Góp ý kiến về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp thứ 31 của Uỷ ban TVQH ngày 21/2, Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề việc quản lý thuế từ thu nhập của các ngôi sao, ca sĩ, bởi đây là vấn đề nhiều cử tri băn khoăn.
Bà Hải dẫn chứng trường hợp ở Trung Quốc vừa qua, một ngôi sao lớn có liên quan đến việc trốn thuế, và bày tỏ băn khoăn liệu ở Việt Nam, khi Luật quản lý thuế ra đời có quản lý được vấn đề này hay không?
“Tôi có nghiên cứu xem xét thì thấy rằng, luật có ra đời thì quản lý vấn đề này vẫn lỏng lẻo. Hiện nay, các ca sỹ thường thành lập các doanh nghiệp, công ty để trốn thuế thu nhập cá nhân bằng thu nhập của doanh nghiệp, lấy từ đó để bù các chi phí… Cuối cùng, mức họ nộp thuế rất là thấp” – Trưởng ban Dân nguyện phân tích.
Đặc biệt, liên quan đến công tác quản lý, bà nhận định “không thấy nêu vai trò một chút nào của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch”, từ đó, đề nghị phải đưa một quy định về trách nhiệm của Bộ Văn hóa trong việc quản lý vấn đề này.
Đề cập đến chồng chéo trong trách nhiệm thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý thuế và Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thiết kế trong dự luật sửa đổi hiện chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, khiến khi kết luận thanh tra ban ra đối tượng nộp thuế không biết chạy tới cơ quan nào.
Đồng tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ quan thuế ra quyết định thì phải dựa trên kết luận của kiểm toán và thanh tra, kết luận đó phải được thi hành. Đầu mối quản lý Nhà nước phải thống nhất là một, không để đối tượng chịu thuế chạy hết thanh tra, kiểm toán rồi lại thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện cơ quan soạn thảo xin tiếp thu các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục rà soát.
Ông cũng thông tin thêm, 5 năm qua phát sinh 14 vụ kiện doanh nghiệp theo kết luận của kiểm toán. Trong số này, toà xử 10 vụ thì 10 vụ cơ quan thuế đều thua. Còn lại đang 3 vụ đang thụ lý và 1 vụ đang tạm dừng do phát sinh tình tiết mới.
Bộ trưởng Tài chính phân tích có 2 trường hợp: một là kiểm toán trực tiếp tại đơn vị người nộp thuế thì kiểm toán phải có kết luận. DN có kiện hay không là kiện KTNN. Còn trường hợp thứ hai, là kiểm toán thông qua cơ quan quản lý thuế thì phải có nghĩa vụ liên quan và trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, thu thuế.
Nhắc tới chuyện 10 vụ doanh nghiệp kiện truy thu theo kết luận của kiểm toán thì đều thua cả 10, ông Dũng cho rằng, trách nhiệm thuộc về ai thì người đó phải chịu nên cần phân định rõ ràng trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh cần nêu rõ trách nhiệm cơ quan thuế, kiểm toán và thanh tra. Nếu kiểm toán vào kiểm toán trực tiếp thì trực tiếp chịu trách nhiệm trước tổ chức, cá nhân; còn nếu qua cơ quan thuế thì kiểm toán phải có trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó ra kết luận. Đặc biệt, khi có khiếu kiện thì phải phối hợp với nhau để tạo công bằng, tránh gây áp lực với các tổ chức, cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận