Các đơn vị ngành GTVT ký cam kết không hút thuốc lá khi làm việc và tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng theo quy định |
“Nạn dịch” thuốc lá giết chết 40.000 người Việt mỗi năm
Chiều 30/5, tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không hút thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không hút thuốc lá.
Cục trưởng Cục Y tế GTVT, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ GTVT Vũ Văn Triển cho biết: Năm 2017, 80% các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành GTVT thực hiện nghiêm quy định nơi làm việc không hút thuốc lá. Như tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế ngành GTVT đều thực hiện và ký cam kết xây dựng Bệnh viện không khói thuốc. Các nhà ga, bến tàu, bến xe cũng xây dựng mô hình không khói thuốc, có khu vực riêng dành cho người hút thuốc. Các phương tiện giao thông công cộng không khói thuốc như trên các tuyến xe buýt, xe khách đường dài...
Tại buổi mít tinh, Bộ GTVT đã ký kết với các đơn vị trong Bộ về quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng theo quy định. |
Phát biểu chỉ đạo tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ GTVT cho biết: Bộ GTVT là một trong các Bộ đầu tiên của cả nước ban hành Chỉ thị phòng chống tác hại của thuốc lá. Do tính chất quản lý nhà nước của ngành GTVT đối với các công trình giao thông, các phương tiện giao thông cùng với rất nhiều lượt khách tham gia trên các phương tiện giao thông nên Bộ GTVT gắn công tác phòng chống tác hại của thuốc lá với nhiệm vụ, công tác bảo vệ sức khỏe người lao động của ngành và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian qua. Để có thể tiếp tục phát huy, tôi đề nghị lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đặc biệt là ở các nhà ga, bệnh viện, trường học, bến xe cần chủ động tuyên truyền, xây dựng kế hoạch hoạt động về phòng chống tác hại của thuốc lá”, Thứ trưởng nói và yêu cầu mỗi cán bộ, công nhân viên bên cạnh việc ý thức phòng chống tác hại cho bản thân cũng như cộng đồng còn phải là một tuyên truyền viên tích cực tại cơ quan cũng như trong gia đình, xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất công tác thực hiện kế hoạch, đưa vào quy chế đơn vị không được hút thuốc lá tại nơi làm việc và đưa ra chế tài để xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
“Thuốc lá và bệnh tim mạch”
Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch. Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, năm 2015, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.
Theo các chuyên gia hàng đầu về y tế, hút thuốc tác động tới một số phần khác của bệnh tim. Vì vậy, dù một ít thuốc lá mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đáng kể. Theo một thử nghiệm nghiên cứu trên đối tượng cho thấy những người hút 4 điếu thuốc mỗi ngày tăng 2,5 nguy cơ mắc bệnh suy yếu động mạch vành. Người hút thuốc có nguy cơ từ 2 - 4 lần mắc các bệnh về tim và hơn 70% chết vì các căn bệnh này so với người không hút thuốc.
Theo BS. Đặng Quốc Khánh, Trưởng phòng Y tế dự phòng và các chương trình y tế (Cục Y tế GTVT), để đẩy lùi tác hại của thuốc lá, các ngành chức năng cần quy định cụ thể về môi trường không khói thuốc; tăng thuế đối với thuốc lá cao hơn nữa; đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân biết tác hại to lớn của thuốc lá…
Bên cạnh đó, kêu gọi cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp cũng như các cơ quan, đơn vị có quy định về cấm hút thuốc cũng như có biện pháp quản lý đối với người hút thuốc, nhất là nơi công cộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận