Trong khi đó, cơ quan chức năng khẳng định việc điều chỉnh này không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng.
Hàng loạt dự án thu không đủ chi
Sáng 25/12, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, Nghệ An đã có thông báo (lần thứ 3) về việc điều chỉnh giá vé tại Trạm Thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2. Dự kiến kể từ 0h ngày 29/12, giá vé các phương tiện đi qua các trạm sẽ được điều chỉnh.
Trong đó, xe dưới 12 ghế ngồi; xe có tải trọng dưới 2 tấn, giá vé lượt tăng từ 39.000 lên 47.000 đồng. Xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giá vé lượt tăng từ 54.000 lên 64.000 đồng. Cao nhất, xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet giá vé lượt tăng từ 177.000 lên 200.000 đồng. Cùng với vé lượt, vé tháng và vé quý cũng có mức tăng lên so với giá cũ.
Trên địa bàn Nghệ An còn có trạm BOT Hoàng Mai (trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT mở rộng quốc lộ 1A) đoạn Km 368+400 (Nghi Sơn, Thanh Hóa) đến Km402+330 (Cầu Giát, Nghệ An) được tăng phí.
Đại diện BOT Hoàng Mai cho biết, để nâng cao chất lượng phục vụ, vừa qua đơn vị đã tiến hành sơn lại toàn bộ vạch kẻ đường, dải phân cách cứng, hàng rào; sửa sang lại hệ thống hạ tầng của trạm thu phí...
Trước đó, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT. Dự kiến từ 0h ngày 29/12, sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá vé tại 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí.
Theo ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI), đây là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi nhiều năm chưa được tăng giá theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã nhiều lần đề nghị được tăng giá vé sử dụng đường bộ đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 theo hợp đồng nhưng đến nay chưa được thực hiện. Doanh thu cả hai tuyến chỉ đạt 60% theo phương án tài chính khiến VIDIFI phát sinh khoản nợ lãi phải trả hàng nghìn tỷ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư 194 - đơn vị sở hữu dự án BOT quốc lộ 1 đoạn Cam Ranh, Khánh Hòa cho biết, theo hợp đồng dự án chu kỳ 3 năm sẽ được tăng giá một lần, tuy nhiên từ năm 2016 việc này vẫn chưa được thực hiện, doanh thu dự án chỉ đạt hơn 60% phương án tài chính.
Trên địa bàn Bình Định có 2 trạm thu phí sẽ tăng giá sau ngày 29/12 là trạm BOT Nam Bình Định và trạm BOT Bắc Bình Định. Ông Nguyễn Văn Phồn, đại diện Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định (trạm thu phí Nam Bình Định) chia sẻ, chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm) theo quy định. Đơn vị đã giảm giá vé 1 lần và sau 7 năm, lần đầu tiên được điều chỉnh tăng.
"Giá vé được điều chỉnh tăng lên lần này bằng với giá đơn vị thu thời điểm chưa giảm giá, nghĩa là bằng thời điểm thành lập. Do đó, theo phương án tài chính, hoạt động duy tu bảo dưỡng vẫn tiến hành bình thường như mọi năm, khoảng 5 tỷ đồng", ông Phồn cho hay.
Công ty CP BOT Bắc Bình Định cũng cho biết, công tác duy tu, bảo dưỡng vẫn được tiến hành bình thường, không đầu tư thêm cho hạ tầng sau khi tăng giá vé qua trạm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Viết, Giám đốc Công ty TNHH 2TV BOT quốc lộ 1A Cienco4 - TCT319 cho biết, theo phương án tài chính, đúng ra dự án được tăng 18% song do quy định về trần mức giá, đợt này chỉ tăng 14,57%.
Lãnh đạo Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết, từ ngày 29/12 tới, đơn vị sẽ tăng giá vé qua trạm thu phí BOT cầu Phù Đổng, trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Mức tăng từ 5 - 8 nghìn đồng/lượt, tùy loại xe, trung bình mức tăng là 8%. Hiện giá vé qua trạm dao động từ 40 đến hơn 80 nghìn đồng/xe/lượt, tùy loại xe. "Đây là mức tăng thấp vì theo lộ trình là 3 năm tăng một lần, mức tăng phải là 15%", vị này cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Chi nhánh BOT 319 - Sông Phan (đơn vị quản lý trạm BOT quốc lộ 1, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho biết, từ ngày tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, lưu lượng xe qua trạm giảm 85%. Phương án tài chính bị phá vỡ, nhà đầu tư lỗ nặng.
Theo ông Quang, trên thực tế không riêng trạm BOT Sông Phan, nhiều trạm BOT hiện hữu trên quốc lộ 1 phương án tài chính không đạt kỳ vọng theo dự kiến ban đầu.
Doanh nghiệp vận tải nói gì?
Đón nhận thông tin về tăng giá tại 41 dự án BOT, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Trường Thịnh (tỉnh Bình Định) chia sẻ, việc này có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. "Sau ngày 29/12, đơn vị sẽ tính toán lại. Hiện nay giá xăng dầu tạm thời đang xuống nên chưa đến mức phải tăng giá vé", ông Thảo nói.
Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty TNHH Văn Minh cho biết, công ty có 33 xe khách các loại chuyên chạy tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh – Hà Nội và ngược lại. Theo ông Văn, việc tăng phí BOT chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tăng giá cước cũng rất khó, bởi doanh nghiệp không phải muốn tăng là được, vì còn phải cạnh tranh.
Chia sẻ với các nhà đầu tư BOT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, theo lộ trình là 3 năm, nhưng 6 - 7 năm trở lại đây đa số các dự án BOT đều không được tăng giá.
"Việc Nhà nước phải xem xét để điều chỉnh mức thu theo hợp đồng BOT và phương án tài chính của nhà đầu tư là cần thiết. Nếu không các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến chủ trương chung của Chính phủ về thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông", ông Quyền nói.
Ông Quyền cũng cho hay, Hiệp hội ủng hộ việc tăng giá. Việc này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, nhưng thời điểm này cũng phù hợp vì giá xăng dầu cũng vừa giảm, chưa thấy có doanh nghiệp nào có ý kiến gì.
Ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Quảng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Quảng Ninh cho biết, ngay sau khi có chủ trương điều chỉnh giá qua 41 dự án BOT, Hiệp hội đã thông báo tới tất cả các đơn vị thành viên, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận.
Tác động không đáng kể tới CPI
Nằm trong số các dự án BOT được phép tăng giá tới đây, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, từ năm 2017 theo kêu gọi của Chính phủ để giảm lạm phát, dự án đã giảm 25% mức phí và từ đó đến nay chưa tăng lần nào. Dự kiến lần này, dự án tăng khoảng 18% (mức tối đa theo lộ trình tăng giá 3 năm/lần).
Về ý kiến việc tăng giá này có hợp lý hay không, ông Oánh cho rằng phải dựa trên nền tảng pháp lý là hợp đồng. Nếu tăng thì chắc chắn doanh nghiệp vận tải và người tham gia giao thông sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng chiều ngược lại, nếu không tăng thì các nhà đầu tư BOT và các ngân hàng cho vay đều bị ảnh hưởng.
"Đa số các dự án BOT tăng giá vé lần này doanh thu đều không đạt phương án tài chính. Nếu kéo dài mãi ngân hàng và nhà đầu tư BOT sẽ lao đao vì không thể hoàn vốn. Khi xây dựng phương án tài chính để đầu tư, thì 3 năm phải tăng giá một lần, doanh nghiệp dự án mới đủ trả lãi ngân hàng. Nên người dân, doanh nghiệp vận tải cần có sự chia sẻ với nhà đầu tư", ông Oánh cho hay.
Lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay, với phương án tăng giá sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng khoảng 0,2 - 1,4%. Việc điều chỉnh này dự kiến sẽ tác động không đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Đối với doanh nghiệp đầu tư dự án BOT, Cục Đường bộ VN cho biết, với lưu lượng giao thông cập nhật, trong trường hợp không điều chỉnh giá, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, chỉ có 16 dự án có mức doanh thu đạt trên 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.
Với việc điều chỉnh giá lần này, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, có 26 dự án có mức đạt trên 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nhận định, việc tăng giá sử dụng cầu đường tác động lên CPI không đáng kể.
Ông tính toán, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT tăng 0,2 - 1,4%, tương đương với mức tăng CPI ngưỡng 0,002 - 0,014%. Đây là mức tăng nhỏ, không ảnh hưởng đến rổ chi phí hàng hóa.
Doanh thu trạm thu phí được kiểm soát chặt chẽ
Ông Đinh Cao Thắng, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường bộ VN cho biết, thời gian qua, việc kiểm soát doanh thu các dự án BOT được Cục Đường bộ VN thực hiện chặt chẽ. Chính nhờ theo dõi, kiểm soát doanh thu các dự án hàng năm mới có cơ sở biết được các dự án đang bị sụt giảm doanh thu, đạt 50 - 70% theo phương án tài chính và cần tăng giá vé theo hợp đồng. Dù tăng hay không tăng giá vé thì doanh thu dự án BOT và lợi nhuận của nhà đầu tư cũng được theo dõi chặt chẽ bằng nhiều giải pháp khác nhau, đảm bảo không bị thất thoát.
Vé tháng đã mua vẫn áp dụng giá cũ khi xe qua trạm
Theo lãnh đạo các đơn vị quản lý trạm BOT, việc điều chỉnh giá lần này không gây xáo trộn trong hoạt động bán vé, thu phí. Riêng đối với các phương tiện đã được mua vé tháng, vé quý thì vẫn tiếp tục sử dụng theo mệnh giá đã mua cho đến khi hết thời hiệu của vé. Còn vé mua mới sau thời điểm tăng giá sẽ phải tính theo giá mới.
Nhiều năm chưa điều chỉnh
Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, Cục Đường bộ VN cho biết, các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).
Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019 - 2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Để có giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị và có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận