Nhiều cây cầu nối Đồng Nai và TP.HCM
Đồng Nai và TP.HCM là hai địa phương cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, giao thông kết nối qua lại lâu nay chủ yếu chỉ thông qua QL1A, QL1K, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, phà Cát Lái…
Thời gian qua, TP.HCM và Đồng Nai đã thống nhất triển khai xây dựng nhiều cây cầu nối hai địa phương. Đó bao gồm cầu Phước Khánh, cầu Nhơn Trạch, cầu Cát Lái và mới đây còn bổ sung thêm cầu Phú Mỹ 2 và cầu Đồng Nai 2.
Trong đó, cầu Phước Khánh đã được khởi công từ năm 2015 nằm trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành nối Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cầu này dài 3,1km, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Cầu được thiết kế là cầu dây văng, tĩnh không 55m và rộng gần 22m với bốn làn xe, trong giai đoạn một cho xe chạy vận tốc 80km/h và giai đoạn hoàn chỉnh là 100km/h. Cầu dự kiến hoàn thành thông xe năm 2025 cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành, giúp giao thông các tỉnh miền Tây và vùng Đông Nam Bộ được kết nối, không cần xuyên qua TP.HCM.
Khi đi vào khai thác, cầu cùng với đường sẽ kết nối với các cao tốc, quốc lộ khác cũng như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi lại.
Tương tự, cầu Nhơn Trạch nằm trên trục đường Vành đai 3, nối thành phố Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch được khởi công tháng 9/2022. Theo thiết kế, cầu dài hơn 2,6km, rộng 19,5m cho 6 làn xe, tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng. Cầu có tĩnh không cao 30,5m, thiết kế khoang thông thuyền 110m, đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới.
Cầu Nhơn Trạch đang được đẩy nhanh tiến độ, thi công 3 ca, 4 kíp liên tục, các trụ cầu dần hình thành, nối dài bắc qua sông. Sau khi hoàn thành, cầu Nhơn Trạch sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân TP.HCM và Đồng Nai qua lại.
Cầu dự kiến thông xe năm 2025, sẽ rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, giảm áp lực cho QL1A và các đường nội ô TP.HCM.
Riêng cầu Cát Lái là cây cầu được người dân và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong chờ nhất, rục rịch triển khai rất nhiều lần nhưng đến nay còn nằm ở giai đoạn bàn bạc.
Dự án cầu Cát Lái được Thủ tướng chấp thuận và đưa vào quy hoạch năm 2017, dự kiến dài 4,5km với 8 làn xe, bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy đi theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông hướng về tỉnh lộ 25B ở huyện Nhơn Trạch. Đây là dự án được kỳ vọng để đưa huyện Nhơn Trạch phát triển xứng tầm khi kết nối với TP.HCM.
Ngoài các cây cầu trên thì cầu Phú Mỹ 2 cũng được bổ sung vào quy hoạch. Cầu Phú Mỹ 2 có quy mô 6 làn xe, kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch. Cầu có hướng tuyến từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt với 6 làn xe và kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7) và nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ.
Còn cầu Đồng Nai 2 cũng được bổ sung vào quy hoạch, nối huyện Long Thành với thành phố Thủ Đức, quy mô 6 làn xe, đầu tư giai đoạn 2026-2030. Điểm đầu của cầu được dự kiến nối Vành đai 3 tại nút giao Gò Công - đường nhánh từ tuyến vành đai ra xa lộ Hà Nội (phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức). Điểm cuối nối đường ĐT 777B (xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai).
Đồng Nai mong khởi động sớm cầu Cát Lái
Tại hội nghị liên kết vùng diễn ra vào ngày 15/3 vừa qua, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, cầu Cát Lái sẽ được ưu tiên triển khai trước cầu Phú Mỹ 2 và cầu Đồng Nai 2.
Dự kiến, cầu Cát Lái sẽ được triển khai từ nay đến năm 2030. Các cây cầu còn lại sẽ triển khai sau năm 2030.
TP.HCM cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất hướng tuyến cầu Cát Lái theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng, với quy mô đầu tư 6 làn xe. Thời gian đầu tư xây dựng sau khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 - TP.HCM hoàn thành đưa vào khai thác.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẵn sàng phối hợp cùng Đồng Nai làm cầu thay phà Cát Lái. TP.HCM đang nỗ lực cùng các tỉnh Đông Nam Bộ và các bộ ngành làm quy hoạch đồng bộ, kết nối hạ tầng giao thông trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai để phát huy lợi thế của các địa phương ven sông cũng như trong vùng.
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị TP.HCM sớm thống nhất cùng Đồng Nai nghiên cứu, bố trí vốn các dự án cầu trong giai đoạn 2025-2030, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu thay phà Cát Lái trong năm 2024, để kịp thời triển khai khởi công xây dựng cầu vào năm 2025.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc xây cầu thay phà Cát Lái sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT và theo quyết định đã ký. Cầu Cát Lái là dự án nhóm A, thuộc công trình cấp đặc biệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận