Trạm thu giá Cam Thịnh trên QL1 tỉnh Khánh Hòa |
Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu 27 trạm thu giá BOT thuộc Dự án thu phí tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải đưa vào vận hành thương mại từ đầu tháng 10. Tuy nhiên, đến nay tiến độ này đã không đạt được. Câu hỏi đặt ra, tới đây trạm thu giá nào sẽ bị dừng vì chậm triển khai thu phí không dừng?
Ký hợp đồng vẫn gây khó
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, dự án có 27 trạm, đến nay đã ký hợp đồng được 25 trạm. Hiện, đã vận hành thương mại được 13 trạm, 5 trạm đang triển khai. Ngày 20/11, phấn đấu đưa vào khai thác thương mại trạm cầu Đồng Nai và trạm Quán Hàu, trạm Đông Hà triển khai trong tháng 12 và đầu tháng 12 sẽ khai thác thương mại trạm Bến Thủy I, II. VETC đang cố gắng đến 23/12 có thể vận hành thương mại hết các trạm trong khuôn khổ dự án.
Đề cập vướng mắc trong quá trình triển khai, ông Hà cho biết, dự án có 6 trạm do nhà đầu tư BOT tự lắp thiết bị không dừng của nhà cung cấp dịch vụ khác nhưng chưa hoàn thiện. Thiết bị cũng không đúng theo quy chuẩn thu phí không dừng của Bộ GTVT, dẫn đến trong quá trình xây dựng luồng mất nhiều thời gian khi kết nối đồng bộ với hệ thống của VETC. VETC đang phối hợp với nhà đầu tư để giải quyết khó khăn này.
Quyết định số 4390 của Bộ GTVT phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 27 trạm thu giá trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và QL1 theo công nghệ mới RFID. Dự án do liên danh Tasco - VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư này được cho phép thu hồi vốn trong 20 năm (theo dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu giá các dự án BOT. |
“Trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp đang trình Bộ GTVT được lắp đặt hệ thống ETC của nhà cung cấp khác. Theo tôi, nhà đầu tư BOT chọn nhà cung cấp dịch vụ khác nhưng cần đảm bảo chuẩn chung, tránh trường hợp cùng hệ thống thu phí không dừng nhưng tiêu chuẩn các trạm lại khác nhau. Khi đó sẽ không đồng bộ dữ liệu, va chạm giao thông rất dễ xảy ra. Các trạm do nhà đầu tư tự lắp phải có thiết bị đúng chuẩn thời gian xử lý để barie mở là 0,6 giây và chuẩn về bảo mật thông tin”, ông Hà cho biết thêm.
Một khó khăn khác được ông Hà đề cập, đến nay có nhà đầu tư BOT vẫn còn yêu cầu hạ chi phí quản lý thu mà VETC được hưởng xuống còn 45% thay vì mỗi bên 50/50 như chỉ đạo của Bộ GTVT. Thậm chí, có nhà đầu tư yêu cầu phải có cơ quan Nhà nước chứng kiến chạy thử như trường hợp Trạm thu phí Bắc Ninh thuộc Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Trí Hồng, Trạm trưởng Trạm thu giá BOT tuyến Hà Nội - Bắc Giang thừa nhận chưa cho phép VETC chạy thử vì chưa đủ tính pháp lý do chưa được sự đồng ý của Bộ GTVT. Trong hợp đồng BOO đã quy định rõ, khi lắp đặt xong hệ thống phải có quá trình kiểm thử, sau đó thống nhất với nhà đầu tư BOT về số liệu.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, cần có văn bản hướng dẫn chung, không thể để nhà đầu tư BOT đồng ý ký hợp đồng rồi tiếp tục gây khó khăn. “Chạy thử là trách nhiệm của VETC, khi nghiệm thu mới cần đến cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi sẽ tập hợp những vướng mắc ngoài thẩm quyền báo cáo Bộ giải quyết”, ông Thắng nói.
Dự án thu phí tự động không dừng đến nay mới có 13 trong tổng số 27 trạm vận hành thương mại - Ảnh: Khánh Linh |
Sẽ kiên quyết dừng thu phí
Theo tiến độ, trong số 27 trạm, hiện còn 2 trạm là Cần Thơ - Phụng Hiệp và Cam Thịnh - Khánh Hòa là chưa ký hợp đồng với VETC và có nguy cơ bị dừng thu phí nếu tiếp tục chậm triển khai. Ngoài ra, còn 6 trạm khác đã ký hợp đồng nhưng lắp thiết bị của nhà cung cấp dịch vụ khác cũng có nguy cơ chậm vì chưa đồng bộ với hệ thống chung.
Nói về điều này, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, đây là giai đoạn dự án sắp cán đích, tổng cục đang tích cực đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án. Tổng cục sẽ đồng hành để dự án sớm triển khai trong thực tế mang lại lợi ích cho xã hội, người tham gia giao thông.
Tổng cục cũng đã yêu cầu VETC phối hợp với các đơn vị liên quan sớm có văn bản hướng dẫn chung các bước tiến hành xây dựng hệ thống. Rà soát lại hợp đồng BOO, phân cấp rõ ràng, danh mục nào thuộc trách nhiệm nhà đầu tư BOT, công việc nào thuộc trách nhiệm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, công việc nào thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư VETC. Đây sẽ là cơ sở để sau này đôn đốc, xem xét xử lý trách nhiệm. Sau khi dự án đi vào hoạt động, dữ liệu sẽ được kết nối về Tổng cục, hiện Trung tâm Dữ liệu đường bộ của Tổng cục đã hoàn thành.
Đối với các trạm đang triển khai chậm tiến độ, Tổng cục sẽ thành lập đoàn kiểm tra để đôn đốc công việc và chốt thời gian hoàn thành cụ thể cho từng trạm. Các trạm do nhà đầu tư BOT tự triển khai cũng phải đảm bảo tiến độ chung. Đến hết tháng 12 phải hoàn thành, trạm nào không đảm bảo tiến độ, Tổng cục sẽ đề xuất Bộ GTVT kiên quyết dừng thu phí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận