4 tổ công tác của Bộ GTVT ở phía Nam sau 4 ngày đã kiểm tra gần khắp 106 chốt vận tải trọng yếu do Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý và các cảng biển, cảng sông do Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam đảm nhiệm.
Những xe chở hàng hoá có dán thẻ QR “luồng xanh” quốc gia được ưu tiên qua các chốt kiểm soát cầu Đồng Nai mà không phải kiểm tra. Ảnh: Đặng Đại
Mở đường cho hàng hóa lưu thông nhanh chóng
So với ngày đầu 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đến 22/7, với các công văn hướng dẫn mới của Bộ Y tế, chỉ đạo cấp mã QR cho xe vận tải của Bộ GTVT và sự nỗ lực của các địa phương gần như toàn bộ hàng hóa trên đường bộ không còn gặp ách tắc nào.
Ở khu vực miền Đông Nam bộ, tổ công tác số 1 và 2 đã giải quyết tức thời những ách tắc về lưu thông hàng hóa trong ngày đầu 19/7.
Tại cửa ngõ cầu Đồng Nai (TP.HCM - Đồng Nai), trong khi ngày 19/7 lực lượng tại chốt kiểm soát Covid-19 còn kiểm tra tất cả xe cộ chở hàng hóa qua lại, có khi gây ách tắc cục bộ thì ngay ngày hôm sau đã áp dụng mô hình “luồng xanh” do Bộ GTVT tổ chức.
Theo đó, những xe chở hàng hóa có dán thẻ QR code được đi luồng riêng. Tài xế và những người trên xe đều có giấy xét nghiệm y tế còn hiệu lực. Nhờ đó lượng xe cộ, hàng hóa lưu thông thông suốt.
Tại chốt kiểm soát Covid-19 trên QL20 (Lâm Đồng - Đồng Nai), khi tổ công tác số 2 giám sát tại đây đã phát hiện tình thế lúng túng của đội kiểm soát trong thủ tục kiểm tra, làm hàng trăm xe chở hàng hóa ùn ứ 5-6 giờ. Cùng với đó là hàng trăm tài xế tụ tập làm xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Cụ thể, ngoài việc tài xế và những người đi cùng phải khai báo y tế, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì phải điền thêm thông tin về lịch trình di chuyển do Sở GTVT Lâm Đồng quy định.
Mất nhiều giờ tại chốt này, một tài xế bức xúc: “Tôi có mặt ở đây từ 5- 6h sáng, xe nhích từng chút một từ dưới chân dốc. Khi xe đến chốt kiểm soát thì phải ghi nhiều loại giấy mất rất nhiều thời gian, lại tụ tập như vậy rất dễ lây nhiễm”.
Ngoài việc khai báo qua App y tế, các tài xế phải ghi thêm một tờ khai lịch trình di chuyển, rồi lại điền thông tin từ tờ khai vào các mục trong App. Sau khi cán bộ thanh tra của Sở GTVT kiểm tra trùng khớp thông tin, tài xế mới được trình giấy xét nghiệm y tế và giấy tờ tùy thân để qua trạm.
Lập tức, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, Tổ trưởng Tổ Giám sát số 2 của Bộ GTVT đã liên lạc, trao đổi với phía Sở GTVT Lâm Đồng để có phương án phù hợp.
Ngay sau khi nhận được kiến nghị của tổ kiểm tra, Sở GTVT Lâm Đồng đã chỉ đạo trạm bỏ yêu cầu lái xe thực hiện kê khai lịch trình di chuyển, chỉ kiểm tra giấy xét nghiệm và khai báo y tế theo quy định. Nhờ đó, tình trạng ùn ứ được giải quyết ngay sau đó.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho biết, những ngày đầu còn lúng túng nhưng sau đó đã tổ chức giám sát phòng chống dịch và tổ chức lưu thông thông suốt.
Trong khi chưa có thẻ QR code luồng xanh quốc gia thì Sở đã liên hệ nhờ Sở GTVT TP.HCM “chi viện”, hỗ trợ cấp 244 thẻ cho những xe chở hàng hóa thiết yếu của tỉnh đi vào các địa phương khác.
Đây cũng được coi là sự phối hợp liên tỉnh rất tốt của các địa phương để giải quyết tình thế. Đến nay, xe cộ chở hàng hóa qua 19 tỉnh, thành phía Nam không còn gặp bất cứ ách tắc nào.
Cảng biển, cảng sông vừa chống dịch, vừa khai thác
Tại Cảng Khánh Hội (TP HCM), chiều 22/7 có 7 tàu hàng đang làm hàng phân bón. Ông Hồ Quyết Tiến, Giám đốc Cảng cho biết, để bảo đảm phòng chống dịch, cảng đã giảm lượng công nhân đang làm việc xuống, do đó năng suất khai thác cảng cũng giảm theo.
“Chúng tôi buộc phải giảm năng suất vì chống dịch phải là mục tiêu hàng đầu. Bởi chỉ cần sơ sảy có ca nhiễm Covid-19 thì toàn cảng phải đóng cửa. Lúc đó thiệt hại càng lớn hơn”, ông Tiến nói.
Tại cảng này phân chia luồng xe ra, vào riêng biệt. Tài xế ra/vào cảng phải tuân thủ quy trình kiểm soát và khai báo y tế, đo thân nhiệt, có giấy xét nghiệm còn hiệu lực.
Ngoài ra, toàn bộ cán bộ, nhân viên cảng thực hiện làm việc “3 tại chỗ”: làm việc, ăn ở, nghỉ ngơi tại cảng để bảo đảm sản xuất. Công nhân nghiêm ngặt thực hiện 5K và không được đi lại nơi không có phận sự.
Hạn chế tuyệt đối sự tiếp xúc của công nhân với thuyền viên, lái xe, định kỳ 5 ngày sẽ xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ người lao động.
Ở các cảng SOWATCO Long Bình (TP HCM), Tân Cảng, CMIT (Bà Rịa - Vũng Tàu) việc tổ chức vừa sản xuất vừa chống dịch cũng tương tự. 100% công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, 5K, tầm soát y tế 5 ngày 1 lần; xe ra vào làm hàng có luồng riêng…
Đặc biệt, tại 19 tỉnh, thành phía Nam, lần đầu tiên xuất hiện mô hình “luồng xanh trên sông” do đội tàu của Công ty Tàu cao tốc Greenlines DP thực hiện. Đây là đội tàu cao tốc cao cấp chở khách.
Trong điều dịch bệnh và những ngày đầu đường bộ chưa thông thoáng, TP.HCM có cục bộ khan hiếm rau củ quả, lãnh đạo Greenlines DP đã đề xuất được cải hoán tàu để thành tàu chở hàng, “chia lửa” cho đường bộ.
Trong 4 ngày từ 19/7 - 22/7, đã có 4 chuyến tàu từ TP.HCM đi Bến Tre, Tiền Giang, Long An chở rau củ quả về TP.HCM phục vụ cho bà con. Toàn bộ chi phí vận chuyển do Greenlines tự chi trả. Ông Trần Song Hải, giám đốc công ty bày tỏ: “Chúng tôi coi đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.
Trong những ngày tới, 5 chiếc tàu của công ty sẽ chở thêm 40 tấn hàng hóa từ miền Tây về phục vụ cho TP.HCM. Theo ông Hải, không chỉ là chi viện cho đường bộ hay giúp cung ứng thực phẩm cho TP.HCM mà việc này còn là giúp bà con miền Tây tiêu thụ rau củ, trái cây đang đến vụ thu hoạch.
Vẫn còn những hạn chế cần giải quyết
Giải pháp “luồng xanh” quốc gia đã giải quyết rất nhanh chóng và rốt ráo tình hình vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân ở vùng dịch, không để ách tắc hoặc khan hiếm hàng hóa, góp phần ổn định tình hình xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ để phát huy tốt hơn hiệu quả “luồng xanh”.
Lãnh đạo 4 tổ công tác của Bộ GTVT về kiểm soát, phòng chống dịch và vận tải hàng hóa cho rằng, vẫn còn tình trạng mỗi địa phương áp dụng một kiểu kiểm soát phòng chống dịch khác nhau. Điều này gây phiền toái cho doanh nghiệp và tài xế, làm chậm dòng lưu thông và tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Đơn cử đó là tình trạng kiểm tra giấy xét nghiệm y tế. Trong khi Đồng Nai, Cần Thơ không còn kiểm tra xét nghiệm y tế của tài xế có gắn thẻ “luồng xanh” QR code thì nhiều địa phương vẫn kiểm soát rất chặt.
Một CSGT ở chốt QL51 Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ: “Nếu không kiểm soát chặt, để lọt ca Covid-19 vào tỉnh và khi truy vết chính chúng tôi phải chịu trách nhiệm”.
Vị CSGT này đề xuất: “Cần thống nhất quy trình kiểm tra, kiểm soát, chứ mỗi nơi làm một kiểu thì trước hết lực lượng đứng chốt chúng tôi và tài xế là người khổ nhất”. Chưa nói việc kiểm tra y tế còn thực hiện bằng kiểm tra giấy, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho lực lượng trực chốt.
Cũng liên quan đến giấy xét nghiệm y tế, các doanh nghiệp và tài xế than phiền về hiệu lực 72 giờ và cho rằng, khoảng thời gian đó quá ngắn cho tài xế lái xe đường dài, chưa nói chi phí quá đắt đỏ (trên 230.000 đồng/lần xét nghiệm, tùy địa phương và tùy kỹ thuật xét nghiệm). Mặt khác, xét nghiệm ở các chốt cho thấy tài xế tụm lại san sát. Điều này rất cần được cải thiện.
Không kiểm tra giấy xét nghiệm lái xe chở hàng
Ngày 22/7, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho biết, ngày 19/7/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5753 về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hoá.
Tuy nhiên theo phản ánh từ người vận chuyển hàng hóa, hiện nay còn một số địa phương chưa thực hiện đúng và đầy đủ những hướng dẫn tại Công văn nêu trên.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các lực lượng tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 và trên các tuyến giao thông, thực hiện nghiêm Công văn số 5753, không kiểm tra Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá khi lưu thông giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang cùng thực hiện Chỉ thị số 16 gồm TP HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch.
Không thực hiện kiểm tra phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên tất cả các tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hoá có giấy nhận diện phương tiện theo thời hạn do Sở GTVT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Chỉ thực hiện kiểm tra (thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến) đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận