Đường sắt đô thị

4 ga ngầm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đang thi công thế nào?

02/11/2023, 18:16

Toàn bộ 4 ga ngầm từ S9 - S12 tại dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành thi công tường vây, bản đỉnh hộp ga chính.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, các đơn vị nhà thầu đang nỗ lực thi công ngày đêm để đảm bảo tiến độ đoạn ngầm.

Hiện toàn bộ 4 ga ngầm từ S9 - S12 tại dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành thi công tường vây, bản đỉnh hộp ga chính.

4 ga ngầm tuyến Metro - Nhổn ga Hà Nội tiến độ đang tới đâu? - Ảnh 1.

4 ga ngầm dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đang được nhà thầu thi công dưới lòng đất. Ảnh: Tạ Hải.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, bản đỉnh hộp là thân ga nằm dưới ngầm. Bản đỉnh chính là bản trên cùng (nóc nhà). Bản trung chuyển là bản tầng - 2, - 3 là tầng chạy tàu, ngược so với nhà trên mặt đất.

Riêng ga S9 - Kim Mã, hoàn thành thêm bản trung chuyển và một phần của bản đáy. Tại ga S12 - Ga Hà Nội, đã hoàn thành thi công tường vây, bản đỉnh và hoàn trả đường nửa phía Bắc ga S12.

Dự án còn đang hoàn thiện hoàn trả hè để chuyển hướng thi công sang nửa phía Nam đoạn từ cổng Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô đến Ngã 3 Trần Bình Trọng - Trần Hưng Đạo.

Giám đốc dự án gói thầu CP03 Park Young Ill thông tin, có 7 tòa nhà cần tháo dỡ để robot đào hầm có thể đi qua bên dưới. Một trong những khó khăn nữa là việc xử lý nền đất khá phức tạp và kéo dài nên chủ đầu tư cần bàn giao sớm mặt bằng để thực hiện.

"Toàn bộ tuyến hầm của dự án dài khoảng 4km, riêng đoạn từ ga S9 - S10 là 1,4km. Theo tiến độ đề ra, đầu năm 2024 robot đào hầm sẽ bắt đầu khởi động. Muốn robot hoạt động được, bắt đầu đào từ ga S9 đến ga S10, dứt khoát phải có bản đáy của ga S10. Nhà thầu đang nỗ lực hết sức để có thể đẩy nhanh tiến độ" - ông Park Young Ill nói.

Giám đốc dự án gói thầu CP03 Park Young Ill chia sẻ thêm, trên thực tế đoạn ngầm của Dự án được khởi công vào năm 2017, nhưng nhà thầu không tiếp nhận được mặt bằng một cách hoàn toàn. Chính vì thế mà từ năm 2021 - tháng 10/2022 nhà thầu phải tạm dừng hoạt động.

"Hiện nay nhà thầu đã quay trở lại thi công, nhưng sẽ cần khoảng 6 tháng để huy động đầy đủ nguồn lực, tái khởi động bộ máy. Và dù có như vậy nhà thầu cũng sẽ vẫn gặp khó khăn nếu mặt bằng không được bàn giao đầy đủ", ông Park Young Ill nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, việc xây dựng ĐSĐT chạy ngầm ở trong khu vực nội đô lịch sử, gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, mà một trong những nguyên nhân chính là khó khăn trong GPMB.

"Chúng ta không thể biết được rằng ở dưới mặt bằng công trường sẽ vướng gì. Khi đào hầm mới thấy nhiều loại hạng mục đi ngầm như: điện, nước, cáp thông tin… Để tìm được đơn vị quản lý các hạng mục này, đề nghị họ di dời cũng vướng nhiều thủ tục, dẫn đến kéo dài", ông Lê Trung Hiếu nói.

Mặt khác, trước đây khi lập tổng mức đầu tư chưa đúng với tình hình thực tiễn, đến nay phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, theo các quy định như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… thì thủ tục điều chỉnh phải qua rất nhiều cơ quan T.Ư xem xét, mất không ít thời gian.

Ngoài ra đơn giá, định mức đặc thù của ĐSĐT cũng chưa được ban hành. Hiện nay, chủ đầu tư phải sử dụng đơn giá phê duyệt tạm để thanh toán cho nhà thầu, nhằm duy trì thi công trên công trường.

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT đề nghị chính quyền các quận huyện cần phối hợp chặt chẽ với Ban trong GPMB, quản lý mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công. 

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Hà Nội dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2023 và đoạn ngầm vào cuối năm 2027.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.