“Thiên thần hộ mệnh” gây chú ý với sự tham gia của dàn sao đang lên như Trúc Anh, Salim, Amee…
Màn tấn công ồ ạt này có khiến phòng vé bị “ngộp thở”, cạnh tranh khốc liệt?
Kỷ lục phim ra rạp
Mùa phim Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay thiếu vắng loạt phim bom tấn trong và ngoài nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến dịp 8/3, rạp Việt được “hâm nóng” với 2 phim đầu tư kinh phí khủng, dàn diễn viên “nặng đô”.
Trong đó, “Gái già lắm chiêu” phần 5 của cặp đôi đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân cùng phim “Bố già” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành đã phải rời lịch Tết, ra rạp đầu tháng 3 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Điện ảnh Việt Nam trong suốt giai đoạn 2015 - 2019 có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng toàn thị trường 20 - 25% mỗi năm. Riêng năm 2019, CGV thu về khoảng 3.660 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam, tăng hơn 35% so với năm 2018. Theo thống kê mới nhất, doanh thu phòng vé quý I/2021 tương đương doanh thu cùng kỳ năm ngoái, đạt 65% doanh thu của năm 2019.
(Nguồn: CJ CGV Việt Nam)
Tuy nhiên, doanh thu của 2 phim cho thấy sự chênh lệch đáng kể. Nếu như “Bố già” thu được 400 tỷ đồng đến thời điểm này thì “Gái già lắm chiêu” phần 5 có kinh phí đầu tư hơn 45 tỷ đồng, thu về 36 tỷ đồng sau 2 tuần chiếu.
Còn hai tác phẩm điện ảnh nước ngoài ra cùng thời điểm là “Raya và rồng thần cuối cùng” và “Palm Springs” chỉ thu vỏn vẹn lần lượt là 6 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng. Dễ thấy, tổng doanh thu phim Việt trong tháng 2 và 3 vẫn chưa cao, dù phim được chiếu giờ vàng, có nhiều suất chiếu.
Đến tháng 4, rạp nội địa chứng kiến màn đổ bộ kỷ lục trong lịch sử với 11 phim Việt, 7 phim nước ngoài. Nhìn vào diễn biến này, phần đông đạo diễn thừa nhận, đây là bài toán khó đối với nhà sản xuất phim Việt bởi sự đối đầu, cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi có sự xuất hiện của những phim bom tấn ngoại.
Sự ra mắt ồ ạt của phim nội trong tháng 4 cho thấy một cuộc đua phim dại dột, liều lĩnh của các nhà sản xuất. Bởi, đỉnh cao mùa phim 30/4 cũng chỉ trên dưới 10 phim, bao gồm cả phim trong nước và nước ngoài.
Ở góc độ nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải của “Lật mặt: 48h” cho rằng, sở dĩ nhiều nhà sản xuất có quyết định giống nhau là vì tâm lý “sợ Covid-19”.
“Sau một thời gian ngưng chiếu vì dịch bệnh, việc đưa ra lịch phát hành mới rất khó khăn do số lượng phim còn tồn đọng từ năm trước. Trong khoảng thời gian này, có lẽ nhà sản xuất không phải chọn ngày giờ đẹp nữa mà tất cả phụ thuộc vào Covid-19”, anh nói.
Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay, các nhà làm phim, nhà phát hành đều lường trước được diễn biến tại phòng vé khi nhiều phim ra mắt cùng thời điểm, cạnh tranh khốc liệt.
“Nhưng đó có thể là lựa chọn mà họ nghĩ tốt nhất. Vì không ai biết Covid-19 có thể trở lại không, nếu có thì khi nào? Và nếu hết dịch thì sẽ có bao nhiêu phim Hollywood tồn và mới sẽ ra rạp”, anh cho biết thêm.
Rủi ro nhưng không có nhiều lựa chọn
Đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải thừa nhận,”Lật mặt: 48h” sau nhiều lần hoãn chiếu khiến phim lỗ ít nhất chục tỷ đồng
18 phim dồn dập chiếu rạp tháng 4 không thể tránh khỏi việc “giẫm chân” lên nhau, dẫn tới hệ quả là không có dự án nào nổi trội về doanh thu hoặc có thể bị lỗ nặng, nhất là với các phim tầm trung, quy mô nhỏ theo kiểu phim độc lập.
Đó còn chưa kể việc các rạp có quá nhiều sản phẩm được trưng bày trên một không gian bị giới hạn về số lượng khán giả, số lượng suất chiếu, giờ vàng, số lượng banner quảng cáo, chiến lược quảng bá chênh lệch.
“Võ sinh đại chiến” ra mắt hồi tháng 1 với doanh thu 1,2 tỷ đồng sau 6 ngày ra rạp là một điển hình dù phim có chất lượng khá nhưng do cạnh tranh không nổi với chiến lược truyền thông của “Bố già”, “Gái già lắm chiêu” phần 5. Tỉnh táo nhất ở thời điểm này chính là nhà sản xuất của hai phim “Bẫy ngọt ngào” và “Người lắng nghe”, khi họ tuyên bố rời ngày chiếu để giảm bớt chia sẻ thị phần và rủi ro về doanh thu.
“Bất cứ phim nào phát hành trong giai đoạn này cũng đồng nghĩa với việc đối đầu nhau, theo tôi điều đó không nên. Lịch phim Việt ra rạp từ nay đến cuối năm chưa có nhiều, vậy tại sao phim Việt phải đấu với nhau trong một tháng ngắn ngủi?”, nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy của phim “Người lắng nghe” bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV Việt Nam cho rằng, nếu không có gì bất trắc xảy ra, nhìn vào danh sách các dự án điện ảnh trong tháng 4 rất khả quan về mặt doanh thu.
“Bởi, mỗi tác phẩm đều hướng đến đối tượng khán giả riêng biệt. Hơn nữa, kỳ nghỉ 30/4 năm nay kéo dài 4 ngày liên tục, 4 dự án của các đạo diễn nổi tiếng “Bóng đè” của Lê Văn Kiệt; “1990” của Nhất Trung; “Thiên thần hộ mệnh” của Victor Vũ và “Trạng Tí” của Phan Gia Nhật Linh có thể đáp ứng nhu cầu của khối lượng lớn khán giả”, ông Hải phân tích.
Tuy nhiên, những phim vừa nhắc chỉ là 4 phim của các “đạo diễn trăm tỷ”, còn những phim khác vẫn cần một thị trường ổn định, nếu không sẽ gặp phải tình cảnh chưa nổ đã xịt, lỗ nặng.
Nhìn vào thực trạng phim ra rạp tháng 4, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có phần lạc quan khi cho rằng, ít nhất ngay bây giờ Việt Nam có phim và khán giả vẫn có cơ hội đến rạp. Đây là tín hiệu rất tốt so với rất nhiều nơi khác trên thế giới.
Tính đến ngày 5/4, có 11 bộ phim Việt dự kiến ra mắt trong tháng 4 gồm: “Song song” (2/4), “Vô diện sát nhân” (9/4), “Lật mặt: 48h” và “Kiều” (16/4), “Rừng thế mạng” và “Dân chơi không sợ con rơi” (21/4), “Chìa khóa trăm tỷ” (23/4), “Bóng đè”, “1990”, “Thiên thần hộ mệnh” và “Trạng Tí” (30/4). Trong 12 phim kể trên, “Trạng Tí” và “Lật mặt: 48h” là hai trong bốn phim dự kiến ra rạp dịp Tết Nguyên đán vừa qua nhưng phải lùi lịch chiếu do dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh phí truyền thông.
Ngoài ra, hàng loạt bom tấn nước ngoài cũng chen chân vào cuộc đua khốc liệt này như: “Mortal Kombat: Cuộc chiến sinh tử” (9/4), “Bàn tay diệt quỷ” (9/4), “Người nhân bản” (15/4), “Josee: Khi nàng thơ yêu” (9/4), “Ấn quỷ” (9/4) và hai tác phẩm tranh giải tại Oscar 2021 là “Promising Young Woman” (2/4) và “Minari” (2/4).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận