Ngày 6/9, Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan cho biết: “Giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao có nghĩa doanh thu hiện tại của Nga cao hơn những năm trước dù năm nay giảm sản lượng xuất khẩu”.
Giá khí tự nhiên đã tăng tới mức kỷ lục tại châu Âu sau khi Nga giảm dần nguồn cung sang châu lục này với lý do trục trặc kỹ thuật liên quan tới các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow. Giá dầu thô cũng tăng lên sau khi chiến sự xảy ra tại Ukraine dù hiện nay đã giảm.
Ảnh minh họa. Ảnh - Getty
Theo số liệu của CREA, kể từ ngày 24/2 - thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đã nhập khẩu lượng nhiên liệu hóa thạch trị giá 85,1 tỷ Euro từ Nga, theo sau là Trung Quốc với 34,9 tỷ Euro, Thổ Nhĩ Kỳ với 10,7 tỷ Euro.
Dù EU đã ngừng nhập khẩu than đá từ Nga nhưng khối này mới chỉ áp dụng lệnh cấm một phần đối với dầu mỏ Nga và chưa đưa ra hạn chế nhập khẩu khí tự nhiên từ Moscow - loại nhiên liệu mà EU phụ thuộc rất lớn vào Nga.
CREA đánh giá lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Nga của EU đã có hiệu quả khi lượng than đá xuất khẩu của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi chiến sự xảy ra. Tổ chức này nhận định Nga chưa tìm được đối tác thay thế nhu cầu than đá của EU.
Tuy nhiên, CREA kêu gọi EU áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn liên quan tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga.
“EU cần cấm việc sử dụng tàu thuộc sở hữu của quốc gia châu Âu và sử dụng cảng tại châu Âu để vận chuyển dầu mỏ Nga tới nước thứ ba. Trong khi đó, Anh cần cấm các công ty bảo hiểm tại Anh tham gia bảo hiểm cho hoạt động vận chuyển dầu mỏ Nga”, theo CREA.
Hôm 2/9, các quốc gia G7 thông báo sẽ thúc đẩy việc áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm làm giảm mạnh doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Trong nhiều tháng qua, Mỹ cũng kêu gọi thực hiện động thái trên, cho rằng việc phương Tây cấm một số sản phẩm năng lượng của Nga đã góp phần đẩy giá năng lượng lên cao.
Phương Tây đang áp nhiều biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện sự phản đối và hạn chế Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Còn Moscow tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch này tới khi nào đạt được các mục đích như "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa" Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận