Dự án điện ảnh Thang máy được công bố từ năm ngoái và dự kiến khởi chiếu vào dịp Halloween 2019. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm im ắng, nhà sản xuất mới ấn định lịch ra rạp vào ngày 30/10/2020. Phim có sự tham gia của các diễn viên gạo cội như Kiều Trinh, Xuân Hiệp và các gương mặt trẻ triển vọng Yu Dương, Mai Bích Trâm, Tống Yến Nhi, Trương Diệu Ngọc…
Phim điện ảnh quay 8 tuần, kinh phí 9 tỷ đồng
Thang máy là phim điện ảnh đầu tiên đánh dấu sự hợp tác của 3 đạo diễn nước ngoài: Đạo diễn - biên kịch Peter Mourougaya, đạo diễn hình ảnh (D.O.P) Dominic Pereira và chuyên gia hóa trang đặc biệt Bradley Greenwood.
Trong đó, kịch bản phim do chính Peter Mourougaya chấp bút và hoàn thiện trong gần 5 năm. Phim lấy cảm hứng từ một truyền thuyết đương đại của Hàn Quốc có tên The elevator game kết hợp với các sự kiện có thật, mang màu sắc bí ẩn xảy ra trong bối cảnh thang máy ở nhiều nơi trên thế giới.
Chuyện phim xoay quanh câu chuyện kỳ bí xảy ra với 3 cô gái trẻ khi đi thang máy một mình: Trang (Yu Dương), Ngọc (Mai Bích Trâm), Jina (Tống Yến Nhi).
Cả 3 là bạn thân học chung trường đại học và lần lượt 2 trong số 3 người bị mất tích một cách đầy bí ẩn khi livestream trong thang máy. Cô gái duy nhất còn lại đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, quyết định tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với 2 người bạn để giải cứu họ. Bối cảnh chính của phim tại một bệnh viện bỏ hoang vùng ven TP HCM.
Theo lời Peter Mourougaya, ban đầu phim dự tính quay bằng điện thoại thông minh như nhiều phim kinh dị Hollywood vẫn làm. Song, chất lượng phim và ánh sáng không đảm bảo nên đạo diễn đã quyết định đầu tư quay như phim điện ảnh thông thường.
Dominic Pereira cho biết, thông thường, một bộ phim được ghi hình trong khoảng 6 - 8 tuần, nhưng với số kinh phí ít ỏi, 9 tỷ đồng, Thang máy chỉ được quay trong vỏn vẹn trong 2 tuần. Vì vậy, ê-kíp đã phải làm việc hết công suất và tính toán tỉ mỉ để đảm bảo tiến độ, chất lượng của bộ phim.
Thời gian eo hẹp nhưng đạo diễn Peter đánh giá cao sự thể hiện của dàn diễn viên trẻ trước những yêu cầu khắt khe của mình.
“Tôi đã yêu cầu các diễn viên của mình phải lăn xả trên bùn, máu và thậm chí với cả những con cá sống tại bệnh viện, nơi có cơ sở vật chất tồi tàn, chỗ ở tạm bợ. Nhưng, tất cả đều làm việc rất chuyên nghiệp, kể cả khi họ rất sợ hãi khi phải quay trong không gian tối đen như mực”, vị đạo diễn nói.
Từng là đạo diễn hình ảnh của nhiều bộ phim trăm tỷ tại Việt Nam như: Dòng máu anh hùng, Để mai tính 1 và 2, Chàng vợ của em, Mắt biếc, nhưng đây lại là bộ phim kinh dị đầu tiên đối với Dominic Pereira. “Tôi đã tính toán rất kỹ lưỡng để đan xen ánh sáng và bóng tối trên từng khuôn mặt diễn viên. Tôi đặc biệt chú trọng vào các gam màu đỏ đậm, xanh lam và xanh lục để chạm tới tột cùng cảm giác rùng rợn, sợ hãi”, Dominic Pereira chia sẻ.
Trong khi đó người tạo hình nên nhân vật chính của bộ phim là “phù thủy hóa trang” Bradley Greenwood. Trước đó, anh từng tham gia thực hiện hiệu ứng đặc biệt cho 3 phần phim: Chúa tể của những chiếc nhẫn, Kong: Đảo Đầu lâu và Aquaman: Đế vương Atlantis… Với Thang máy, Bradley nói rằng anh lại chú trọng vào sự đơn giản trong việc tạo hình bởi: “Thang máy là một kiểu phim kinh dị khác, một thể loại khác và nhân vật phản diện rất có tính biểu tượng (iconic)”, Bradley nói.
Phim kinh dị hiếm hoi vượt “ải” kiểm duyệt
Đối với dòng phim kinh dị/hồi hộp, các tình tiết đáng sợ chính là yếu tố hấp dẫn, nếu thiếu hoặc bị cắt bớt sẽ giảm sự thu hút và giảm chất lượng của bộ phim. Khá nhiều phim kinh dị Việt đã chọn phương án an toàn trong cách kể chuyện (không khẳng định về thế giới tâm linh), chưa khai thác đến tận cùng chất kinh dị, khâu hóa trang, kỹ xảo và âm thanh còn yếu. Vì thế, nhiều khán giả đã không còn lòng tin vào dòng phim kinh dị “made in Viet Nam” cũng bởi vì “không còn gì để sợ”.
Cảnh quay đáng nhớ nhất với tôi là cảnh tôi một mình trong thang máy. Dù mọi người đều khẳng định thang sẽ đứng yên một tầng, nhưng khi tôi bấm nút theo kịch bản, thang máy bất ngờ mất điều khiển, không đưa xuống tầng có các thành viên ê-kíp đang chờ để quay. Tôi điếng người khi mọi thứ chỉ còn tôi và một sự yên lặng đáng sợ. Trong nỗi hoang mang, tôi bật khóc dù có người hỗ trợ đưa ra khỏi thang máy.
Nữ diễn viên Mai Bích Trâm
Tuy nhiên, Thang máy được Cục Điện ảnh thẩm định và phân loại gắn mác NC18 với nội dung chứa đựng yếu tố tâm linh về một thế giới khác. Phim hoàn toàn không bị cắt duyệt so với bản dựng của đạo diễn, giữ trọn vẹn 100% thời lượng phim cùng các cảnh quay rùng rợn nhất.
Tôi đã nghiên cứu rất nhiều các bộ phim kinh dị khác của Việt Nam để thực hiện bộ phim này. Tôi nghĩ sau cùng, bộ phim không chỉ dừng lại ở những cảnh đẫm máu hay ghê rợn mà nằm ở thông điệp về nỗi sợ hãi và cách chúng ta đối diện với nó. Chẳng hạn, như cách đối diện và vượt qua nỗi sợ hãi, hoang mang trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua”, đạo diễn Peter phân tích.
Một điều đặc biệt trong Thang máy là được lấy cảm hứng từ câu chuyện của Hàn Quốc, do ê-kíp người Mỹ cầm trịch và được thực hiện tại Việt Nam, do diễn viên Việt Nam thể hiện. Vì vậy, ngay từ khâu kịch bản, Peter Mourougaya đã tính toán để đưa bản sắc của con người Việt Nam lên phim.
“Mặc dù chuyện phim không được nhiều người Việt biết đến và không dễ để giải thích bằng ngôn ngữ hình ảnh nhưng tôi vẫn muốn sử dụng chất liệu của Việt Nam trong phim. Truyện Kiều là một trong những tác phẩm nổi tiếng của người Việt, xoay quanh câu chuyện về cuộc đời đau khổ của một người phụ nữ bất hạnh. Câu chuyện trong Thang máy cũng vậy. Nhân vật chính (Trang) là cô gái có nhan sắc và tương lai tươi sáng, rời Việt Nam đi du học nhưng bên trong cô luôn bị đeo bám bởi một ký ức bi thương, đau khổ”, Peter phân tích.
Bản sắc Việt Nam trong phim cũng được Bradley Greenwood tính toán trong cách hóa trang cho nhân vật. “Phù thủy hóa trang” cho biết, anh và đạo diễn Peter đã tạo nên một nhân vật mới mẻ, có nét đặc trưng văn hóa Việt Nam. “Tôi luôn cố gắng để làm sao chỉ cần nhân vật xuất hiện thoáng qua, khán giả đều có thể nhận ra đó là người Việt Nam”, Bradley nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận