Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trên cơ sở thống nhất ba lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Lực lượng này được bố trí ở thôn, tổ dân phố; do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn, giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này.
Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định...
Để tham gia lực lượng này, cần điều kiện là công dân từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi, có đủ sức khỏe, lý lịch rõ ràng, đang thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn.
Trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.
Người nộp đơn không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của tòa án thì phải được xóa án tích.
Về văn hóa, cần có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Còn đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Như vậy, đây là một trong những điểm đã chỉnh lý quy định trình độ văn hóa theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Về điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày trước khi Quốc hội thông qua, với việc hình thành tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.
Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đồng ý với nội dung Chính phủ giải trình.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận