Kỳ tích ghép trái tim người lớn cho bé gái 8 tuổi
Những ngày cuối năm 2023, đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng tại Trung tâm ghép tạng, BV Việt Đức nhận được thông tin về 2 ca chấn thương sọ não có nguy cơ chết não. Đơn vị nhanh chóng gặp gỡ, thuyết phục 2 gia đình bệnh nhân là N.T.T (25 tuổi, ở Thái Nguyên) và P.V.G (32 tuổi, ở Phú Thọ) hiến tạng cứu người.
Được sự đồng ý từ gia đình, ngay sau đó, hai cuộc đại phẫu tiếp nhận phần tạng hiến bao gồm 2 tim, 2 gan, 4 thận, 2 tĩnh mạch chủ chậu, 2 khí quản, 4 giác mạc, 11 đoạn gân. Cùng lúc này, 7 ê-kíp sẵn sàng tiếp nhận và thực các ca ghép ngay tại BV Việt Đức.
Trong vòng 24 giờ, hơn 100 y bác sĩ đã thực hiện liên tiếp các kíp lấy tạng và ghép tạng. Ngoài ra, Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng đã nhanh chóng điều phối 2 giác mạc sang BV Mắt Trung ương, 1 lá gan sang BV Trung ương Quân đội 108.
Từ nguồn tạng hiến, một bé gái 8 tuổi nặng 18 kg vốn cơ tim giãn, điều trị nội khoa nhiều đợt, suy tim, có chỉ định ghép tim từ 6 tháng trước nhanh chóng được thực hiện ghép tim.
Theo chia sẻ của BS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Việt Đức, đây là một trường hợp vô cùng đặc biệt bởi anh trai của bé gái này cũng cùng triệu chứng, được ghép tim cách đây 3 năm. Ca ghép này là một thách thức trong phẫu thuật khi các bác sĩ đưa trái tim người lớn vào lồng ngực trẻ em. Với trình độ, kinh nghiệm, ê-kíp đã thực hiện thành công ca ghép tim.
Trái tim của người hiến thứ hai được ghép cho bệnh nhân nam 65 tuổi, vốn nhiều lần điều trị nội khoa cao huyết áp, tiểu đường, tuy nhiên quả tim thiếu máu lâu nay khiến chức năng tim rất kém. Theo nhận định các bác sĩ tim mạch, nếu không có can thiệp chắc chắn bệnh nhân suy tim, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân này có nhiều bệnh nền nên sau ghép phải hỗ trợ máy móc rất nhiều mới hồi phục.
Ca ghép gan cho người đàn ông 62 tuổi cũng đòi hỏi kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ. PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân này được phát hiện với nhiều khối u với kích thước lớn. Vì vậy, các bác sĩ quyết định dùng kỹ thuật mới để kiểm soát, làm xẹp khối u, sau đó mới thực hiện ghép gan. Đáng mừng là bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Như vậy, từ tạng hiến của bệnh nhân N.T.T và P.V.G, các bác sĩ đã hồi sinh sự sống cho 8 người. Trong đó, có 2 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận.
Thành quả từ cách làm mới
Chia sẻ niềm vui, BS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, bệnh viện nhận được sự đồng tình hiến tạng người thân chết não của 5 gia đình, trong đó có 2 gia đình đạt đủ các điều kiện. Điều này đến từ sự thay đổi cách làm tại bệnh viện này.
Còn BS Hùng cho biết, với một người chết não, nếu gia đình cho tạng sẽ cứu được nhiều người mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, nhu cầu lớn nhưng thực tế hiến tạng sau chết não không nhiều.
"Làm sao để tăng tỷ lệ người đồng thuận cho tạng khi đã chết não là câu hỏi khiến chúng tôi quyết định ngồi lại với nhau và giao cho bác sĩ phòng hồi sức, phẫu thuật cùng của trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng tổ chức buổi giải thích, vận động người có người thân chết não đồng ý hiến tạng… Điều bất ngờ là rất nhiều người nghe và bắt đầu có kết quả.
Chính sự chấp thuận của 2 gia đình vừa qua đã giúp nhiều người được nhận tạng hồi sinh sự sống. Hy vọng thời gian tới sẽ nhiều gia đình hiểu và đồng thuận để nhiều người bệnh khác có cơ hội được cứu sống", ông Hùng chia sẻ.
Tính từ thời điểm năm 2010 đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được 59 ca ghép tim, 88 ca ghép gan, 185 ca ghép thận và nhiều ca ghép mô khác. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận