Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi giữa tháng 5 và tháng 6của nhà chị Vân Anh (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) |
Tháng 6 đầu hè, nhiều hộ gia đình “sốc” khi nhận được hóa đơn tiền điện tăng gấp nhiều lần so với các tháng trước. Lại một lần nữa, câu chuyện về cách tính tiền điện đầy “bí ẩn” của ngành Điện lại dấy lên.
Giật mình với tiền điện
Dù dự tính tiền điện tháng 6 có thể tăng cao, nhưng cầm trên tay hoá đơn điện tháng 6/2015, chị Nguyễn Vân Anh (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) vẫn “choáng”: “Tháng 5 chỉ có 326kWh, trả 618.728 đồng; còn tháng 6 là 533kWh, 1.262.820 đồng. Cả nhà tôi đều đi vắng, điều hòa đặt trong phòng ngủ nên chỉ lúc đi ngủ mới bật điều hòa. Có mỗi một chiếc điều hòa, hôm nào nhiệt độ buổi tối trên 30 độ mới bật từ khoảng 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, mà phải trả thêm hơn 600 nghìn đồng tiền điện?”, chị Vân Anh thắc mắc.
Chị Thùy Linh (trú tại Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tháng 5, hóa đơn tiền điện nhà chị tăng từ hơn 500 nghìn đồng lên hơn 900 nghìn đồng, cộng thêm các loại phí dịch vụ, phí gửi xe, tiền nước, tính riêng trong tháng 5 vừa qua tiền điện nước và phí các loại của gia đình cũng lên tới hơn 1,7 triệu đồng. “Mùa đông thì dùng bình nóng lạnh, mùa hè thì dùng điều hòa, tôi nghĩ mức tiêu thụ điện cũng ngang nhau, nhưng chưa khi nào tiền điện lại cao như tháng này. Cả hai vợ chồng đều là công chức, sáng đi tối về nên cũng không biết công-tơ điện chốt khi nào”, chị Linh nói.
Chị Yên trú tại thôn Thượng, Thanh Liệt, Thanh Trì (Hà Nội) cũng bức xúc với hóa đơn tiền điện tháng 6 lên tới 8.985.757 đồng. Gia đình chị Yên có 7 phòng trọ cho sinh viên thuê, tháng 4 tiền điện mới 4 triệu đồng, nay đã “nhảy” lên hơn gấp đôi. “Sinh viên thì làm gì có điều hòa, cùng lắm thêm cái quạt điện nhỏ mà tiền điện tăng quá trời vậy?”, chị Yên than.
Theo chị Yên, chị đã hỏi các nhân viên thu tiền điện thì chỉ nhận được câu trả lời là họ chỉ biết đi thu, cách tính trong hóa đơn đã ghi rõ rồi. “Tôi không biết phải hỏi tiếp ở đâu về cái hóa đơn đột biến này?”, chị Yên hỏi.
Cần có “người thứ ba”
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, với mức tăng hóa đơn tiền điện tới 2-3, thậm chí 5 lần của nhiều hộ gia đình quả là quá sức tưởng tượng, kể cả đã tính tới lý do giá điện tăng 7,5% vừa qua.
“Nhiều năm nay, “nhà đèn” đều giải thích nắng nóng, lượng điện sử dụng nhiều và giá điện được tính lũy tiến nên tăng cao. Giải thích này chưa thuyết phục được người tiêu dùng”, ông Long nói.
“Tại các khu chung cư, khi chốt số điện hàng tháng nên có đại diện các hộ dân tham gia để tăng tính khách quan. Chứ ngành Điện cứ âm thầm làm thế này thì không biết có khách quan hay không, chúng tôi khi muốn đối chiếu hay thắc mắc cũng khó. Chỉ biết, mỗi tháng có hóa đơn báo về thì đóng tiền điện để không bị cắt thôi”. Chị Thùy Linh “Tôi chưa từng biết cái công-tơ điện nhà tôi đang chạy đến số nào, vì nó nằm cao chót vót trên cột. Chỉ biết hàng tháng nhân viên thu tiền điện đến đưa hóa đơn bao nhiêu thì phải đóng chừng đó, chậm trễ là bị cắt điện. Thế nên, nếu nhân viên có tăng chỉ số điện tháng này, giảm ở tháng kia cũng đành chịu”. Bà Nguyễn Thị Vân “Tôi cũng đã khuyên ngành Điện khi ghi chỉ số công-tơ nên để cho dân biết họ tiêu tốn từng này điện thì phải trả từng này tiền”. Ông Trần Viết Ngãi |
Theo ông Long, cách tính giá điện theo biểu lũy tiến hiện nay không phù hợp với logic kinh tế thị trường. Theo nguyên lý thông thường, càng mua nhiều càng rẻ, nhưng riêng điện, càng mua nhiều càng đắt. “Bất cập này bắt nguồn từ nguyên nhân nguồn cung không đủ cầu nên ở ta không khuyến khích sử dụng nhiều điện mà phải hạn chế. Do đó, anh càng dùng nhiều điện thì càng phải mua giá cao. Đây cũng là điều khác biệt so với nhiều nước”, ông Long cho hay.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia kinh tế này, cách tính giá điện, hóa đơn điện hiện nay của “nhà đèn” khá “bí ẩn”, người dân không thể nào biết được. “Ngay chính nhân viên ngành Điện còn không giải thích được thỏa đáng cho dân, thì thử hỏi với công thức tính giá điện người dân bình thường có hiểu được không?!”, ông Long nêu vấn đề.
“Ngành Điện hiện nay đã có sự công khai nhưng vẫn chưa minh bạch. Năm nào cơ quan kiểm toán cũng kiểm tra phát hiện không ít sai phạm của “nhà đèn”, kể cả về tính toán giá thành, giá điện nhưng sau đó, người dân không được biết các sai phạm này được khắc phục như thế nào, cụ thể ra sao. Đề nghị thanh tra nên vào cuộc làm rõ nghi vấn có sai sót, khuất tất như một số người dân đề cập hay không”, ông Long đề nghị.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhìn nhận, sự tranh cãi về tiền điện hiện nay đang chỉ có một bên bán với một bên mua. Do đó, để minh bạch, rõ ràng phải có “một người thứ ba công tâm” vào cuộc là các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán làm trọng tài. “Hiện nay, Bộ Công thương đứng ra làm trọng tài không thể khiến dư luận đồng thuận, bởi Bộ này vẫn là cơ quan quản lý ngành Điện”, ông Thắng nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cần có cơ quan điều chỉnh, giám sát độc lập hành vi độc quyền của EVN, từ đó mới tránh khỏi nghi vấn EVN tùy tiện “hét” giá, mới tránh được chuyện người dân bức xúc khi hóa đơn điện tăng cao chót vót.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận