Thời sự

Grab mua lại Uber: Quản lý thuế phải thay đổi để tránh thất thu

25/05/2018, 15:43

Sau thương vụ Grab mua lại Uber, Nhà nước có thể bị thất thu khoản nợ thuế lớn của Uber.

that-thu-thue-grap-mua-lai-uber

Sau thương vụ Grab mua lại Uber nhà nước có thể bị thất thu khoản nợ thuế lớn của Uber

Bên hành lang Quốc hội ngày 25/5, nhận định về khoản thất thu thuế từ thương vụ Grab mua lại Uber, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, rõ ràng việc Grab mua lại Uber trong khi Uber vẫn đang nợ thuế thì trách nhiệm giải quyết nợ thuế đó thuộc về Grab khi nhận quyền khai thác của Uber.

“Nếu việc mua bán này không vi phạm vào luật cạnh tranh, cụ thể là gây tình trạng độc quyền, thì trách nhiệm trả nợ thuế đó Grab phải có nghĩa vụ”, ông Cường nhấn mạnh.

Qua đây ông Cường nhận định, quản lý về thuế hiện nay đã không còn hạn chế như phương thức truyền thống trước đây là thông qua các hóa đơn, chứng từ. “Với xu hướng của phát triển trong cuộc cách mạng 4.0 cũng như xu hướng thương mại điện tử đòi hỏi phương thức quản lý thuế của chúng ta cũng phải thay đồi, không chỉ dừng lại ở các văn bản mà phải linh hoạt hơn”, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nói và kiến nghị: “Chính phủ không chỉ đặt ra các điều kiện để doanh nghiệp phải tuân theo mà phải kịp thời đưa ra các giải pháp để ứng phó và quản lý được những phát sinh xảy ra bởi những loại hình kinh doanh rất mới trong thị trường. Nếu làm được việc đó thì mới quản lý và chống được thất thu thuế giống như thời gian vừa qua”.

Nhận định về xu hướng mua lại, sáp nhập (M&A) hiện nay, đại biểu Cường nhận định đây là quyền của các doanh nghiệp được lựa chọn. Tuy nhiên, nếu việc mua bán đó dẫn đến tình trạng một doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường với thị phần quá lớn, tạo ra tình trạng độc quyền để gây phương hại đến sự lựa chọn của người tiêu dùng thì là vi phạm vào Luật Cạnh tranh.

“Các đơn vị mua bán, sáp nhập mà có nguy cơ rơi vào tình trạng độc quyền thì phải có trách nhiệm khai báo với Chính phủ. Cơ quan quản lý cạnh tranh của Chính phủ có quyền điều tra nếu như việc mua bán đó thực sự tạo ra tình trạng độc quyền thì sẽ không được thực hiện. Nếu như vẫn tiếp tục thực hiện thì sẽ bị xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật”, ông Cường nhấn mạnh.

Quay trở lại câu chuyện Grab mua lại toàn bộ quyền hoạt động của Uber tại Việt Nam, ông Cường cho rằng, nếu có những dấu hiệu về vi phạm luật cạnh tranh thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải có trách nhiệm điều tra dấu hiệu vi phạm đó. Việc điều tra này phải dựa trên cơ sở các chứng cứ cụ thể. "Tôi cho rằng việc điều tra thương vụ này là cần thiết và phải công bố công khai”, ông Cường nói.

Trước đó, giải trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi),  Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật lần này, không còn hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam với các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế có thể gây tác động và có khả năng gây tác động đến cạnh tranh của thị trường Việt Nam.

“Điều này cho phép chúng ta có thể phục vụ và đảm bảo được môi trường cạnh tranh hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đặt trên thị trường Việt Nam nhưng chịu sự tác động về những hành vi phản cạnh tranh hoặc hạn chế cạnh tranh từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng giúp chúng ta tạo được hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra từ đâu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.