Vị đắng cam sành
Ngày 15/2, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngành nông nghiệp không thể can thiệp trong việc 80.000 tấn cam sành đang bị tồn đọng ở địa phương.
Ông Liêm bày tỏ sự chua xót và cho biết do quy luật cung cầu của thị trường, ngành nông nghiệp không có chính sách để giải cứu cam trong hoàn cảnh này.
Cam sành ở Vĩnh Long đang tồn đọng 80.000 tấn.
Thời điểm này, giá cam sành thương lái mua tại vườn từ 1.500 - 4.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp chưa từng thấy. Trong khi đó, giá cam sành phải từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, người trồng mới hòa vốn.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Vĩnh Long có 15.000 héc-ta cam sành, nhưng con số hiện tại đã là 17.000 héc-ta.
Huyện Trà Ôn là địa phương có diện tích cam lớn nhất tỉnh với sản lượng đang tồn đọng là 60.000 tấn. Tiếp đó là huyện Vũng Liêm và Tam Bình, mỗi huyện 10.000 tấn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, 3 năm nay, diện tích cam sành trong tỉnh tăng khá nhanh.
Diện tích cam sành ở Vĩnh Long tăng nhanh trong 3 - 4 năm qua.
Ông cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể cảnh báo người dân không nên mở rộng diện tích cam sành ồ ạt.
Nhưng 3 - 4 năm qua, giá cam sành dao động quanh 15.000 đồng/kg. Đây là mức lợi nhuận lớn vì sản lượng cam sành khá cao. Cũng từ lẽ này, người dân đổ xô trồng rất nhiều, có người thuê đất để trồng cam theo phong trào”.
Trước đây muốn thuê đất trồng cam, người thuê tốn từ 4-5 triệu đồng/1.000 m2, còn hiện nay là 9 triệu đồng. Ngoài ra, giá vật tư và chi phí lao động hiện nay cũng rất cao, khiến mức đầu tư cho 1.000 m2 cam sành tăng lên 80-90 triệu đồng, trong khi nhiều năm trước chỉ từ 50-60 triệu đồng.
Bài học cam sành
Những năm trước, vào thời điểm Tết Nguyên đán, giá cam sành sẽ giảm do nhu cầu người dùng không cao và qua Tết thường giá tăng trở lại. Vì lý do này, người trồng thường neo từ trước Tết để chờ giá lên.
Cam sành chưa xuất khẩu được, chưa có nhiều cơ sở, công ty chế biến thu mua.
Nhưng năm nay, giá cam sành sau Tết giảm sâu, số lượng thu hoạch cùng lúc quá nhiều nên xảy ra tồn đọng. Trong khi đó, cam sành trước nay chỉ tiêu thụ thị trường trong nước, chưa phục vụ xuất khẩu.
Hơn nữa, ngoài Vĩnh Long, rất nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, miền Bắc, miền Trung cũng trồng cam sành như: Nghệ An, Hưng Yên, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên...
Trong khi đó, các cơ sở chế biến cam sành không nhiều. Tình cảnh này đặt trái cam sành ở Vĩnh Long vào một viễn cảnh mờ mịt.
Người dân Vĩnh Long thu hoạch cam sành trong nỗi buồn rớt giá.
Để giải bài toán này, ngành nông nghiệp Vĩnh Long cho biết, đối với lượng cam sành đang tồn đọng, các tổ chức, cá nhân sẽ tự vận động người tiêu dùng tiêu thụ.
Riêng Sở NN&PTNT tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân không mở rộng thêm diện tích cam.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long, đối với diện tích đã trồng, khi giá cam sành giảm sâu có thể cắt bỏ trái một vụ để dưỡng cây, khi nào thấy giá lên dần thì để trái.
Không nên thấy giá cam sành giảm mạnh mà đốn bỏ vườn, khi giá tăng thì đi trồng mới, tốn thêm chi phí và mất thời gian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận