, rì rầm trao đổi các thông tin ngày tháng năm sinh để những mong né hạn.
Trao đổi với Ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề thì việc treo biển là để hướng dẫn người dân tự xem sao, đỡ mất thời gian đi hỏi sư thày. Theo đó, ở chùa Bồ Đề chỉ có lễ cầu an đầu năm, khi người dân xin cúng sao thì thày chùa làm lễ cầu an để người đó yên tâm làm ăn sinh sống. Bản thân chùa Bồ Đề không tổ chức xem sao giải hạn. Ni sư Thích Đàm Lan còn cho hay, việc người dân tin tưởng vào mệnh sao là tín ngưỡng tồn tại từ lâu đời, “họ vẫn còn mê, tạm thời chưa dứt bỏ được, phải dần dần từ mê thành ngộ. Nhà chùa chỉ lựa theo để làm chúng sinh an tâm”.
Ni sư Thích Đàm Lan cũng khuyến cáo rằng, việc cúng sao chỉ là để làm an cái tâm con người, chứ trong nghi lễ Phật giáo thì không có hình thức này. Vị sư trụ trì chùa Bồ Đề phân tích rằng: Có những người không treo sao vẫn gặp tai nạn và có những người dính sao hạn nhưng vẫn bình an. Do đó, việc cúng giải hạn có tác dụng xoa dịu, giải tỏa tâm lý. Bởi không ít người vì quá lo lắng chuyện mệnh sao mà không dám đi lại, không dám làm ăn buôn bán, thậm chí có người đi qua đường vì lo âu mà gặp tai nạn.
Riêng về hoạt động dâng sao giải hạn, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ thì đây là hoạt động chỉ có ở Đạo giáo (một trong ba tôn giáo lớn nhất Việt Nam bên cạnh Phật giáo và Thiên chúa giáo). Trong Phật giáo có một nghi lễ là phổ độ chúng sinh. Nhưng thực tiễn nhiều người đến chùa cầu an lành nên có nơi nhà chùa “ôm” cả vào làm luôn. Theo thời gian, người dân tin tưởng và hiểu sai bản chất nghi lễ này. Trong quá trình cúng phổ độ chúng sinh, nhà sư chỉ tụng niệm kinh sách, khác rất xa so với các thao tác lập đàn, nhảy múa như ở Đạo giáo. Việc cúng dâng sao thực chất chỉ có ở các phủ của Đạo giáo.
Có thật “tốt lễ dễ xin”?
Đi liền với câu chuyện dâng sao giải hạn, là cảnh cúng bái xin lộc nơi cửa Phật, vẫn tái hiện các cảnh tượng rải tiền vô tội vạ. Tiền lẻ khắp nơi, phủ trắng mặt trống đồng ở chùa Bái Đính hoặc bị nhét chi chít ở cả những khe, vách tường ở chùa Đồng. Tượng Phật, La Hán vẫn tiếp tục bị sờ, có khi là tay trần, có khi bằng tiền mặt. Khi được hỏi về vấn đề rải tiền lẻ nơi cửa Phật, TS. Trần Hữu Sơn (Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nói thêm rằng đây là tư duy chỉ có ở miền Bắc.
Và đây cũng là một kiểu tư duy sai lầm khi đem suy nghĩ đời thường của cá nhân vào lễ lạt rằng, Thần, Phật cũng cần tiền. “Tiền phải để vào hòm công đức, chứ không nhét lung tung. Phật đang ngồi thiền lại đi nhét tiền vào tay Phật là vô cùng phản cảm”. Tư duy này cũng có phần giống với quan niệm mâm cao cỗ đầy, xuất phát từ cơ chế thị trường bên ngoài xâm nhập vào đời sống tín ngưỡng mà không có sự kiểm soát.
Về quan niệm “mâm cao cỗ đầy”, “tốt lễ dễ xin” TS. Trần Hữu Sơn cho hay, nhiều đền chùa nổi tiếng linh thiêng đều cấm mang đồ mặn vào, chỉ dùng đồ chay. Hơn nữa, việc cúng bái cốt ở tấm lòng thành, đôi khi người ta chỉ cần dâng hương hoa là đủ. Quan niệm “tốt lễ dễ xin” này ra đời từ cơ chế thị trường, xã hội thừa mứa vật chất mới xuất hiện. Trước kia mọi người bình đẳng hơn một chút thì hầu như không có ai đi dâng mâm cao cỗ đầy, người người ai cũng như ai. Ở thời điểm hiện tại, người thành thị đi lễ lại khác với người dân quê. Cho nên, “tốt lễ dễ xin” là do xã hội thổi vào đời sống tín ngưỡng hiện tại, chứ không có truyền thống lễ hội nào quy định như vậy.
Không bày biện mâm cao cỗ đầy cúng Phật Theo Đại đức Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà (Bắc Giang) thì trong dịp đầu năm, cúng Phật chỉ xoay quanh tụng niệm kinh sách kèm theo 6 món lễ vật gồm: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Nếu có cỗ mặn cũng chỉ đơn giản là một khoanh giò, một con gà và một chai rượu nhạt, hoặc cùng lắm là một đĩa thịt lợn 2-3 lạng để cúng Đức Ông - sứ giả của Phật mà thôi. Tuyệt không có truyền thống bày biện mâm cao cỗ đầy.“Hữu cảm hữu ứng tâm động quỷ thần tri”. Như lời Đại đức Tự Tục Vinh chia sẻ, dịp đầu năm không nhất thiết phải cúng đầy đủ mâm cao cỗ đầy bừa bãi, không phù hợp với đạo lý nhà Phật. Nếu không có điều kiện, gia đình có thể bày biện đơn giản: Mua gói kẹo, thắp nén hương, khấn vái tổ tiên trong nhà hoặc khấn Phật là đủ tỏ tấm lòng thành. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận