Khi doanh nghiệp “đặt hàng” đào tạo
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Hoặc, Trưởng phòng Quản lý thiết bị, Công ty CP Licogi 16 chia sẻ: “Doanh nghiệp (DN) vừa tiếp nhận 10 bạn trẻ tốt nghiệp trường ĐH Công nghệ GTVT về công tác. Các em bắt nhịp rất nhanh với chuyên môn và văn hóa doanh nghiệp. Đó chính là nhờ mối liên kết “nhà trường - doanh nghiệp” trong suốt quá trình đào tạo”.
Theo ông Hoặc, trước kia với các lứa sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, GTVT, Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Thủy lợi… dù có trong tay tấm bằng loại giỏi khi về nhận việc tại đơn vị thường phải mất ít nhất 6 tháng. Thậm chí có trường hợp mất 1-2 năm đào tạo lại mới có thể bắt nhịp công việc vận hành, quản lý làm chủ thiết bị, công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay với “lớp đặt hàng”, trong quá trình đào tạo kiến thức ở nhà trường, các lớp sinh viên đã được tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận, thực hành trên thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại nhất ở đơn vị… thông qua các đợt thực tập. Điều này giúp rút ngắn tối đa giai đoạn “vào việc” sau này.
“Thông qua mô hình liên kết, DN còn hỗ trợ giáo viên cập nhật thêm kiến thức mới qua việc nhập máy móc mới, chuyển giao công nghệ, kết hợp nhà trường cử giáo viên các bộ môn cùng tham gia lớp chuyển giao công nghệ… Từ đó đổi mới lại chương trình đào tạo, phù hợp với tình hình mới”, ông Hoặc cho biết.
Nói về những “lớp đặt hàng” theo nhu cầu nguồn nhân lực của các DN mấy năm gần đây, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ GTVT cho biết, sinh viên tham gia được hỗ trợ học bổng sau khi ra trường đến làm việc cho DN; có cán bộ quản lý “cầm tay chỉ việc” trong quá trình thực tập. DN cũng tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường, giúp sinh viên tiếp cận sát nhất với yêu cầu của DN. “Xu thế chung, các nhà trường muốn tồn tại, phát triển thì chất lượng đào tạo cần đặt lên hàng đầu. Chất lượng đó thể hiện thông qua việc xã hội tiếp nhận, DN tiếp nhận và đánh giá về sản phẩm đào tạo của chính nhà trường”, ông Long khẳng định.
Cũng chính vì vậy, mỗi năm số lượng tuyển sinh, đào tạo “lớp đặt hàng” của DN ngày một tăng. Từ 100 sinh viên (SV) trong năm 2016 - 2017 đã tăng 250 SV vào năm 2018 và năm 2019 con số này là 500, trong bối cảnh quy mô tuyển sinh giảm từ 2.800 xuống còn 2.300 SV mỗi năm. “Việc không tăng quy mô tuyển sinh là vì nhà trường tập trung chất lượng, có lộ trình hoạch định bền vững, xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng đào tạo. Và sự chuyển mình trong đào tạo theo “đặt hàng” mang lại lợi ích chung cho cả DN, nhà trường và người học. Đó cũng là xu thế chung để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay”, ông Long cho biết.
Cần thay đổi tư duy đào tạo
Trong vòng 15-20 năm nữa nhân loại sẽ chuyển sang thế giới số, nhiều kĩ năng sử dụng trong thế giới hiện nay sẽ không cần trong tương lai. Do đó, hơn lúc nào hết, phải chuyển thật nhanh, thật tốc độ. Trong cuộc chuyển đổi này, sứ mạng của giáo dục và đào tạo là số một; giáo dục đại học là nền tảng và tiên phong để thực thi chính sách phồn vinh của đất nước.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT
Theo PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Chủ nhiệm đề tài của Bộ GD&ĐT về “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”, bất cập lớn nhất hiện nay của các cơ sở đào tạo là thiếu những liên kết cơ bản với nơi sử dụng. “Tính hội nhập và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 cũng chưa đáp ứng được. Do đó, cần có sự thay đổi trong cách dạy và cách học; thay đổi trong cách kiểm định, quản lý để tăng cường giám sát và thay đổi cách tổ chức trong nhà trường”, bà Hà nhấn mạnh.
Từ thực tiễn của lao động ngành nông nghiệp, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay số lượng DN nông nghiệp tăng nhanh, có nhu cầu nhân lực cao. Theo khảo sát sơ bộ, từ nay đến năm 2025 cần 10 nghìn cán bộ quản lý trong nông nghiệp, 80 nghìn cán bộ HTX nông nghiệp; 6 vạn người làm dịch vụ kĩ thuật, sản xuất, kinh doanh các vật tư nông nghiệp... “Bộ NN&PTNT hiện có 38 trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo bồi dưỡng và nhiều viện. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển sinh gặp khó khăn, các trường khi thấy nhu cầu của người học giảm, khó thu hút tuyển sinh thì bắt đầu có chuyển đổi, nhưng đang rất thụ động”, ông Doanh nhận định.
Tương tự đối với lĩnh vực đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), yếu tố then chốt cho sự thành bại của cuộc CMCN 4.0 cũng đang có độ vênh giữa cung và cầu. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, quy mô đào tạo ngành CNTT mỗi năm không nhỏ. Ngoài Học viện Bưu chính - Viễn thông mỗi năm tuyển sinh trên 3.000 SV, còn rất nhiều trường khác đào tạo CNTT, nhưng phía DN vẫn kêu thiếu, phải giành giật nhân lực, thậm chí dẫn đến “phá giá” tuyển dụng. “Cơ sở đào tạo chất lượng quá ít; lực lượng giảng viên chất lượng cao thiếu, phương thức giảng dạy còn xa mới đáp ứng được yêu cầu 4.0 chính là điểm nghẽn bên cung. Muốn giải quyết cần phải đầu tư nguồn lực có trọng điểm, không nên dàn trải”, ông Tâm phân tích.
Nhận định về xu hướng việc làm trong thời gian tới, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cách mạng 4.0 đang làm giảm nhu cầu đối với các công việc thủ công, có tính lặp đi lặp lại. Tự động hóa sẽ tác động mạnh nhất đến việc làm trong các ngành chế tạo, chế biến, nông nghiệp và một số ngành dịch vụ như tài chính, tư vấn, dịch vụ gia đình… Trong khi đó, những công việc có tính chuyên môn cao và các nghề công tác xã hội sẽ khó bị tự động hóa và thay thế bằng robot và nhu cầu lao động thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cao, các công việc yêu cầu phải có kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp sẽ tăng lên.
Theo ông Diệp, hiện đã xuất hiện khái niệm “thất nghiệp công nghệ” trong trường hợp mất việc làm do áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là robot, các hệ thống tự động, trí tuệ nhân tạo. Số việc làm dài hạn, suốt đời, việc làm gắn với một DN, một chủ sử dụng lao động đang giảm xuống, thay vào đó số việc làm linh hoạt, việc làm di động, việc làm tự do lại tăng lên. Do đó, việc xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động với hình thức phù hợp để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm là hết sức cấp bách trong các trường học hiện nay”, ông Diệp nói.
Thừa nhận những thách thức này, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa HN cho rằng, các trường ĐH đều đang đứng trước thách thức, đào tạo cho sinh viên trong một thị trường việc làm đầy biến động thì không thể biết sinh viên ra trường sẽ làm việc ở đâu, yêu cầu cụ thể của DN thế nào.
Do đó, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa cũng nhấn mạnh, điều quan trọng, các trường phải đổi mới tư duy để chủ động tiếp cận thị trường. Cùng với đó là sự hỗ trợ của nhà nước về dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng của các DN; đầu tư có trọng tâm trọng điểm đối với những ngành nghề xã hội cần; có các chính sách ưu đãi cho DN khi họ bắt tay với cơ sở đào tạo!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận