Luật PPP được ban hành từ năm 2020 nhưng chưa đi vào cuộc sống do nhiều vướng mắc. Một trong những lý do là nhà đầu tư luôn ở trong thế không bình đẳng, dù là đối tác trong mối quan hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc can thiệp vào lộ trình tăng giá qua trạm BOT đã được cam kết trong hợp đồng ít nhiều gây mất niềm tin đối với các ngân hàng cung cấp tín dụng.
Cách đây 10-15 năm, khi nguồn lực có hạn, Bộ GTVT đã tạo mọi điều kiện để mời gọi doanh nghiệp tham gia các dự án BOT đầu tư hạ tầng giao thông. Đến khi kinh tế xã hội phát triển, Chính phủ tiếp tục đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối nên nhiều dự án cũ bị ảnh hưởng.
Rất nhiều dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của Nhà nước mà do kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu thực tiễn phát sinh, phải mở thêm các tuyến đường mới.
Hiện nay, Bộ GTVT quản lý 54 dự án BOT. Năm 2022, chỉ có 7 dự án đạt doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%.
Đa số dự án BOT khai thác từ trước năm 2016. Nhiều dự án có doanh thu không đạt theo phương án tài chính do lưu lượng ô tô thấp.
Trong khi đó doanh nghiệp BOT được chỉ đạo giảm giá vé cho phương tiện gần trạm thu phí và giảm giá cho xe tải từ 10 tấn trở lên, xe container, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết năm 2016.
Trong 7 năm qua, các doanh nghiệp chưa được tăng giá dù theo hợp đồng sau 3 năm sẽ điều chỉnh một lần.
Đầu tháng 12, Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh giá vé tại các dự án BOT theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách chủ xe trong diện miễn, giảm giá vé và hoàn tất thủ tục điều chỉnh, thông báo công khai.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, việc cho phép tăng giá các dự án BOT là động thái của cơ quan có thẩm quyền thực hiện cam kết với các nhà đầu tư BOT về lộ trình tăng phí theo hợp đồng dự án.
Việc tăng giá vé sẽ hỗ trợ rất lớn cho nhà đầu tư. Nhờ đó, phương án tài chính dự án không tiếp tục bị thâm hụt nghiêm trọng, giúp giảm sức ép cho họ trước đơn vị cung cấp tín dụng là các ngân hàng. Cùng đó cũng giúp dần hình thành tính bình đẳng giữa cơ quan quản lý Nhà nước với nhà đầu tư trong hợp tác đối tác công - tư.
Cân bằng lợi ích giữa 3 bên là nhà đầu tư, Nhà nước và người tham gia giao thông là bài toán vô cùng khó giải trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Từ khi ban hành Luật PPP (năm 2020) đến nay, chúng ta chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án hạ tầng theo hình thức này. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông rất lớn.
Nguyên nhân là do một số dự án thua lỗ thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Bởi thế, việc Chính phủ đề ra giải pháp thu hút vốn đầu tư PPP trong thời gian tới, thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải tạo lòng tin, sự bình đẳng với các nhà đầu tư. Việc điều chỉnh cơ chế, chính sách kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp là điều không thể không làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận