Xã hội

8 giải pháp mới thu hút nhân tài

12/04/2021, 05:50

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

img

Bà Lê Minh Hương. Ảnh: VVT

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Nội dung này tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi tuyên thệ trước Quốc hội vào giữa tuần qua. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức, Bộ Nội vụ về dự thảo đề án “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”, hiện đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Đảm bảo tỷ lệ nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý

Từ lâu nay, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài được nhắc đến rất nhiều, song dường như vẫn chưa có cơ chế, chính sách nào thật sự mang tính đột phá được đưa ra. Việc xây dựng chiến lược quốc gia có phải để nhằm giải quyết vấn đề này?

Người xưa nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Bài học thành công của các nước phát triển trên thế giới, đều cho thấy họ dành sự quan tâm đặc biệt cho nguồn nhân lực tốt.

Về cơ chế trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức trẻ, thời gian qua đã có chuyển biến, song cần có đột phá thay đổi cơ chế. Nếu chúng ta không sớm có chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ dẫn đến hậu quả làm cho đất nước không theo kịp tốc độ phát triển của thế giới. Bởi, lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất.

Đảng ta cũng nhiều lần khẳng định đầu tư cho con người, xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, không thể thay thế và mãi trường tồn để phát triển đất nước hùng cường, tạo ra sức mạnh quốc gia.

Trọng tâm của dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” mà Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến là gì?

Dự thảo nêu rõ: Thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài của cấp ủy Đảng, chính quyền. Việc phát hiện, tiến cử nhân tài là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi cơ quan, tổ chức.

Thực hiện phương châm “Kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay” và phương châm “Bốn tốt” (Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt) trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.

Dự thảo quy định, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị.

Ưu tiên thực hiện với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; với cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; tập trung vào đối tượng cán bộ nguồn cấp chiến lược; chuyên gia, nhà quản lý giỏi; nhà khoa học đầu ngành, ưu tú, tiêu biểu; nhà khoa học trẻ tài năng, tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên, thanh niên và một số cá nhân có thành tích tiêu biểu, vượt trội.

Dự thảo đặt mục tiêu từ năm 2021 - 2025, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược này và tình hình thực tiễn.

Từ năm 2026 - 2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2 - 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10 - 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Không đặt quá nặng yếu tố vật chất

Như bà vừa nói, dự thảo có đề cập tới phương châm thực hiện 4 tốt “Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương đã có cơ chế, thậm chí sử dụng cơ chế “đặc thù”, “riêng biệt” để trọng dụng và thu hút nhân tài, nhưng rốt cuộc người tài vẫn ra đi?

Khi xây dựng chính sách đãi ngộ nhân tài, nhiều địa phương chưa chú ý đến sự phát triển không đều giữa các địa phương, một số nội dung chính sách chưa sát thực tiễn, dẫn đến khi thực hiện gặp khó khăn.

Nguyên nhân sâu xa do chúng ta chưa thực sự tôn trọng các quy luật khách quan, như quy luật tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, quy luật tiến trình tư tưởng phụ thuộc tiến trình vật chất… Và hệ quả là nếu đặt quá nặng vào yếu tố đãi ngộ vật chất, tính khả thi của chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài không cao.

Vậy, dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” có đưa ra giải pháp khắc phục bất cập đó không, thưa bà?

Bài học rút ra là chúng ta không xem nhẹ đãi ngộ vật chất mà phải tìm đến sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật chất và tinh thần.

Qua khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia thành công về chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người có tài năng ở các nước không quá đặt nặng vấn đề đãi ngộ vật chất.

Họ nhấn mạnh đến niềm vinh dự, tự hào được cống hiến cho đất nước, dân tộc và nhân loại. Và chính sách trọng dụng nhân tài của các nước cũng chú trọng đến việc trao tặng huân chương công trạng.

Trong dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”, có đưa ra các giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành chính sách pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài; Nâng cao nhận thức về nhân tài; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với tạo nguồn nhân tài; Tạo môi trường, điều kiện làm việc; Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách nhân tài; Hợp tác quốc tế để thực hiện Chiến lược; Giải pháp về kinh phí.

Không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng

img

Chiến lược quốc gia thu hút và sử dụng nhân tài sẽ thực hiện phương châm “Kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay” (Trong ảnh: Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội năm 2019)

Hiện, các quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trong khối cơ quan Nhà nước đang được thực hiện rất chặt chẽ, như bổ nhiệm cán bộ phải theo quy trình 5 bước. “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” có sự đột phá nào để dễ dàng thu hút, tuyển chọn và dành cho nhân tài những vị trí xứng đáng mà không có “xung đột” với những quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ?

Điểm nhấn quan trọng trong dự thảo Chiến lược là xác định thu hút, trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng. Điều đó có cội nguồn sâu xa từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, được kết tinh và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngay trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa VI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đổi mới quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Thực hiện chính sách đoàn kết, động viên, phát huy mọi lực lượng cán bộ, cả ở trong Đảng và ngoài Đảng; không hẹp hòi, định kiến về lý lịch và thành phần xuất thân”.

Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII đã cụ thể hóa hơn: “Xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.

Thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài của cấp ủy Đảng, chính quyền. Bộ Nội vụ có hướng dẫn, giải pháp gì để các địa phương làm tốt điều này, thưa bà?

Bộ Nội vụ đưa ra 8 nhóm giải pháp và lộ trình thực hiện. Trong đó, giải pháp hàng đầu là phải đổi mới nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng và tổ chức thi hành theo tinh thần thượng tôn pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, chiến lược sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm đồng bộ với quy định về công tác cán bộ của Đảng; có thực hiện thí điểm và sơ kết, rút kinh nghiệm, không nôn nóng, chủ quan, duy ý chí.

Cảm ơn bà!

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:
Người tài thực sự muốn có môi trường để cống hiến

img

Tôi đã từng phát biểu đóng góp cho tân Thủ tướng rằng phải làm sao để quần tụ được anh tài, sắp xếp họ vào những vị trí phù hợp, tạo ra cơ cấu để họ thi thố tài năng, làm sao để tăng vinh dự cho họ đồng thời cũng tăng trách nhiệm cho người tài. Những người tài thực sự ít khi đòi hỏi quyền lợi mà họ chỉ thường quan tâm có được tôn trọng không, có cho họ môi trường cống hiến hay không.

Tôi mong rằng Thủ tướng có sự đổi mới trong thu hút nhân tài, cần quan tâm tạo môi trường và sự tôn trọng, tôn vinh cần thiết với người tài, chứ không phải thu hút họ chỉ bằng chính sách, chế độ. Hầu như người tài thực sự đều muốn thi thố tài năng, muốn cống hiến hơn là kiếm chác.

Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia

Để thực hiện việc thu hút và sử dụng nhân tài, Chiến lược đưa ra 8 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, ngoài các giải pháp liên quan đến hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành chính sách pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, Chiến lược xác định nội dung tạo môi trường, điều kiện làm việc, đặc biệt là thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia.

Theo đó, Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, thu hút, bồi dưỡng nhân tài theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi của Chiến lược. Kinh phí bước đầu do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ bằng các nguồn vốn hợp pháp cho Quỹ.

Theo dự thảo, thời gian thực hiện Chiến lược là từ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025: Tập trung hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm đồng bộ với quy định về công tác cán bộ của Đảng. Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia. Bước đầu triển khai thực hiện thí điểm ở một số bộ, ngành, địa phương. Giữa năm 2025 tổ chức sơ kết giai đoạn 1.

Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tập trung triển khai thi hành Chiến lược đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở. Giữa năm 2030 tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.